(SGTT) - "Việc Quảng Ninh chỉ chấp nhận đón khách đến từ vùng xanh như “tự lấy đá đè chân mình. Không những thế, vì chính sách vô lý của địa phương mà doanh nghiệp chưa vui được bao lâu lại phải đền tiền cho khách. Rất không chuyện nghiệp và xấu hình ảnh công ty cũng như địa phương”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Luxgroup nói.
- Bắt đầu thí điểm cách ly 7 ngày với người nhập cảnh tại Quảng Ninh
- Quảng Ninh cho phép đón du khách nội tỉnh
Theo chia sẻ của ông Phạm Hà, ngày 20-10, doanh nghiệp ông có một đoàn 21 khách thuê nguyên chuyến du thuyền để tham quan vịnh Hạ Long 4 ngày 3 đêm. Đây là tour khép kín từ Hà Nội, khởi hành vào ngày 3-11.
“Thời điểm chúng tôi bán tour, Quảng Ninh cũng đã có kế hoạch đón khách ngoài tỉnh và chưa có ban hành văn bản ‘chỉ đón khách vùng xanh’; hơn nữa lúc đó Hà Nội cũng đang là vùng xanh theo cấp độ dịch”, ông Hà nói. Không đi du lịch Quảng Ninh được, khách đồng loạt hủy tour. Trong khi, dịch vụ đã đặt của đối tác, giờ phải hoàn tiền lại cho khách còn tiền của mình bị đối tác treo.
Một đoàn khách khác, nhân viên của ông cũng đang phải cố gắng thuyết phục dời lịch khởi hành. Nhưng khó là không biết đến khi nào Hạ Long mới được đón khách đến từ vùng vàng vì phân vùng dịch theo cấp độ được các địa phương cập nhật liên tục nên sẽ rất khó để áp dụng triển khai tour đến Quảng Ninh.
“Hà Nội chuyển sang vùng vàng, nhưng Quảng Ninh nên áp dụng với từng điểm, từng khu vực, chứ coi toàn bộ Hà Nội là vùng vàng để không đón khách nữa thì bất hợp lý”, ông Hà bức xúc.
“Quảng Ninh áp dụng biện pháp này không chỉ gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp mà làm như vậy nghĩa là tự đóng cửa với thị trường lớn khi doanh nghiệp du lịch và du thuyền hoạt động trên địa bản tỉnh đang cần khách như cần ống thở oxy”, ông Hà nói thêm.
Theo ông Hà, TPHCM và Hà Nội là hai thị trường lớn nhất cho các du thuyền hoạt động tại Hạ Long và Hải Phòng. Hai thị trường này chiếm 80 % trong mùa hè và cuối năm 2020 vừa qua; trong đó, thị trường Hà Nội chiếm 50% lượng khách phía Bắc vì điểm đến gần, thuận tiện, phù hợp cho nhóm nhỏ và gia đình.
Thực tế, tình trạng chính sách của địa phương mỗi nơi một khác, hay tại mỗi địa phương cũng không nhất quán nay mở mai đóng. Chẳng hạn như doanh nghiệp quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cũng đã phải đóng cửa từ ngày 4-11.
Ngay cả lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, Giám đốc Phạm Ngọc Thủy từng nhắc tới vấn đề này tại một tọa đàm trực tuyến gần đây, rằng không nên để xảy ra tình trạng nay mở ra, mai đóng lại.
Về vấn đề này, ông Phạm Hà cho rằng, mấu chốt nhất vẫn là ở cấp lãnh đạo ra quyết định tại địa phương. Bởi, nếu các tỉnh/thành đã xác định sống chung với dịch, mở cửa đón khách ngoài tỉnh trong bối cảnh “bình thường mới”, cần quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Như tại Nha Trang, Khánh Hòa, khách chỉ cần khai báo sức khỏe qua một ứng dụng (app), tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là được đi du lịch. "Chứ địa phương nói mở rồi đột ngột đóng, hay có nơi khách đi về vẫn phải cách ly, thì chưa biết đến bao giờ du lịch mới thực sự hồi phục", ông Hà nói và cho biết, doanh nghiệp của ông cũng có du thuyền du lịch đang khai thác ở Nha Trang.
Trước đó, ngày 26-10, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản chấp thuận đề xuất của Hiệp hội Du lịch tỉnh này về kế hoạch đón và phục vụ khách du lịch đến địa phương.
Theo đó, từ tháng 11, Quảng Ninh sẽ đón khách ngoài tỉnh. Tuy nhiên chỉ đón, phục vụ khách đến từ các khu vực là “vùng xanh” (phân vùng dịch cấp 1 theo quy định tại Nghị định 128 của Chính phủ), từ chối đón và phục khách từ các vùng có nguy cơ cao và rất cao. Trong văn bản không đề cập đến việc đón khách từ “vùng vàng”.
Ngoài ra, địa phương này cũng yêu cầu, đối với khách đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19, chỉ cần khai báo y tế và quét mã QR; khách mới tiêm 1 mũi vắc-xin thì phải test nhanh âm tính với Covid; khách chưa tiêm thì phải có xét nghiệm PCR.
Quảng Ninh cũng khuyến khích khách nên đi du lịch theo đoàn, sử dụng tour trọn gói do các công ty lữ hành tổ chức. Điều này, theo bà Bảo, nhằm đảm bảo an toàn và giữ vững, duy trì vùng xanh đối với tỉnh Quảng Ninh.
Nguyễn Nam