(SGTT) - Trước ảnh hưởng của Covid-19 nhiều doanh nghiệp du lịch đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên đây cũng là thời cơ để các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số có chiến lược, mô hình kinh doanh mới để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng mới.
- [Tọa đàm trực tuyến] Chat với doanh nhân du lịch: Chuyển đổi số trong du lịch “bình thường mới”
- Chuyển đổi số trong du lịch “bình thường mới”
Trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch đã được phát livestream trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 29-7 vừa qua, ông Đặng Mạnh Phước, đồng sáng lập và cũng là CEO Outbox Consulting, cho biết chuyển đổi số nói riêng hay cuộc cách mạng lần thứ 4 là xu hướng tất yếu của ngành kinh tế nói chung và của ngành du lịch nói riêng.
Chuyển đổi số là yếu tố tất yếu
“Việc chuyển số như sự tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Phước nói. Covid-19 xuất hiện đã đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Theo ông Phước, đây là thời điểm, thời cơ để chuyển đổi số vì không phải bận việc phục vụ du khách và không chạy theo câu chuyện kinh doanh hằng ngày.
Theo nhận định các chuyên gia du lịch, những tổ chức du lịch trên thế giới, các doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi số ở thời điểm hiện tại nếu muốn đón nguồn khách quay trở lại thị trường trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng những doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và nhỏ ở miền Trung, việc chuyển đổi số còn rất chậm.
Theo ông Thủy, trước khi Covid-19 xuất hiện, mọi người mãi mê tìm hướng kinh doanh và duy trì hoạt động kinh doanh truyền thống, chưa có sự sẵn sàng chuyển đổi số. Khi Covid-19 xuất hiện, mọi người hụt hẫng khiến việc chuyển đổi số khó có thể xảy ra.
Ông Phước cho biết thêm, một trong những lý do chính là phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam là du lịch vừa và nhỏ, kinh doanh theo mô hình truyền thống và phục vụ là chính. Đây là rào cản rất lớn khiến doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số.
Theo ông Phước, khó khăn ở trình độ phát triển. Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây được xem là điểm đến quan trọng của khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, so với vài quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì trình độ phát triển du lịch Việt Nam còn hạn chế.
“Khoảng cách và cách thức sẽ hình thành tư duy kinh doanh ở tại thời điểm đó. Du lịch Việt Nam kinh doanh phần lớn dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có nên khi có khủng hoảng thì chúng ta gặp khó khăn rất lớn so với nhiều nước trong khu vực”, ông Phước nói thêm. Ngoài ra, chậm chuyển đổi số sẽ là rào cản trong việc tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, theo ông Phước, khi phát triển du lịch công nghệ thì đòi hỏi nhân sự phải được đào tạo về thị trường kinh doanh dữ liệu, thậm chí công nghệ để tối ưu hóa kế hoạch.
Theo các chuyên gia nhận định chuyển đổi số bắt đầu là chuyển đổi tư duy từ quản lý đến đội ngũ nhân sự các cấp trong một doanh nghiệp. Để chuyển đổi số thì chuyển đổi tư duy, thay đổi cách làm truyền thống, làm quen với ứng dụng để thấu hiểu khách hàng, phải dựa vào dữ liệu để ra quyết định.
Đã có những địa phương áp dụng
Trong chương trình, các diễn giả cho biết một số địa phương ở miền Trung cũng đẩy mạnh chuyển đổi số như Thừa Thiên Huế đã thiết lập các nền tảng để một số công ty du lịch ứng dụng thông minh cho du khách hay Hiệp hội du lịch Quảng Nam ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch nhưng gắn với văn hóa bản địa.
Theo ông Thủy, mỗi điểm đến đang xây dựng cho mình một định vị khác nhau để nó không bị trùng lặp, trong đó nổi bật là cụm du lịch Huế - Đà Nẵng - Hội An. Tuy nhiên, Quảng Nam chưa khai thác hết về không gian du lịch.
Cũng theo ông Thủy, Quảng Nam đã làm hội thảo chuyển đổi số trên nền tảng kết hợp di sản văn hóa bản địa nhưng chủ yếu ở khía cạnh định hướng. Quảng Nam có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số nhưng họ cứ loay hoay không biết đầu tư thế nào, công nghệ thế nào, không biết làm thế nào tạo mô hình du lịch mới trên nền tảng chuyển đổi số.
Đó là những khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ về đầu tư, tài chính, nguồn lực nhân thức chuyển đổi số. Cho nên cần cụ thể hóa hơn, cần sự ủng hộ tất cả các ngành đặc biệt là những người đứng đầu ngành trong du lịch.
Tuy nhiên, ông Phước cho rằng, nếu không có phương án chuẩn bị tốt, nguy cơ quá tải du lịch có thể xảy ra khi hết dịch.
“Thị trường du lịch thế giới phục hồi vì sức mua bị dồn nén sau 2 năm sẽ bung ra rất lớn, nếu các cơ sở du lịch, các cụm du lịch không có phương án chuẩn bị cho làn sóng này thì nó sẽ sẽ tạo nên sự quá tải. Đặc biệt ở những địa phương đã có dấu hiệu quá tải trước đây như Hội An”, ông Phước nói.
Các chuyên gia cũng cho biết, một trong những xu hướng phát triển khách du lịch ở tương lai được dự báo là xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm. Khách du lịch sẽ không mua hay tìm kiếm sản phẩm du lịch theo kiểu đại trà như trước đây.
Nguyễn Nam lược ghi