(SGTT) - Mở cửa miễn phí từ năm 2017, phòng tranh Di sản vô giá của Réhahn không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật mà còn “kể” lại những câu chuyện mà anh biết được về người dân tộc bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt.
- Du lịch giữa mùa dịch: Đi trốn dịch giữa biển vắng
- Công ty du lịch tặng gần 600 phần ăn mỗi bữa cho người khó khăn trong khu phong tỏa
Một buổi sáng đi dạo, khi ngang qua số 26 đường Phan Bội Châu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, tôi bị lôi cuốn bởi không gian di sản vô giá nhưng lại được vào cửa tự do.
Ngôi nhà cổ 2 tầng được nhiếp ảnh gia Réhahn (42 tuổi, quốc tịch Pháp) dùng làm phòng tranh với cái tên “rất lịch sử”: Di sản vô giá. Ở tầng 1 của ngôi nhà, tác giả trưng bày 200 bức ảnh đặc sắc về vẻ đẹp con người, trong đó chủ đạo là tác phẩm về phụ nữ Việt - những người mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.
Tầng trên là bộ sưu tập hình ảnh di sản quý giá trưng bày 35 bộ trang phục truyền thống, câu chuyện và các hiện vật liên quan đến đời sống và văn hóa của các dân tộc Việt dọc 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Nhà nhiếp ảnh gia người Pháp chia sẻ, chính tình yêu nhiếp ảnh đã đưa anh đến với hơn 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Nhưng anh chọn Việt Nam là quê hương thứ hai vì ở đây anh cảm thấy tự do và hạnh phúc hơn bất cứ nơi nào anh đã đến.
Để thực hiện phòng tranh của mình, suốt nhiều năm qua, Réhahn đã xuôi ngược không biết bao nhiêu lần trên lãnh thổ Việt Nam; lặn lội tìm hiểu những giá trị của đời sống người dân để cho ra những tác phẩm độc đáo.
Cũng có khi anh phải dành thời gian để nghiên cứu về văn hóa các dân tộc rồi từ đó sưu tầm, “kể” lại câu chuyện qua cách hiểu của bản thân về trang phục của những người dân tộc bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt.
Cũng theo Réhahn, cuộc sống hiện đại khiến con người đang chạy theo những giá trị mới thiên về vật chất mà đôi khi quên mất đi những nét văn hóa truyền thống. Có những giá trị về văn hóa đang bị mai một dần.
Hành trình tìm kiếm để có được những bức ảnh và trang phục truyền thống trong bảo tàng này đối với Réhahn cũng không phải điều dễ dàng. Việt Nam là quốc gia đa dạng về văn hóa và luôn thể hiện điều này bằng nhiều cách.
Một vài tộc người thiểu số Việt Nam đang suy giảm một cách nhanh chóng. Sự hòa nhập của cuộc sống hiện đại đã tạo nên nhiều ảnh hưởng đến nhóm dân tộc này theo cách mọi người không lường trước. Những người trẻ rời bỏ làng quê lên đô thị làm việc, tự tạo nên cuộc sống của riêng mình, bỏ lại sau lưng những di sản có nguy cơ biến mất mãi mãi.
Vì tình yêu nhiếp ảnh, tình cảm với những giá trị văn hóa Việt Nam càng thôi thúc vị nhiếp ảnh gia người Pháp tìm hiểu về vùng đất này. Những xúc cảm khó diễn tả, trong đó có cả những lo âu, đáu đáu về nét văn hóa đang có nguy cơ mai một.
Réhahn tâm sự: “Việt Nam đã cho tôi nhiều thứ. Từ cơ hội thành công cho đến gặp gỡ các nhân vật như mẹ Sông - những nhân vật làm thay đổi sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi. Sau suốt hành trình sưu tập được chân dung các dân tộc cùng những bộ trang phục truyền thống tôi muốn mở bảo tàng này như một cách để tri ân Việt Nam”.
Réhahn, sinh năm 1979 ở Bayeux, Pháp, là một nhiếp ảnh gia hiện đang sống tại Hội An, Việt Nam. Anh đã đi qua hơn 35 quốc gia và đặc biệt nổi tiếng về các bức ảnh chân dung tại Việt Nam, Cuba và Ấn Độ. Tại Việt Nam, anh đã gặp gỡ 49 dân tộc, chụp và thu thập trang phục truyền thống, vật dụng phản ánh văn hóa địa phương về trưng bày ở phòng tranh của mình.
Trần Quang Duy
CEO Chim Cánh Cụt Travel