Theo chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, trước nguy cơ bão Talim gây mưa lớn, gió mạnh, 5 địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình dự kiến cấm biển, sơ tán gần 30.000 người tại khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh.
Cổng thông tin Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, thực hiện chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, cuộc họp ứng phó với bão số 1, tên quốc tế là Talim diễn ra sáng 17-7, được kết nối trực tuyến với 25 tỉnh, thành phố Bắc bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của bão Talim gây mưa lớn kéo dài ở miền Bắc từ đêm nay 17-7 đến ngày 20-7 với lượng phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Người dân đề phòng nguy cơ ngập úng khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển.
Trước diễn biến bão tăng lên cấp 14, các địa phương Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định sẽ cấm biển từ 12h ngày 17-7; Hải Phòng dự kiến cấm biển từ 21h ngày 17-7. Các địa phương khác được đề nghị tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Các địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình được yêu cầu rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, trên các lồng bè, chòi canh, dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người, trong đó số người dự kiến sơ tán ở Quảng Ninh là 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021, Nam Định 1.128 và Ninh Bình 347.
Cũng theo tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đến 6h ngày 17-7, các lực lượng chức năng biên phòng, cảng biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 52.000 tàu với hơn 226.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh.
TTXVN đưa tin, bão Talim được dự báo mạnh nhất trong nhiều năm gần đây đổ bộ vào miền Bắc. Để phòng chống bão an toàn, hiệu quả, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã lên phương án đối phó: Khi xác suất xảy ra 80%, bão duy trì sức gió mạnh cấp 12 trở lên di chuyển về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sau thời điểm này, bão có thể giảm 1-2 cấp và hướng thẳng vào khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh chiều 18-7.
Kịch bản hai có xác suất xảy ra thấp nhưng vẫn cần đề phòng, sau khi quét qua bán đảo Lôi Châu, bão đi men theo đất liền Trung Quốc rồi đổ bộ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Tây (Trung Quốc). Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng mưa và gió ảnh hưởng đến đất liền nước ta ít hơn, lượng mưa ở miền Bắc dao động 250-300mm.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, chủ động phối hợp, xử lý tình huống bất thường, không chủ quan, lơ là khi ứng phó với cơn bão này.
Thái Huy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online