(SGTT) - Đến với Quảng Bình sẽ thật là đáng tiếc cho du khách nếu không đặt chân đến Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng - “kỳ quan đệ nhất động” với nhiều danh thắng “nức tiếng gần xa” như hang Sơn Đoòng, động Tiên Sơn, khu du lịch suối Moọc… Và trong chuỗi thắng cảnh ấy, tồn tại một “hoàng cung trong lòng đất” tráng lệ và huyền ảo, đó chính là động Thiên Đường.
- Du lịch giữa mùa dịch: Đến Lai Châu chơi dù lượn ở Putaleng
- Du lịch giữa mùa dịch: Say đắm cánh đồng hoa Nemophila ở Nhật Bản
Động Thiên Đường được bao bọc xung quanh bởi hệ thống rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng, tạo nên không gian xanh mát, thoáng đãng xen lẫn chút ma mị và đầy kỳ bí.
Để đến được cửa hang, du khách có thể chọn cách đi bộ 570m hoặc vượt qua 524 bậc thang. Tôi khá bất ngờ với lối vào hang động, bỏi nó rất nhỏ, hẹp và khá dốc, khi đi xuống thì khó khăn còn đi lên thì khá cực nhọc. Có chăng “phải vượt qua gian khó mới thấy được Thiên Đường?”
“Đường đi lên Động Thiên Đường,
Thác ghềnh vách đá dặm trường cheo leo.
Có khe suối nước trong veo,
Rừng xanh cây cối ngoằn ngoèo dáng mơ”.
Từ một bầu không khí oi bức ngoài trời, ven theo bậc tam cấp vào bên trong động, bỗng dưng chốn “bồng lai” ở đâu hiện ra trước mắt khiến tôi ngỡ ngàng. Quả không hổ với cái tên Thiên Đường, nơi đây như một mê cung rộng lớn với những khối đá thạch nhũ muôn hình vạn trạng, đầy uy nghiêm và tráng lệ.
Theo những lời chia sẻ của hướng dẫn viên, tôi được biết, động Thiên Đường còn là hang động khô dài nhất châu Á. Động có chiều dài 31,4km, cao khoảng 80m, rộng từ 30m đến 100m. Để phục vụ cho việc tham quan, thưởng ngoạn, ban quản lý đã cho lắp đặt một hệ thống cầu gỗ dài xuyên qua giữa tâm động.
Càng đi sâu vào bên trong, hệ thống các măng đá, nhũ đá càng làm cho bao du khách mê mẩn bởi vẻ huyền ảo, chúng kết tinh thành những hình thù đầy thú vị như hình dạng chú thỏ, kỳ lân, rồng, ông tiên, hay những khối thạch rũ xuống tựa như bức rèm che của tiên nữ, hay tháp nghiêng Pisa ở Ý....
Đặc biệt, có những thạch nhũ tựa như đang tái hiện lại văn hóa đặc trưng của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam. Bởi có nhũ đá gợi lên sự liên tưởng hình ảnh nhà rông của đồng bào Tây Nguyên, hay nhiều thớ đá thoải, dài hun hút hệt như ruộng bậc thang, nhiều cột thạch nhũ hình tháp Champa, hay những ao, hồ nước đại diện cho nền văn minh lúa nước...
Đến với động Thiên Đường, tôi thật sự không kìm nén nổi sự ngạc nhiên mà thốt lên “Tạo hóa có thể phi thường vậy sao?”, hay có chăng mẹ thiên nhiên đã quá ưu ái nơi đây, nên mới ban cho động này những kiệt tác “tựa chốn bồng lai” như vậy?
“Tiên cảnh hư hư nơi mộng ảo.
Trần đời thực thực chốn thiền không.
Đến đây rồi, tôi mới ngộ ra, thiên đường không chỉ nằm trong sách, truyện hay những lời hoa mỹ trong trí tưởng tượng, mà thiên đường chính là nơi đây, và chúng ta có thể tận mắt chiêm ngưỡng “thiên đường giữa chốn dân gian”.
Lê Thanh Lượng