Hiện chưa có thông tin chính thức cho thấy thị trường nào sẽ khởi động đầu tiên sau khi Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế nhưng một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho biết, nếu điểm đến công bố mở cửa sớm cùng với bộ tiêu chí mở cửa rõ ràng thì sẽ có khá nhiều thị trường có khách sớm.
Theo bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Pegas Misr Travel Việt Nam, doanh nghiệp đang nóng lòng chờ thông tin về việc chính phủ cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế, nối lại chính sách miễn thị thực cho du khách Nga để đưa khách quay lại.
"Pegas sẵn sàng cất cánh ngay khi Việt Nam mở cửa bầu trời", bà nói.
Cũng theo bà, cần phải thay đổi quy định cách ly y tế 14 ngày thì mới có thể thu hút được khách du lịch. "Du khách sẽ không đi nếu bị cách ly. Thay vào đó, để ngăn dịch, điểm đến nên có quy định như chỉ cho nhập cảnh những người đã có chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay giấy xác nhận âm tính với Covid-19", bà nói.
Công ty này chuyên đưa khách Nga sang Việt Nam nghỉ dưỡng dài ngày bằng máy bay thuê bao. Năm 2019, công ty cùng Tập đoàn Pegas Touristik đã đưa khoảng 160.000 lượt khách Nga đến nghỉ dưỡng tại Việt Nam nhưng các chuyến bay đã tạm dừng từ giữa cuối tháng Ba năm ngoái, khi chính phủ tạm ngừng các đường bay thương mại quốc tế để ngăn dịch.
Một doanh nhân khác, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Indochina Unique Tourist, cho biết nếu chính phủ công bố thời gian mở cửa sớm, khoảng 2 tháng trước thời điểm thực hiện cùng với bộ tiêu chí mở cửa rõ ràng để doanh nghiệp và đối tác chuẩn bị thì Indochina Unique sẽ có khách ngay khi mở cửa.
"Chúng tôi mong Việt Nam có thể mở cửa vào tháng 6 tới, tức là cơ quan chức năng phải công bố thời điểm và tiêu chí mở cửa trong tháng 4 tới. Nếu được vậy, cho đến hết năm 2021, cứ mỗi tháng chúng tôi sẽ có khoảng 4.000 khách", ông nói và cho biết khoảng 90% trong số đó là du khách Thái Lan.
Theo đó, hiện nhiều đối tác ở Thái Lan, Đài Loan và Hong Kong vẫn giữ vé máy bay đi và đến Việt Nam cho khách hàng và hứa là sẽ gửi khách ngay ngay khi Việt Nam mở cửa. Nếu chính phủ nối lại mảng du lịch quốc tế theo từng giai đoạn thì ở giai đoạn đầu, nên ưu tiên cho khách đi tour trọn gói, người đã tiêm vaccine hoặc có giấy xác định âm tính với SARS-CoV-2 từ 72 giờ trước khi khởi hành.
Với mảng du lịch tàu biển, thông tin rất tích cực là số lượng đặt chỗ cho mùa du lịch từ tháng 11 năm nay hiện đã ngang bằng với số lượng của cùng kỳ năm 2019, tức thời điểm trước khi dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến du lịch. Số lượng đặt chỗ tuy rất tốt nhưng doanh nghiệp vẫn đang "ngồi trên lửa" vì không biết du khách có thực hiện được chuyến đi đã đặt trước hay không.
"Chuyện có đón được khách trở lại được hay không không chỉ phụ thuộc vào việc phía Việt Nam mà còn tùy vào quốc gia nơi tàu xuất bến. Nếu bên đó chưa cho tàu đi thì khách lại phải dời lịch trình", ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions cho biết.
Với Trung Quốc, thị trường du lịch lớn của Việt Nam, một số doanh nghiệp cho biết, đối tác cũng quan tâm đến thời điểm Việt Nam nối lại mảng du lịch quốc tế nhưng có thể cần cả những thỏa thuận mở cửa của 2 quốc gia và chờ đến khi độ phủ vaccine của 2 nước rộng hơn thì du lịch mới có thể khởi động.
"Cũng như doanh nghiệp Việt Nam, đối tác Trung Quốc cũng đã chịu thiệt hại từ các đợt hủy dịch vụ vì dịch nên khá dè dặt khi tính đến kế hoạch nối lại thị trường. Đối tác có hỏi thông tin về mở cửa nhưng chưa hào hứng lắm", ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, công ty có thế mạnh về thị trường Trung Quốc nói.
Cũng như nhiều doanh nhân khác, ông cho rằng, du lịch rất cần bộ tiêu chí mở cửa. Bộ tiêu chí này nên được công bố rộng rãi sớm để doanh nghiệp chuẩn bị. "Với thị trường Trung Quốc, chúng tôi cần khoảng 3 tháng để thực hiện các hoạt động tiếp thị, bán hàng", ông nói.
Đào Loan