Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang có tham vọng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe theo hướng khác biệt, tức là không chỉ chữa bệnh cơ thể thuần túy mà còn “chữa lành tâm hồn” và nâng cao thể chất dựa vào những tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên để phát huy tiềm năng này là một chặng đường dài.
- Du lịch các địa phương bứt tốc, về đích sớm
- Tuy An (Phú Yên) bàn cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất trong du lịch
Cách đây không lâu, chị Huyền Trang từ TPHCM đã tham gia một khóa tu dưỡng tâm trí tại chùa Huyền Không Sơn Thượng (thành phố Huế). Với thiết kế dựa vào thiên nhiên nằm trên một ngọn đồi cao, chùa được xem như là nơi lý tưởng cho chị Trang cũng như nhiều khách thập phương khác để ngồi thiền giữa thiên nhiên, sống tĩnh lặng.
Theo đại diện của chùa Huyền Không Sơn Thượng, trong một tháng chùa nhận đăng ký 2-3 đoàn như đoàn của chị Trang. Mọi người thường đăng ký ở 3 đêm để “chữ lành tâm hồn” bằng cách ngồi thiền giữa thiên nhiên và nói chuyện về đời và đạo cùng với những nhà sư của chùa. Khách thập phương có thể chọn một trong hai cơ sở của chùa nằm gần nhau, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km.
Trong khi đó, gia đình chị Đỗ Kim Loan (ở Đà Nẵng) thời gian gần đây thường đến Huế vào cuối tuần chỉ để tắm suối khoáng nóng hoặc tại Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion hoặc tại Khu nghỉ dưỡng Kawara Mỹ An Onsen – nơi có 2 suối khoáng nóng được đưa vào khai thác. “Nếu có điều kiện tắm suối khoáng nóng thường xuyên sẽ tốt cho cơ thể”, chị Loan nói và cho biết chị thích đến Huế bên cạnh dịch vụ sức khỏe này chị có thể đi dạo và thưởng thức ẩm thực Huế trong không khí trong lành.
Nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn manh mún
Hình thức trải nghiệm tại chùa Huyền Không Sơn Thượng hay tắm suối khoáng nóng là hai trong số nhiều tiềm năng mà ngành du lịch Thừa Thiên Huế muốn khai thác để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe (hay còn gọi là wellness tourism) nhằm làm phong phú các loại hình du lịch tại vùng đất Cố đô trong tương lai.
Cụ thể, theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, với một địa hình có cả đồi núi, đồng bằng, đầm phá, ven biển, Thừa Thiên Huế sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch chăm sóc sức khỏe tiềm năng với thiên nhiên hoang sơ, sinh thái đa dạng, môi trường trong lành của vùng núi đồi, hệ thống bãi biển đẹp. Các tài nguyên du lịch văn hoá đa dạng có thể phối hợp như quần thể di tích cố đô Huế; hệ thống hàng trăm ngôi chùa Phật, văn hóa lễ hội phong phú, biểu diễn nghệ thuật truyền thống đa dạng…
Thừa Thiên Huế có khá nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong những không gian yên bình theo triển đồi, ven bờ sông Hương hay trải dài trên các bãi biển, dễ dàng hòa mình với thiên nhiên và thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có tới 7 nguồn nước khoáng nóng, trong đó có 2 nguồn nước khoáng nóng đang được khai thác như nói ở trên. Trong khi đó, tại hai bờ sông Hương, tuyến đường đi bộ và công viên được hình thành tạo điều kiện cho hoạt động tắm sông, chèo SUP, đi bộ, đạp xe kết hợp với khám phá điểm văn hóa, cảnh quan xung quanh thành phố Huế.
Không chỉ vậy, vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trường cho phục hồi hình thức khám chữa bệnh theo y thuật cung đình triều Nguyễn của Thái Y viện thông qua hoạt động của Đại Nam Thái Y Viện. Gần đây, Bệnh viện Trung ương Huế chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Thẩm mỹ Quốc tế Trung ương Huế, bao gồm thẩm mỹ nội khoa và ngoại khoa phục vụ du khách.
“Chăm sóc sức khỏe còn liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống lành mạnh và thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Trong khi đó, Huế lại có thể lợi thế có nhiều món ẩm thực đa dạng, bổ dưỡng, nhất là dòng ẩm thực chay có danh tiếng từ lâu được chế biến ở các chùa và một số cơ sở nhà hàng”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, nói và cho biết thêm đã có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang tập trung hướng đến sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo xanh-sạch, sử dụng công nghệ hữu cơ vi sinh, thân thiện với môi trường, có giá trị với sức khỏe.
Tuy nhiên ông Phúc thừa nhận mặc dù có nhiều tiềm năng và sẵn có sản phẩm khá đa dạng, nhưng nhìn tổng thể đến nay việc khai thác các thế mạnh của du lịch chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát huy được hiệu quả, tiềm năng và thế mạnh như mong đợi. Theo ông Phúc, sản phẩm vẫn đang còn có tính nhỏ lẻ, chưa có nhiểu các sản phẩm có đẳng cấp quốc tế được công nhận, đội ngũ nhân lực còn thiếu, chưa chuyên nghiệp; thiếu sự liên kết giữa các công ty lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu và thẩm mỹ. “Hơn nữa chúng ta chưa có cơ chế, chính sách cho du lịch y tế để kết nối giữa các ngành; và chưa có nhiều chương trình truyền thông quảng bá cho mô hình du lịch – chữa bệnh – chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên Huế”, ông Phúc cho hay.
