Thứ năm, Tháng tư 3, 2025

Doanh nhân 8x đưa đặc sản Cà Mau vào chuỗi dịch vụ du lịch

Từ những bài học kinh nghiệm quý giá của nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Lê Kiều Phương đã đưa xưởng sản xuất bánh phồng tôm của mình và những vườn rau của nông dân đang cung cấp cho nhà xưởng vào hoạt động du lịch tại vùng đất Năm Căn, Cà Mau.

Chị Lê Kiều Phương khởi nghiệp ở tuổi 34. Trong nửa năm đầu tiên, từ tháng 5 đến tháng 12-2019, xưởng sản xuất của chị Phương đã đưa ra thị trường hơn 70 tấn bánh mang thương hiệu Nacama, mang lại doanh thu gần 6 tỉ đồng.

Ngoài con cua, vùng đất mũi Năm Căn (Cà Mau) còn được biết đến với làng nghề làm bánh phồng tôm Hàng Vịnh trứ danh. Với tình yêu dành cho sản phẩm làng nghề truyền thống, cùng niềm mong muốn nâng tầm đặc sản Cà Mau, Lê Kiều Phương đã chấp nhận thử thách và đương đầu với khó khăn khi quyết định khởi nghiệp với bánh phồng tôm, một sản phẩm quá quen thuộc tại thị trường trong nước.

Nữ doanh nhân Lê Kiều Phương chia sẻ, mặc dù trong nửa đầu năm 2020, hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng điều may mắn là sản phẩm vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Doanh thu của doanh nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ của năm 2019, phần lớn nhờ bánh phồng tôm Nacama được phân phối qua kênh bán lẻ hiện đại là các hệ thống siêu thị, kệ thống cửa hàng tiện lợi như Farmer Market, Nông Trại Xanh, Chợ Phố tại TPHCM; An Phú Farm, Vinmart+ tại Đà Nẵng; À ơi Food, Big Green, Bác Tôm tại Hà Nội…

Từ sự tâm huyết sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch, chị Phương xác định phải tạo được sức cạnh tranh cho bánh phồng tôm Năm Căn với những mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường. Sau nhiều năm phân phối bánh phồng tôm và có thị trường ở các tỉnh, năm 2019, chị đã quyết định tự tổ chức sản xuất và đặt cơ sở tại xã Hàng Vịnh, Năm Căn.

Thương hiệu Nacama ra đời sau hơn 2 năm nhà sáng lập chuẩn bị, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Đây cũng là một trong những thương hiệu bánh phồng tôm hiếm hoi tại Năm Căn được đăng ký truy xuất nguồn gốc, góp mặt trong các website quảng bá ẩm thực Việt Nam.

"Hàng Vịnh nổi tiếng với làng nghề làm bánh phồng tôm thì hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, với cách làm truyền thống, chỉ có bột và tôm thì rất khó để cạnh tranh trên thị trường. Bản thân tôi đã từng đi nhiều nơi, học hỏi nhiều thứ cho nên tôi mong muốn sản phẩm làm ra phải đa dạng về chủng loại nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống. Cái quan trọng nhất vẫn là chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Làm được vậy mới tạo được niềm tin nơi khách hàng", chị Phương chia sẻ.

Nacama là tên viết tắt cho địa danh Năm Căn, Cà Mau - "cái nôi" của làng nghề bánh phồng tôm. Nói về lý do đặt cái tên này, chị Phương nói xuất phát từ tình yêu với vùng đất Cà Mau. "Tôi muốn cái tên này có chút gì đó vừa lạ mà lại vừa quen, để khi khách hàng nhớ đến bánh phồng tôm Năm Căn là nhớ đến Nacama".

Về mặt lý thuyết, chiếc bánh phồng tôm với cách làm truyền thống, khi cho tôm nhiều, chiếc bánh chiên lên rất dễ bị cứng. Qua quá trình nghiên cứu, học hỏi, chị Phương đã khắc phục được vấn đề này bằng bí quyết riêng. Ngoài bánh phồng tôm theo hương vị truyền thống, chị còn phát triển thêm các loại bánh chay với các vị mặn ngọt được làm từ hạt sen.

Thấy các hộ nông dân xung quanh vất vả với việc trồng trọt các loại hoa màu, rau củ như củ dền, hạt sen, thanh long ruột đỏ… mà giá cả lại có lúc xuống thấp, chị Phương nghĩ cách tận dụng rau màu cho việc sản xuất bánh phồng tôm. Sản phẩm của Nacama sử dụng màu và gia vị tự nhiên, không sử dụng phụ gia và chất bảo quản.

