Từ một câu chuyện phiếm trên Facebook, người viết bỗng giật mình nhìn lại các điểm đến du lịch của Việt Nam đang bị “bội thực” hay thậm chí là “sa lầy” vào các điểm check-in để thu hút khách.
Chuyện là có một ý tưởng đăng trên Facebook về việc xây tượng rồng lớn nhất thế giới ở Hồ Gươm (Hà Nội) và 7 viên ngọc rồng tại 7 điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước (phỏng tác theo truyện tranh 7 viên ngọc rồng của Nhật Bản). Những ai sưu tập đủ hình “check-in” với 7 viên ngọc rồng sẽ được miễn phí đứng trên đầu rồng để chụp check-in với thủ đô từ trên cao.
Ý tưởng này nhận được chia sẻ bởi nhiều người bạn và bình luận khá thú vị. Trong đó, có một bạn cho rằng câu chuyện nên chỉ là câu chuyện đùa. Nếu “được” những người quy hoạch biết được và làm thật thì, chuyện này không còn là chuyện đùa nữa mà sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thiên nhiên.
Từ câu chuyện này, nhìn lại hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đang có rất nhiều điểm check-in ở quy mô khác nhau (từ Nhà nước đến tư nhân).
Cách đây không lâu, tại một bờ biển trên huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) “mọc” lên một khối xi măng hình trái tim với mục đích cung cấp dịch vụ “check-in” có thu tiền. Sau khi bị dư luận lên tiếng, hình trái tim đã “biến mất” nhưng còn để lại khối đế bê tông nham nhở.
Đỉnh núi Langbiang là điểm đến ưa thích lâu nay của du khách khi đến tỉnh Lâm Đồng nhờ không khí trong lành và cảm giác khoan khoái nhìn quanh cảnh từ trên cao. Tuy nhiên, hiện nay cảm giác này có thể giảm một nửa, khi khu du lịch ở đây đầu tư những điểm check-in bằng chong chóng, tre… che khuất một góc nhỉn.
Khu du lịch cổng trời Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) có các điểm nhân tạo như nhà cổ Hội An, tượng đá nở hoa, nhà Gươl bằng xi măng, cây cầu bảy sắc cầu vồng… Nhiều người đến đây cho rằng nhà đầu tư có thể muốn xây dựng nhiều điểm “check-in” để thu hút khách nhưng lại không nghĩ rằng những điểm này không những không kết nối được một câu chuyện chung mà còn góp phần làm xấu đi cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Lướt qua vài điểm du lịch khác cũng thấy điều tương tự như mô hình bức tượng bán thân mô phỏng nhân vật hoạt hình Elsa tại một điểm du lịch ở Sa Pa, những vòng quay chong chóng bao trùm đỉnh đèo Pha Đin (tỉnh Sơn La) hay những cây cầu nhân tạo mang tên gọi “nấc thang lên thiên đường” có thể dễ dàng nhìn thấy tại nhiều điểm du lịch từ Bắc chí Nam.
Một doanh nhân trong ngành du lịch chia sẻ ông ủng hộ xây dựng các điểm check-in tại các điểm đến để thu hút khách vì phù hợp với xu hướng hiện nay của không chỉ giới trẻ mà còn là người đi du lịch nói chung. Tuy nhiên, ông cũng cho biết điều này không có nghĩa là các điểm đến xây dựng các điểm check-in vô tội vạ, không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và không liên kết với hệ sinh thái xung quanh.
Một điểm đến lý tưởng là nơi có điểm check-in vừa làm tôn lên vẻ đẹp của một góc nào đó của điểm đến vừa thu hút khách đều đặn, kết nối với các dịch vụ ăn uống, lưu trú cách đó không xa, từ đó phát triển du lịch bền vững, theo vị doanh nhân này.
Cây thông cô đơn nổi tiếng nằm bên hồ Đan Kia – Suối Vàng thuộc địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là một ví dụ. Tại đây, bên cạnh cây thông chỉ có mô hình một chiếc xe ngựa thồ đặc trưng của Đà Lạt nằm trên đồi cỏ được thiết kế với màu sắc nhẹ nhàng, tô thêm sự yên bình nơi đây. Du khách chỉ có thể gửi xe cách điểm check-in này khoảng 3 km và lội bộ hoặc đi thuyền. Xung quanh điểm đến này trong phạm vi bán kính 5 km là các nhà hàng, café, lưu trú để du khách lựa chọn.
Lò gạch cũ tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng là một điểm “check-in” được nhiều người biết đến. Theo tìm hiểu, chính quyền địa phương giao cho một đôi vợ chồng quản lý và khai thác điểm đến du lịch phù hợp. Họ đã xây dựng một quán cà phê bằng vách tre nứa, làm cây cầu bằng tre nối liền quán cà phê với lò gạch cũ. Đi trên cây cầu tre, khách có thể ngắm nhìn cánh đồng lúa tím than được trồng ngay dưới chân do chính vợ chồng này đầu tư. Đôi vợ chồng này còn đầu tư những nhà hàng theo phong cách nhà chòi (chỉ sử dụng tre, nứa và lợp mái bằng lá) cách đó không xa để phục vụ khách có nhu cầu. Lò gạch cũ cách phố cổ Hội An 8 km nên cũng thuận tiện cho khách lưu trú.
Một doanh nhân du lịch khác cho hay hai mô hình trên là một vài trong nhiều mô hình “check-in” có thể được nhân rộng phù hợp với đặc trưng từng địa phương và đúng với tiêu chí ở trên. Nếu được nhân rộng sẽ giúp các địa phương du lịch tại Việt Nam thu hút khách bền vững.
Quay lại câu chuyện 7 viên ngọc rồng trên Facebook, một bình luận đặt dấu hỏi nếu dự án này thành hiện thực: “Hãy cứ tưởng tượng đặt mấy cái công trình này vào thì có phải là đào xới, đập phá, thay đổi tự nhiên không?”
Có lẽ đó cũng là lời cảnh tỉnh cho “phong trào” xây điểm check-in du lịch hiện nay tại Việt Nam.
Nhân Tâm
Theo KTSG Online