(SGTT) - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc tác phẩm "Danh lam cổ tự từ Quảng Bình đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ". Đây là công trình tiếp theo của nhà nghiên cứu này về Phật giáo sau Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên, Lược sử chùa chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh và Chư tôn thiền đức Phật giáo Phú Yên.
- Ra mắt sách hướng dẫn định dạng rùa cạn, rùa nước ngọt Việt Nam
- Ngôi chùa được làm bằng san hô và bí ẩn tượng Phật trôi dạt từ biển
Đặc biệt, bạn đọc có thể khám phá vẻ đẹp những vùng miền của đất nước từ Quảng Bình đến tận mũi Cà Mau qua những danh lam cổ tự với nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
Ở nước ta, người theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng của Phật giáo chiếm đa số, vì thế dân gian mới có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Hệ thống di sản văn hóa nói chung, chùa chiền nói riêng, là những di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, tái hiện đời sống tâm linh tín ngưỡng của dân tộc ta qua nhiều thế hệ.
Danh lam cổ tự từ Quảng Bình đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ghi lại quá trình hình thành các ngôi chùa, danh lam và các đời trụ trì của chư vị trên bước đường hoằng hóa Đạo pháp. Trong đó, Di sản văn hoá vật thể là những hang động, chùa tháp, pháp bảo, pháp khí… mà chư Tổ trong quá trình hành đạo còn lưu giữ được dẫu không còn nguyên vẹn qua chiến tranh và mưa nắng.
Di sản văn hóa phi vật thể là những giai thoại hoặc văn bản về hành trạng của chư Tổ, các vị Tăng cang Hòa thượng nổi danh đạo hạnh, tài trí, tu thuật chứng quả... Nếu không lưu lại được thì rất dễ theo thời gian chìm vào quên lãng.
Với 138 ngôi danh lam cổ tự được giới thiệu trong tác phẩm này, tác giả đã đưa người đọc qua nhiều vùng miền văn hóa khác nhau, mà Phật giáo như một dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Từ chùa Hoằng Phúc, một trong những đại danh lam cổ nhất trên đất Quảng Bình, có chiều dài lịch sử trên 715 năm, trải qua nhiều triều đại, nhiều giai đoạn lịch sử Phật giáo, cho đến các ngôi danh lam cổ tự ở vùng đất mũi Cà Mau, tuy là vùng đất mới nhưng cũng đã có cổ tự hơn 200 năm.
Qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, những ngôi chùa, các vị tăng ni luôn đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của Phật tử, đạo không xa đời, từ dạy học, lao động, chữa bệnh đến hy sinh để bảo vệ đất nước.
Các ngôi cổ tự qua công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc còn là những công trình kiến trúc uy nghiêm, cổ kính, có tính nghệ thuật cao, hòa quyện trong cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thanh tịnh. Qua đó, bạn đọc sẽ cảm nhận được Phật giáo luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, là những tư liệu quí giá cho công tác nghiên cứu Phật giáo nói riêng, văn hóa của dân tộc nói chung.
Hòa thượng Thích Đức Thanh, Tiến sĩ Danh dự Đại học MCU Thái Lan, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá cao công trình này của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc. Ông Nguyễn Đình Chúc là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có quá trình hơn phần tư thế kỷ nghiên cứu, nhất là về văn hóa dân gian và lịch sử Phật giáo.
Dẫu tuổi đã ngoài 80, nhưng ông chưa chồn chân mỏi gối, vẫn khát vọng tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn tác phẩm Danh lam cổ tự từ Quảng Bình đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ để lại cho hậu thế. Đặc biệt, ông đã chọn lọc, tổng hợp tư liệu, hình ảnh thành một ấn phẩm văn hóa cho Phật giáo độc đáo, cho thấy sự phát triển bền vững của Phật giáo trong lịch sử dân tộc. Các giai thoại đặc sắc về những bậc cao tăng cứu nhân độ thế, lịch sử truyền thừa qua các ngôi cổ tự còn là những tư liệu vừa có giá trị cho nghiên cứu Phật giáo, và cho cả văn hóa, văn nghệ dân gian.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, bút danh Nguyên Đình, sinh tại Phú Yên. Đến nay, ông đã có 21 công trình nghiên cứu được in thành sách về Phật giáo, văn hóa, văn nghệ dân gian vùng đất Phú Yên và Nam Trung bộ, Tây nguyên, Nam bộ…Trong đó, có giải A Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2003.
Trần Thanh Hưng