Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Đong lon né phạt, đừng mong!

Anh Quân-Bình An

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất tịch thu xe của người say rượu bia – một hình thức chế tài thật nặng – trong mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông do lái xe say xỉn. Đề xuất có được thông qua hay không còn chờ nhưng về phía dư luận xã hội thì khá quan tâm về quy định này. Trong bàn tiệc lễ lạc hay bên ly rượu bạn bè, bao nhiêu là vừa để tránh tình trạng “ngậm ống thổi vào là... dính”?

Rượu bia vào bụng, xe theo về đồn

Theo đề xuất của cơ quan chức năng, đối với người lái xe máy bao gồm cả xe máy điện nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền 4-5 triệu đồng. Đồng thời, hình phạt kèm theo là tước bằng lái xe một năm và sẽ phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi được cấp lại bằng lái. Nặng hơn, nếu người điều khiển xe có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị tịch thu xe và tước bằng lái xe hai năm.

Các bác sĩ cho rằng, không thể ước lượng chuyện uống mấy lon bia thì không bị máy đo khí thở, đo độ cồn trong máu phát hiện. Ảnh: Thanh Xuân
Các bác sĩ cho rằng, không thể ước lượng chuyện uống mấy lon bia thì không bị máy đo khí thở, đo độ cồn trong máu phát hiện. Ảnh: Thanh Xuân

Với người lái xe ô tô, nồng độ cồn đến 0,25 mg/1 lít khí thở bị phạt tiền 8-15 triệu đồng, tước bằng lái 6 tháng. Nếu nồng độ cồn là 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền 15-20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe một năm. Nghiêm trọng hơn, xe sẽ bị tịch thu nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước bằng lái xe hai năm, thi lại Luật Giao thông đường bộ khi cấp lại bằng lái.

Đề xuất này đã được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu và báo cáo Chính phủ quyết định trước ngày 31-3. Hiện tại, có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất này. Và phải đến cuối tháng 3 người dân sẽ biết được có tịch thu xe của người say rượu bia hay không.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một viên cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TPHCM) cho biết, qua kiểm tra nồng độ cồn những người vi phạm, khi nồng độ cồn đo được ở mức khoảng 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở thì tương đương với việc uống hai chai hoặc hai lon bia. Còn nồng độ cồn đo được khoảng 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở thì tương đương với việc uống 3-4 chai hay lon bia. “Nếu chiếu theo đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì người tham gia giao thông khi uống 3-4 lon bia là đã bị tịch thu xe”, vị này nói.

Tửu lượng thì không thể ước chừng

Nhiều người thắc mắc rằng, vậy với mỗi lon bia đều có thể tích thực là 330 ml thì người lái xe được uống bao nhiêu lon để không vượt quá ngưỡng quy định mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề cập? Trong những trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, hầu hết các bác sĩ chuyên khoa hô hấp và tim mạch cho rằng không thể ước chừng. Theo đó, tùy thuộc vào cơ địa của từng người có hệ hô hấp và hệ tiêu hóa đào thải rượu bia ra khỏi cơ thể khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Đại học Y dược cho biết, tùy thuộc vào cơ địa, vào mức độ thanh thải của thận ở mỗi người bằng cách đi tiểu nhiều hay ít mà lượng cồn thải ra. Có người chỉ uống một lon bia, mặt đã đỏ bừng, nồng độ cồn trong khí thở đã cao, nhưng có người uống đến 4-5 lon bia cũng chưa thấy cảm giác gì. Hoặc có người uống nhiều bia nhưng họ nói chuyện nhiều, hát karaoke, ăn trái cây... thì họ cũng có thể xả được hơi cồn ra ngoài. “Đó là lý do không thể ước lượng được lượng rượu bia uống bao nhiêu để không bị máy đo khí thở, đo độ cồn trong máu phát hiện”, bác sĩ Nam nói.

Liên quan đến chuyện “ước tính” tửu lượng để tránh bị phạt khi tham gia giao thông, PGS.DS. Nguyễn Hữu Đức, Khoa Dược, trường Đại học Y dược TPHCM cũng cho rằng điều đó là không thể. Theo ông, ngoài thể trạng của mỗi người thì còn tùy lượng rượu bia dung nạp vào cơ thể ở thời điểm nào trong ngày. Nếu cơ thể yếu thì sự chuyển hóa của các hệ tiêu hóa, hệ hô hấp yếu. “Không thể nói tại sao người này uống hai lon bia mà máy không phát hiện được trong khi người khác cũng uống hai lon lại bị phát hiện có nồng độ cồn cao hơn mức quy định”, ông Đức nhận định.

Phóng viên đem câu chuyện “nồng độ cồn” này để hỏi anh Hải, một lái xe đã có kinh nghiệm 15 năm. Anh Hải cho rằng, việc uống bao nhiêu rượu bia và “dính” hay không “dính” tùy vào thể trạng của mỗi người. Đối với người không uống được rượu bia thì uống một lon bia hoặc một ly rượu là cũng có thể vượt quá nồng độ cồn quy định. Ngược lại có những người thể trạng tốt thì uống đến vài chai bia cũng không bị máy phát hiện. “Tuy nhiên, cho dù có uống ít thì kiểu gì cũng phải nghỉ ngơi một, hai giờ trước khi lái xe để không bị phạt mà lại an toàn”, anh Hải nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ có triều cường vượt báo động 3 vào cuối...

0
(SGTT) - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, cuối tuần này, tức trong khoảng từ ngày 16 đến 17-11,...

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Tiết kiệm gần 4.000 tỉ đồng, ACV đề xuất làm đường...

0
(SGTT) - Với khoản tiết kiệm gần 4.000 tỉ đồng từ chi phí dự phòng và đấu thầu, Tổng công ty Cảng hàng không...

Nóng hổi thố bánh canh cua có thêm bào ngư ăn...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, thực khách dễ dàng tìm thưởng thức món bánh canh cua, nhưng để món ăn này luôn nóng hổi trong...

Tổng vốn cam kết của IFC tại Việt Nam trong năm...

0
(SGTT) - IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã gia tăng đầu tư dài hạn tại Việt Nam trong năm tài...

Sôi động ‘con đường ẩm thực’ lúc nửa đêm ở quận...

0
(SGTT) - Khu ẩm thực “xuyên đêm” trên đường Nguyễn Gia Trí (trước đây là đường D2), quận Bình Thạnh, là một trong những...

Kết nối