Cơ sở Nacama còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương, nhất là trẻ em nghèo. Chị Phương cho biết, tận dụng thời gian rảnh, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến xưởng của chị phụ cắt bánh và sắp bánh với thu nhập 60-70 ngàn đồng/ngày. Với mức thù lao này, các em có thể trang trải một phần chi phí học tập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Sau nhiều năm hình thành và phát triển, giấc mơ nâng tầm đặc sản Cà Mau của chị Lê Kiều Phương đã dần được hiện thực hóa. Hiện sản phẩm này đã có mặt ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó đánh mạnh vào thị trường phía Bắc, với nhiều chủng loại từ 38-80% tôm. Ngoài ra, sản phẩm bánh chay do cơ sở của chị sản xuất cũng được lòng nhiều khách hàng khó tính.

Từng là một hướng dẫn viên du lịch làm việc tại TPHCM, chị Phương có khá nhiều kinh nghiệm trong việc đưa sản phẩm làng nghề truyền thống vào hoạt động du lịch địa phương, và chị xác định đây cũng là một hướng khai thác, phát triển cho doanh nghiệp của mình.

Chị đưa xưởng sản xuất bánh phồng tôm của mình và những vườn rau của nông dân đang cung cấp cho nhà xưởng của mình vào hoạt động du lịch tại vùng đất Năm Căn, Cà Mau. Hướng đi mới này chẳng những giúp du khách có thêm trải nghiệm đánh bắt tôm cua ở vùng rừng ngập mặn Năm Căn, mà còn tạo điều kiện để họ được chính tay làm ra những chiếc bánh phồng tôm từ các loại hải sản mới đánh bắt.

Chị Phương cho biết, khó khăn của Cà Mau là tỉnh nằm ở địa đầu cực nam, so với các tỉnh thành khác thì Cà Mau gặp nhiều khó khăn về hạ tầng dịch vụ hậu cần (logistics) bởi không có hệ thống đường sắt, cảng biển quy mô nhỏ, về đường hàng không thì tần suất khai thác của các hãng bay cũng chưa nhiều.

Dẫn chứng từ câu chuyện kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, chị cho biết để vận chuyển một container hàng hóa từ Cà Mau đến TPHCM chi phí vào khoảng 18 triệu đồng, vận chuyển từ TPHCM ra Hà Nội vào khoảng 80 triệu đồng, chi phí cho khâu vận chuyển cao đã làm nâng giá thành sản phẩm lên gần 30% khiến sản phẩm của Nacama rất khó cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, Nacama đã đưa những chiếc bánh phồng tôm nhiều màu sắc (màu của rau củ quả) của mình đến với thị trường Úc, Canada, Singapore, những khu vực có nhiều người gốc Việt. Mặc dù chỉ là những đơn hàng nhỏ nhưng chị Phương kỳ vọng trong tương lai sẽ phát triển mạnh thị trường nước ngoài.

Hiện tại, chị Phương đang tiếp cận thị trường Hà Lan, Mỹ, đặc biệt là Ấn Độ và các nước Trung Đông - vốn là những thị trường không sử dụng thịt heo - nên đầu ra cho những chiếc bánh phồng làm từ nguyên liệu hải sản và rau củ quả sẽ gặp sự thuận lợi.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh, nhà khởi nghiệp 8x này còn là một nhà hoạt động từ thiện năng nổ. Đối với chị, những chuyến đi thiện nguyện của mình cùng nhiều bạn bè là những hành trình kết nối yêu thương, để giúp người không may mắn. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, chị vẫn trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, được nhiều nhà hảo tâm tin tưởng trao cho vai trò là người kết nối những mảnh đời khốn khó.

"Đối với tôi, những chuyến đi như là cách gieo duyên lành, quả ngọt. Tôi muốn mình mang sự ấm áp của tình người tới những mảnh đời khó khăn, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống", chị Phương tâm nguyện.

Mỹ Dung

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Radisson Red Đà Nẵng bắt tay GreenViet bảo vệ voọc chà...

0
 (SGTT) - Khách sạn Radisson Red Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) vừa ký kết...

Kiên định với du lịch xanh: Cần gì để đi đường...

0
(SGTT) - Trong khuôn khổ lễ công bố kết quả bình chọn “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” 2024, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ...

Giảm phát thải, tăng hấp thụ – ‘công thức’ xây dựng...

0
(SGTT) – Để phát triển du lịch Net-Zero, cần một lộ trình rõ ràng, trong đó kết hợp đồng thời giữa việc giảm phát...

Du lịch Net-Zero: Làm sao để làm đúng và đủ?

0
(SGTT) - Trong khuôn khổ lễ công bố kết quả bình chọn “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2024, Sài Gòn Tiếp Thị...

Phát triển mô hình lưu trú xanh: Góc nhìn từ Silk...

0
(SGTT) - Phát triển xanh và bền vững không chỉ bao gồm các hoạt động giảm thiểu rác thải, xử lý rác hữu cơ...

Ngồi xuồng, đạp xe, hòa mình vào sắc xanh khu bảo...

0
(SGTT) - Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, Tiền Giang) sở hữu hệ sinh thái ngập nước đa...

Kết nối