Tham gia Diễn đàn du lịch Huế 2022 với chủ đề du lịch chăm sóc sức khỏe diễn ra trung tuần tháng 11 vừa qua, bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho hay bà và một số chuyên gia rất bất ngờ trước phương pháp điều trị bệnh bằng Đông y ở Huế, nhất là những phương pháp điều trị cổ truyền, được sử dụng dưới triều Nguyễn mà hiện vẫn được lưu giữ. “Đó là tính đặc trưng riêng có của Huế, nhưng lại ít được quảng bá và chưa nhiều du khách lựa chọn”, bà cho hay.
Khai phá tiềm năng bằng cách nào?
Theo ông Phúc đó là lý do tại sao diễn đàn du lịch năm nay lấy chủ đề là du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm tìm kiếm hướng đi để chuẩn hóa sản phẩm du lịch đầy tiềm năng này.
Ông Phúc cho hay loại hình du lịch này cũng có thể giúp các điểm đến giảm thiểu những tác động tiêu cực so với du lịch đại chúng, vốn luôn trong tình trạng quá tải, tác động đến hệ thống tài nguyên du lịch, nhất là hệ thống di sản như Cố đố Huế. Một tác động tích cực nữa mà du lịch “Wellness” có thể mang đến là cơ hội giảm tính thời vụ của ngành du lịch Huế, điều được thể hiện rất rõ, nhất là vào mùa mưa. Du khách có thể tìm kiếm một môi trường, không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi mà không bị thời tiết chi phối.
Ở khía cạnh kinh doanh, theo tìm hiểu, những người làm du lịch tại Huế cũng đang có ý định kết hợp chữa bệnh giữa Đông và Tây y. Khôi phục lại một số hoạt động của Thái y viện ở Hoàng cung nhằm phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của du khách.
Họ cũng nhận ra dòng khách du lịch chăm sóc sức khỏe khá rộng và đa dạng. Họ không chỉ là dân văn phòng, giới kinh doanh, người lớn tuổi, phụ nữ trung niên, mà kể cả giới trẻ cũng lựa chọn, chú trọng để duy trì, phục hồi, cải thiện sức khỏe toàn diện, hướng đến lối sống tích cực.
Ông Hylton Lipkin, Tổng quản lý Alba Wellness Resort, cho biết, từ năm 2017 đến nay, vào tháng 9 cơ sở của mình đều có tổ chức chương trình sức khỏe toàn cầu nhằm kích cầu du lịch gắn với loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe và thu hút lượng du khách đáng kể cùng tham gia. Không chỉ hướng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, các dụng cụ làm từ nhựa như ống hút, chai, cốc… đều dần đang được thay thế bằng các sản phẩm làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, như ống hút cỏ, tre, cốc giấy…
Ông Lipkin chia sẻ thêm loại hình du lịch này còn liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống lành mạnh và thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Trong khi đó, Huế lại có thể lợi thế ẩm thực đa dạng, bổ dưỡng. Nếu có sự nghiên cứu nghiêm túc, kết hợp tốt, dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe này rất được yêu chuộng đối với Huế trong tương lai.
Dưới quan điểm của ngành, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho rằng, Thừa Thiên Huế cần một chiến lược phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe có tầm nhìn và tư duy đột phá, nhằm mang lại sự tận hưởng cho du khách và tạo dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Huế.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng cho hay Huế có đầy đủ tiềm năng thế mạnh để phát triển loại hình du lịch này. Vì vậy, địa phương này sẽ sớm có đề án phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe để triển khai một cách có khoa học với một định hướng tốt để có hướng đi đúng.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay ngành du lịch trước mắt đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe và y tế ở Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, bao gồm cần một chiến lược phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe của Thừa Thiên Huế với định hướng cốt lõi là khác biệt và đẳng cấp và cần chuẩn hóa công tác quản lý chất lượng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe.
Chị Đỗ Kim Loan (ở Đà Nẵng) sau một thời gian trải nghiệm tắm suối khoáng nóng ở Huế cũng nhận ra rằng Huế có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là các dịch vụ kết nối đủ tốt từ Alba hay Kawara đến trung tâm thành phố để du khách có thể trải nghiệm thêm văn hóa bản địa một cách thoải mái sau khi được chăm sóc sức khỏe. “Nếu có một tour bài bản để khách có thể được chăm sóc sức khỏe cơ thể lẫn tâm hồn và thưởng thức đặc sản tại Huế thì quá hay”, chị Loan chia sẻ. “Có thể lúc đó tôi dễ dàng chia sẻ với các nhóm bạn và công ty mình hơn”.
Nhân Tâm
Theo KTSG Online