(SGTT) – Nằm giữa trung tâm quận Phú Nhuận, quán cà phê của nhà sưu tầm đồ cổ Huỳnh Minh Hiệp đã trở thành chốn lưu giữ những vẻ đẹp của một Sài Gòn trước năm 1975. Tại đây, mỗi vị khách sẽ có cảm xúc được du hành về miền ký ức cũ.

Là người đam mê sưu tầm đồ cổ gần 30 năm nay, anh Huỳnh Minh Hiệp được mọi người thân quen gọi biệt danh “Hai Lúa” hiện sở hữu gần 10.000 hiện vật và cổ vật có giá trị vật chất lẫn tinh thần.

Bén duyên với đam mê sưu tầm, anh cho hay ngày mình có những đồng xu làm nên bộ sưu tập tiền xu các quốc gia trên thế giới cũng là ngày anh quyết tâm đi đến mọi tỉnh thành để rinh về những hiện vật quý giá, bổ sung vào kho tàng của mình.

“Từ một đến một chục, rồi một trăm, niềm đam mê lưu giữ, sở hữu những cổ vật của Sài Gòn, phương Nam những chục năm trước không nguôi trong tôi. Tôi đi đến bất cứ đâu còn giữ lại những đồ dùng vật dụng cũ và mua lại bằng mọi giá”, anh Hiệp tâm sự.

Góc không gian quán cà phê Lúa Xưa Sài Gòn. Ảnh: An Phú

Được biết, anh Hiệp đang sở hữu 6 kỷ lục khác nhau, trong đó có 4 kỷ lục do Tổ chức kỷ lục Việt Nam và 2 kỷ lục do Tổ chức kỷ lục người Việt toàn cầu ghi nhận như kỷ lục gia có bộ sưu tập Programme – Poster film chiếu rạp và các tư liệu, hiện vật về cải lương Việt Nam giai đoạn trước năm 1975 nhiều nhất, người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam, liên quan đến quán cà phê như tiệm cà phê Lúa Sài Gòn – nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước năm 1975) nhiều nhất Việt Nam.

“Những kỷ lục tôi đạt được chính là động lực cho tôi đi tiếp hành trình bảo tồn của mình. Bởi lẽ nó không dừng lại ở những con số thành tích mà tôi còn ý thức được trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình trong công tác gìn giữ giá trị văn hóa xưa này”, anh thổ lộ.

Những đồ dùng xưa như máy nghe nhạc, ti vi anh Hiệp sưu tầm. Ảnh: An Phú
Chiếc xe đạp xưa cũ anh Hiệp sưu tầm trưng bày tại quán. Ảnh: An Phú

Theo anh Hiệp, xã hội càng hiện đại, ngày càng hội nhập với thế giới cũng chính là lúc những giá trị văn hóa dễ bị thế chỗ hoặc mai một đi, bằng tình yêu của người con được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất phương Nam, anh mong muốn mình sẽ là người phục hồi và tiếp nối cho thế hệ trẻ.

Nhóm bạn Ngọc Nhi (ngụ quận 8) đến quán cà phê hào hứng ngắm nhìn mọi góc trang trí tại quán. Nhi chia sẻ: “Từ trước đến nay tôi đã đi rất nhiều quán cà phê cũng như ngắm nhìn nhiều không gian khác nhau từ Á đến Âu nhưng quả thật khi đến Lúa Sài Gòn tôi thật sự bị lạc vào một chiều không gian xưa. Có lẽ đây là thời ông bà cha mẹ của tôi từng sinh sống nên tôi rất thích thú”.

Bộ sưu tập tiền giấy các nước trên thế giới. Ảnh: An Phú

Cùng quan điểm với Ngọc Nhi, một vị khách quen tuổi trung niên, anh Hoàng Minh Sơn (ngụ quận Bình Thạnh) tần ngần đứng trước chiếc máy cát xét cũ, nói: “Tôi nhớ mọi thứ ngày xưa khi còn được ở quê cùng ba mẹ, chính cảnh vật này đã làm tôi cảm nhận một Sài Gòn xưa cũ không lẫn đi đâu được. Từng chiếc cát xét đến cái tô, dĩa… mọi thứ thật hoài niệm”.

Món ăn tuổi thơ bày bán tại quán cà phê. Ảnh: An Phú

Sau gần 30 năm sưu tập, anh Hiệp chọn mở một quán cà phê không đánh vào doanh thu mà để tạo không gian, thói quen lui tới với những ai hiếu kỳ về Sài Gòn những năm trước.

“Mỗi góc quán tôi đều nhấn mạnh vào cách trưng bày mô phỏng không gian xưa như phòng bếp, phòng khách, nhà ăn… và thường xuyên thay đổi cách bài trí để tránh nhàm chán. Hiện vật sưu tầm có giá trị cao, nhiều người trả giá chiếc xe ô tô nhưng tôi không bao giờ bán vì thời gian là thứ không ai có thể mua được, tôi chọn cách làm riêng hy vọng đem đến những hiệu ứng tích cực với giới trẻ”, anh Hiệp nhấn mạnh.

6 kỷ lục anh Hiệp đạt được tính đến hiện nay. Ảnh: An Phú

Một số hiện vật quý có thể kể đến như hàng trăm poster, tranh ảnh phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam: “Con ma nhà họ Hứa”, hộp đựng xà bông hiệu cô Ba, lon sữa bánh trẻ em ở Việt Nam, bộ sưu tập tiền giấy, vật dụng gia đình, chai nước ngọt còn nguyên tem, phương tiện giao thông như xe đạp, xe máy... Ngoài trưng bày, anh còn đem không gian ký ức vào từng món ăn, thức uống tại quán cà phê Lúa Sài Gòn.

Quán cà phê Lúa Xưa Sài Gòn

140B Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM

An Phú

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây