Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Du ca đường phố Hà thành

HẢI DƯƠNG -

Cứ chiều Chủ nhật hàng tuần bên tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, không gian trở nên huyên náo bởi tiếng đàn, tiếng hát. Tây và ta, già lẫn trẻ, gái và trai... túm tụm lại cùng nghe, xem và hát với nhau mà không hề e dè, ngại ngùng. Đó chính là du ca đường phố của một nhóm bạn trẻ Hà thành. Họ muốn đem âm nhạc cùng niềm vui đến cho tất cả mọi người.

Ra đường đàn hát với nhau

Anh-1Nhóm du ca đường phố ngồi bệt biểu diễn bên tượng đài Lý Thái Tổ.

16 giờ chiều một ngày Chủ nhật, không gian nơi góc sân dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ bỗng huyên náo, mọi người đang đi dạo cùng hùa nhau kéo tới xem đó là cái gì. Ngay giữa trung tâm của đám đông là mấy chàng trai, cô gái đang ngồi bệt, khoanh chân, tay ôm đàn, miệng hát nghêu ngao giữa đất trời. Một chàng trai nước da ngăm đen, dáng to cao ngồi ở vị trí đắc địa của vòng tròn chuyên làm công đoạn bắt nhịp cho cả nhóm hát. Mỗi khi hết một bài, cậu ta lại có vài lời tâm sự mang tính chuyên môn âm nhạc hoặc đơn giản chỉ là đôi câu tán phét cho cả nhóm có thêm sự phấn khích, vui vẻ.

Càng để ý, người dân càng phát hiện ra nhiều điều thú vị từ nhóm hát du ca bỗng dưng xuất hiện này. Đó là hình ảnh về những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi không hề e ngại, ôm đàn hát thật to như thể xung quanh chẳng có ai chú ý đến mình. Chỉ cần vài chiếc guitar và đôi trống thùng thế là họ, những chàng trai, cô gái yêu đời đã tạo thành dàn nhạc… đường phố.

Sau một lúc hòa mình vào “bữa tiệc” âm nhạc đường phố, chúng tôi làm quen được với chàng trai bắt nhịp ở đây là Hoàng Khánh, sinh năm 1990, là trưởng nhóm du ca bốn năm nay. Anh Khánh cho biết, sau khi học xong đại học ở Hà Nội, anh đi làm ảnh tại một studio. Nhưng niềm đam mê âm nhạc ngấm trong máu từ bé đã thôi thúc anh ôm đàn ra ngoài đường nghêu ngao cho đời thêm vui. “Vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước, chú nhạc sĩ Trần Tiến có nhóm du ca đồng đội, nhưng sau đó mai một dần. Phải đến tận năm 2011, anh Trần Chí Hiếu mới đưa du ca trở lại với đời sống âm nhạc. Đến tháng 10-2011 du ca đường phố chính thức hình thành ở Hà Nội và đó chính là nhóm của mình hiện nay”, anh nói về nhóm của mình và “lịch sử” du ca.

Khánh cho biết, sau nhóm của anh, tới năm 2013 mới manh nha thêm vài nhóm du ca khác ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Anh Trần Duy Linh, cựu sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền, sinh năm 1991, hát trong nhóm du ca từ những ngày đầu cho biết: “Người Việt Nam mình hầu hết chưa hiểu nhiều về du ca đường phố. Bọn em biểu diễn ở chỗ này đã lâu, nhưng có rất nhiều người hiểu lầm là ra đây hát để kiếm tiền”. Thậm chí, các thành viên trong nhóm du ca đường phố cho biết, lúc đầu cũng đã bị đội trật tự đô thị hỏi thăm, nhắc nhở. Sau nhiều lần thuyết phục thì Khánh và các bạn của anh đã được yên vị biểu diễn ở quanh khu tượng đài Lý Thái Tổ. Anh Khánh cho biết, nhóm chỉ có thể biểu diễn ở đây, chứ đi ra đoạn vỉa hè, góc phố nơi khác thì chắc chắn sẽ lại bị đội trật tự đô thị “hỏi thăm”.

Anh-2-Cô gái áo vàng đang hát, xung quanh cô là những tay đàn của nhóm du ca đường phố.

Phi lợi nhuận

Cứ 16 giờ chiều Chủ nhật hàng tuần, mọi người trong nhóm rỗi rãi thì vác đàn đến vườn hoa Lý Thái Tổ. Chỉ cần có hai thành viên là có thể đàn hát ngay, chứ không phải đợi đông đủ toàn đội. Ai thích hát thì hát, ai thích đập trống thì đập, nếu mỏi tay và mỏi miệng thì lại đổi vai cho nhau. Có lúc một thành viên vừa đàn, vừa hát, nhưng có lúc hát chán rồi, mỏi miệng rát cổ lắm rồi thì lại đàn cho người khác hát và ngược lại. Theo anh Khánh, có những hôm nhóm du ca này hát đến gần 22 giờ đêm, bởi một lý do đơn giản chỉ cần còn lại ba thành viên mà thích thì vẫn cứ ngồi lại hát. Có những lúc nhóm hát quy tụ đến gần 100 bạn trẻ ngồi quây quần bên nhau hát hò inh ỏi, nhưng có khi chỉ là vài thành viên cùng nhau ôm đàn dùng âm nhạc tâm sự với nhau.

Anh-3Một tay chơi đàn guitar nhỏ (ukulele) đứng vòng ngoài hòa âm cùng cả nhóm.

