(SGTT) - Năm đó tôi về thăm Huế vào một chiều mưa. Cái mưa dai dẳng của miền Trung hòa với khí trời se lạnh của mảnh đất kinh kỳ đã khiến tôi xao động. Thời gian có vẻ đã trôi chậm lại có đôi khi dừng hẳn để tôi có thể cảm nhận đất và người nơi này sâu sắc hơn.
- Du lịch giữa mùa dịch: Về miền Tây nghe câu chuyện “thủy quái”
- Du lịch giữa mùa dịch: Những “bức tranh” ruộng bậc thang của người Xơ Đăng
- Du lịch giữa mùa dịch: Bình yên miền đất An Giang
Trước khi đi tôi đã chọn di tích Cố đô là nơi mình muốn đến nhất và mong muốn cảm nhận được hơi thở của một thời oai hùng dân tộc.
Tôi rảo bước bên bờ sông Hương thơ mộng để có thể chiêm ngưỡng một quần thể di tích có diện tích hơn 500 héc ta, bao gồm nhiều di tích lịch sử - văn hóa do nhà Nguyễn xây dựng trong thế kỉ 19-20.
Cố đô Huế bao gồm 3 vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Với khung cảnh cổ kính, nguy nga cùng những công trình kiến trúc đặc sắc đã khiến tôi được chìm đắm vào cuộc sống cung đình xưa và tìm hiểu thêm về thời kỳ lịch sử nhà Nguyễn.
Được xây dựng từ đầu thế kỉ 19 và xây dựng trong gần 30 năm, kinh thành có hơn 10 cửa ra vào và được thiết lập hơn 24 pháo đài để phòng thủ. Trong Kinh thành, nhà Nguyễn còn cho xây dựng nhiều lăng tẩm và các công trình lớn nhỏ khác như Kỳ Đài Trường, Quốc Tử Giám, Điện Long An...
Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được diện mạo của một kinh đô xưa, với hàng trăm công trình nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, vừa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Huế.
Tôi đã đắm chìm bởi những thành quách rêu phong, cung điện vàng son, những đền đài, miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự tịch mịch. Trong lòng thầm thán phục những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng rất nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc.
Tôi lại bước về phía bờ sông Hương, văng vẳng bên tai là một đoạn trong bài hát Ướt Mi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi...” đã ngân nga trong lòng bao thế hệ người Việt cho dù có trải qua bao năm tháng thăng trầm.
Trong từng nốt nhạc Trịnh đã thể hiện một sự mượt mà, sang trọng, sâu lắng rất riêng biệt và rất buồn; cái buồn rất Huế.
Lê Uy
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.