(SGTT) – Gần một năm trước ngày về chung một nhà, cặp đôi trẻ anh Phạm Tấn Lập và chị Đỗ Thúy Diễm quyết định chọn các đỉnh núi cao nhất Việt Nam làm nơi thực hiện bộ ảnh cưới. Với ý tưởng độc lạ này, hai người cho rằng hành trình trên đỉnh cùng nhau là thời khắc đẹp của tình yêu cũng như cơ duyên đưa hai trái tim xa lạ đam mê trekking gần lại.
Nên duyên từ mùa hoa nở
Chia sẻ về chuyện tình của mình, chàng kỹ sư Tấn Lập và cô nhân viên văn phòng Thúy Diễm kể, phải nhớ đến đỉnh đầu tiên trong top 15 đỉnh sau này cả hai quyết định mang đồ cưới là ở Pu-ta-leng, Lai Châu. Đây là đỉnh núi nhân duyên đưa hai người biết đến nhau. Vào mùa hoa đỗ quyên tháng 3 năm 2020, trong lần tình cờ chị Diễm lập nhóm cùng bạn bè đi săn hoa, anh Lập cũng tham gia, tuy nhiên dịch Covid-19 bùng phát trước đó một tuần làm kế hoạch tạm hủy.
Dù vậy, hai người vẫn giữ liên lạc với nhau và bắt đầu mối quan hệ tình cảm trong suốt thời gian dịch bệnh. Trước đó, hai người từng leo chung núi Chứa Chan, Đồng Nai. Đúng một năm sau, cũng vào mùa hoa đỗ quyên, anh chị quyết định chọn Pu-ta-leng làm nơi bắt đầu bộ ảnh cưới. Họ chính thức leo 12 trên tổng 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam ở nhiều tỉnh thành khác nhau đánh dấu cho cột mốc lớn của đời mình.
“Chúng tôi cùng chung đam mê leo núi, mong muốn của hai người được chinh phục 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam trước khi kết hôn. Trong vài phút bất chợt, anh và tôi lóe ra ý tưởng hay là mang bộ váy cưới và vest đi qua các đỉnh chụp hình chắc sẽ độc lạ lắm, nghĩ cũng thú vị nên chúng tôi rất phấn khích và lên kế hoạch thực hiện”, chị Diễm vui vẻ nói.
Trước mỗi chuyến đi, hai người chọn các đỉnh núi gần TPHCM như Bà Đen, Chứa Chan để rèn thể lực bên cạnh chạy bộ và tập yoga mỗi ngày. Riêng các vật dụng cá nhân, thức ăn, trang phục cưới của cả hai mang theo ở độ cao và nhiệt độ khắc nghiệt cũng được cân nhắc kĩ để vừa an toàn, vừa có trải nghiệm thú vị trên cung đường.
Một số đỉnh núi lọt top 15 đỉnh cao nhất Việt Nam hai người đã ghi lại những bức ảnh “có một không hai” như Tà Xùa, Pờ Ma Lung, Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Tả Liên Sơn, Lảo Thẩn, Phan-xi-păng, Tà Chì Nhù… Chỉ bằng một chân máy dựng thẳng đằng trước, cùng chiếc váy cưới, bộ vest đơn giản, hoa cưới là cành dại nhặt luôn trong rừng, anh Lập và người vợ của mình đã tận hưởng khoảnh khắc bên nhau giữa màn sương sớm dù đoạn đường lên đỉnh nhiều khó khăn.
Từ cái lạnh buốt đến cảm giác vỡ òa
Hai người đã kết thúc bộ ảnh cưới bằng “combo” ba đỉnh Pờ Ma Lung – Chung Nhía Vũ – Khang Su Văn vào đầu tháng 12-2022 vừa qua. Anh Lập tiết lộ, ngay lúc đấy chỉ còn vài tuần nữa là cả hai chính thức về chung một nhà, gần ngày cưới phải bận rộn chuẩn bị nhiều thứ. “Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu, chúng tôi mới leo chín đỉnh, thấy con số chưa đẹp nên quyết định khăn gói ra Bắc leo luôn ba đỉnh này thành 12”, anh tiết lộ.
Để rút ngắn thời gian leo núi, đảm bảo vấn đề thể lực yếu hơn của chị Diễm, mỗi ngày hai người đều xuất phát, lên đỉnh từ rất sớm khoảng 3:00-4:00 và xuống chân núi khoảng 21:00-22:00. Anh nhớ lại kể có ngày đi vì trời mưa, đường trơn trượt nhiều, vắt cắn khắp người, bạn gái anh đã suýt khóc vì quá vất vả và mệt, thế nhưng cứ xuống núi an toàn thì cặp đôi lại phấn khởi cho đỉnh tiếp theo.
Theo chị Diễm, mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm riêng theo đôi trẻ mãi về sau này, không dừng lại ở bộ ảnh cưới độc lạ, chị không thể nào quên cái rét buốt trên đỉnh núi, mưa rả rích cùng từng đợt gió rít vào người.
“Hầu hết trên đỉnh đều rất lạnh và rét, có khi mưa mù, chúng tôi chỉ chịu được tầm 10-15 phút phải xuống liền nên không có nhiều thời gian sửa soạn. Tôi phải tức tốc thay váy áo, khẩn trương từng phút. Vì quá lạnh phải mặc luôn cả quần leo núi, sình lầy bao quanh đến nỗi mình phải mang luôn cả ủng. Trời buốt rét cầm cập nên hầu như công đoạn makeup chỉ kịp tô vội miếng son và chải tóc, do đó hình ảnh khá đơn giản nhưng có những khung cảnh mở ra trước mắt tuyệt đẹp không thể thốt nên lời”, chị kể.
Chẳng hạn, ở đỉnh Phan-xi-păng, anh Lập chị Diễm đi trúng vào ngày bão, mưa rả rích hai ngày hai đêm. Với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, cả hai đi vào dịp Tết 2022, trời rét căm, khi qua sóng lưng khủng long gió gào rít, hai người bị bỏng lạnh, thậm chí có lúc dừng lại nghỉ mệt phải ôm chầm nhau suýt khóc vì sự khắc nghiệt của thời tiết. Hay ở Tà Xùa, chị Diễm vô cùng hào hứng với rừng rêu ma mị, ấn tượng với biển mây tại Tà Chì Nhù…
Riêng quãng đường lên đỉnh Khang Su Văn lên về chỉ tầm 16km nhưng hai người choáng ngợp với những con dốc nơi này, gồm cả dốc đất và dốc đá rất gắt, kèm theo là sình ngập ngụa, cả hai phải bám tre để leo. “Tuy vậy chúng tôi thật sự xúc động, vỡ òa khi được chạm tay vào cột mốc biên giới 79 trên đường chinh phục đỉnh. Đây là cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc cao nhất”, anh Lập nhấn mạnh.
Trong tuần trăng mật của mình, anh Lập và chị Diễm dự định sẽ chinh phục ba đỉnh còn lại trong danh sách 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Riêng hành trình đặt chân lên 15 đỉnh này cũng được hai người ấp ủ lại lần hai sau vài năm, khi gia đình yêu thích trekking, du lịch bụi có thành viên mới.
An Phú