Có một nguyên tắc không ai nói ra, không có trong điều lệ hoạt động nhưng mọi người đều phải hiểu đó là hát không vì tiền, không nói đến tiền và cũng không ai được xin tiền khán giả. Anh Khánh cũng cho biết ở trên đường phố tại nhiều nước cũng hay có các nhóm đứng ra hát hò và có thùng đựng tiền bên cạnh. Nhưng một điểm khác biệt là du ca đường phố của nhóm anh Khánh không bao giờ có một gợi ý xin tiền, hay để thùng tiền như vậy.

Các nhóm du ca ở nước ngoài cũng chỉ có số lượng hạn chế, và thường là những tay chơi đàn, hát điêu luyện, còn du ca đường phố Hà Nội của Khánh thì mang tính tập thể, cộng đồng cao hơn, ai hát cũng được. Có khi cả trăm người cùng đàn hát, nhảy múa bên nhau.

Những bạn trẻ đến đây đàn, hát đều mang suy nghĩ biểu diễn phi lợi nhuận, tự nguyện và tất cả đều không hề có quỹ hội, quỹ nhóm hay tập trung ăn chơi, nhậu nhẹt. Có một nguyên tắc nữa là các thành viên không tìm hiểu quá sâu về đời tư, thông tin của nhau. Chính vì vậy Khánh, tuy là trưởng nhóm nhưng cũng tự nhận mình không biết tên, tuổi, nghề nghiệp của nhiều thành viên. “Họ cứ vác đàn ra đây nhập nhóm, hát một lúc chán lại về nên nhiều khi cũng chẳng biết tên nhau, làm gì và ở đâu. Ở đây âm nhạc và tiếng cười là cầu nối giao lưu duy nhất giữa các thành viên và với khán giả”, anh nói.

Nhóm du ca đường phố của Hoàng Khánh cũng đã từng đi cùng ca sĩ Thái Thùy Linh làm từ thiện ở các bệnh viện, trung tâm trẻ em mồ côi, người tàn tật… Nhưng Khánh khẳng định, nhóm không bao giờ đứng ra quyên góp tiền để làm từ thiện. Nhóm chỉ đi để mang âm nhạc đến giao lưu với những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, chuyện tiền ăn ở, đi lại của những chuyến du ca đi xa thì các thành viên phải tự bỏ tiền túi.

Duy Linh, được xem là phó nhóm cho biết, nhóm du ca nhiều lúc đông, lên đến cả vài trăm người, nhưng số thành viên thường xuyên và chung thủy thì chỉ khoảng 20-30 người.

Đã ôm đàn ra tượng đài Lý Thái Tổ hát vài năm rồi làm trưởng nhóm, anh Khánh kể có nhiều kỷ niệm đặc biệt. “Có ông du khách người Hawaii thấy nhóm đang hát thì nhảy vào cùng hát, cùng đàn. Không chỉ có thế, sau buổi đó ông còn ở lại hướng dẫn các thành viên các kỹ năng cơ bản khi biểu diễn ở nơi công cộng”, anh kể lại.

Có một điều chắc chắn mà Khánh chia sẻ đó là những thành viên trong nhóm đã đi vào rất nhiều album ảnh cưới của các đôi uyên ương. Nhiều đôi đi chụp ảnh dã ngoại ở bờ hồ Hoàn Kiếm, thấy du ca đường phố đàn hát xin phép vào chụp để có bộ ảnh cưới thú vị. Có người tình nguyện trả tiền nhưng nhóm du ca đường phố không bao giờ nhận.

Anh-4Anh Hoàng Khánh, trưởng nhóm du ca đường phố Hà thành.

Nhóm du ca đường phố ở Hà thành đã từng có những học sinh lớp 7, lớp 8 ôm đàn đến tham gia và thành viên thân thiết cao tuổi nhất cũng chỉ khoảng 30 tuổi nhưng nếu tính những thành viên vãng lai thì cũng đã từng có cụ già ngoài 70 tuổi cho đến những em mẫu giáo nhảy vào hát, nhảy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đêm tôn vinh nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Tiếng hát...

0
(SGTT) - "Ca từ trong lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long ẩn là hình ảnh mộc mạc, giản dị nhưng ẩn chứa...

Các đêm diễn của Taylor Swift tác động đến kinh tế...

0
(SGTT) - Sáu đêm diễn của Taylor Swift tại Singapore không chỉ mang lại hiệu ứng tốt chỉ cho quốc đảo này mà còn...

Nghe ca sĩ Việt – Hàn cùng hát trong đêm nhạc...

0
(SGTT) - Với sự xuất hiện của những ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và Hàn Quốc, sự kiện âm nhạc - K-Wave...

Ấn tượng chương trình hoà nhạc cổ điển ngày lễ tình...

0
(SGTT) - Đêm 14-2, nhân ngày lễ tình nhân Valentine, tại An Nhiên Garden, thành phố Huế đã diễn ra chương trình hoà nhạc...

Âm nhạc – liều “vắc-xin” tinh thần giúp con người vượt...

0
(SGTT) - Như liều “vắc-xin tinh thần”, âm nhạc đã phá vỡ mọi rào cản về địa lý và ngôn ngữ giúp cổ vũ...

Đông đảo nghệ sĩ tham gia đêm nhạc trực tuyến “Nối...

0
(SGTT) - Với mong muốn dùng âm nhạc để tri ân sự cống hiến của những người đã và đang tích cực tham gia...

Kết nối