Một số nhà nhập khẩu đến từ Mỹ đặt vấn đề với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều Việt Nam rằng họ muốn mua hàng trăm container hạt điều. Tuy nhiên, điều khiến Hiệp hội Điều lo ngại là đối tác chỉ muốn mua hàng phẩm cấp kém, loại hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam không muốn làm.
Mua nhiều, nhưng hàng phải kém
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện đang có một số nhà nhập khẩu đến từ Mỹ đặt vấn đề mua điều nhân của Việt Nam với số lượng hàng trăm container mỗi năm. Tuy nhiên, yêu cầu của bên mua là loại WW330. Đây là loại hàng phẩm cấp kém với tỷ lệ lỗi (vỡ nát) lên đến 20%, mức cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn AFI (Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm thế giới). Vinacas cho biết loại hàng này gần như đã không tồn tại trong cơ cấu sản phẩm của nhiều quốc gia nhập khẩu điều.
Ông B.D., giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu điều ở Đồng Nai, cho rằng theo quy luật thị trường bên mua cần sản phẩm gì thì bên sản xuất sẽ làm ra sản phẩm đó. Trong trường hợp này, thị trường Mỹ đang cần sản phẩm WW330 có tổng vỡ 20%, giá thấp hơn loại phổ biến WW320, và đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước làm. Có thể gọi đây là thuận mua vừa bán, tức là về lý thuyết không vi phạm pháp luật gì cả.
Theo đại diện Vinacas, chuyện doanh nghiệp Mỹ muốm mua sản phẩm WW330 với số lượng hàng trăm container mỗi năm là chuyện bình thường vì đây là thỏa thuận của bên mua và bên bán. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu đặt trong bối cảnh hạt điều của Việt Nam không có đầu ra và đang có một lượng tồn kho lớn, doanh nghiệp có thể chấp nhận sản xuất theo đơn đặt hàng những sản phẩm dưới chuẩn nhằm giải quyết khó khăn. Nhưng hiện nay, mặt hàng điều không những có WW320 mà còn có cả các loại phẩm cấp tốt hơn như WW210, WW240...
[box type="download"] Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng điều xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2014 đạt 257.000 tấn, bằng cả năm 2013, giá trị thu về là 1,68 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,5% về khối lượng và tăng 24,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, chiếm gần 33% tổng giá trị xuất khẩu. Xếp ngay sau đó là là Trung Quốc với gần 15%, Hà Lan xếp thứ ba với hơn 11%. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân chín tháng đầu năm 2014 đạt 6.501 đô la Mỹ /tấn, tăng 2,13% so với cùng kỳ năm 2013.[/box]
Lo ngại “phù phép” gian lận chất lượng
Những doanh nghiệp Mỹ muốn mua hạt điều loại WW330 nói trên cho biết họ có thể mua với số lượng lên đến hàng trăm container mỗi năm nhưng với điều kiện giá phải rẻ hơn ít nhất 10 xu Mỹ/Lb, (một Lb tương đương 0,454 kg) so với hàng có chất lượng cao hơn có ký hiệu WW320. Điều khiến Vinacas lo ngại là do từ trước đến nay, Mỹ chỉ mua loại WW320 mà không có loại hàng WW330. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, nghi ngờ rằng có thể doanh nghiệp Mỹ muốn mua sản phẩm WW330 với giá rẻ để sau đó “hóa phép” thành sản phẩm WW320 và bán giá cao hơn. Như vậy, một khi bị phát hiện, phía bị ảnh hưởng là ngành điều Việt Nam, vì hàng có ghi nguồn gốc xuất xứ.
Cảnh báo của Vinacas không phải không có cơ sở. Trên thực tế, cách đây một năm, một số doanh nghiệp Trung Quốc mua điều xô (điều chỉ mới qua sơ chế) của Việt Nam với giá hơn thị trường rồi đóng gói và dán nhãn là điều Bình Phước để bán lại. Những lô hàng không đạt tiêu chuẩn này đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu điều Việt Nam trong một thời gian dài, theo nhận định của Vinacas.
Trong những năm qua, lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2011, tổng lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam là 187.000 tấn, nhưng đến năm 2013 lượng xuất khẩu đã cán mốc 257.000 tấn. Theo một đại diện Vinacas, hiện hạt điều doanh nghiệp làm ra bao nhiêu là bán hết chứ không bị tồn kho. Vì thế, quan điểm của Vinacas, doanh nghiệp không cần tập trung vào sản phẩm dưới chuẩn như WW330. “Nếu đồng ý theo đơn hàng của đối tác, đồng nghĩa là doanh nghiệp sẽ chuyển một lượng hàng dành cho sản xuất WW320 sang sản xuất WW330 để bán với giá rẻ hơn, điều đó là không tốt”, vị này nói.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị xung quanh câu chuyện này, đại diện một số doanh nghiệp trong ngành điều cho biết ủng hộ Vinacas. Theo họ, việc Vinacas nghi ngờ và kiểm tra lại những thông tin kể trên là một phần để bảo vệ hàng chục doanh nghiệp khác đang xuất khẩu điều nhân qua thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo Vinacas, những gì hiệp hội này làm chỉ là sự cảnh báo, còn trên thực tế, hiệp hội không có những quy định nào để cấm doanh nghiệp bán sản phẩm điều dưới chuẩn cho nhà nhập khẩu được. Vì thế, phía Vinacas cho biết, đang có kiến nghị lên các cơ quan chức năng đề xuất thành lập Trung tâm Trọng tài quốc tế (về hạt điều) để hỗ trợ doanh nghiệp trong những vụ việc liên quan cũng như các tranh chấp thương mại nếu có trong tương lai cho hạt điều Việt Nam.
Ngọc Hùng