Với lý do bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, không ít khách đặt mua các lô khẩu trang, đồ bảo hộ y tế từ doanh nghiệp Việt Nam không chịu nhận hàng dù container đã cập bến Đức, Nhật. Doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng dở khóc dở cười vì đưa hàng về không xong, bán hàng cho khách khác không được mà tiền lưu bãi, lưu container lên đến hàng chục ngàn đô la Mỹ.
- Tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19
- Tour huỷ hàng loạt, doanh nghiệp du lịch khó khăn trăm bề
Chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Võ Thanh Tú, Giám đốc điều hành Công ty ONEX Logistics, cho biết, ông vừa nhận được email của hãng tàu thông báo về việc nếu không tìm được khách mua mới thì công ty ông sẽ đóng 3.000 đô la Mỹ để họ hủy container hàng đang nằm ở cảng Nagoya - Nhật Bản. Đây là container chứa đồ bảo hộ y tế mà bên ông làm dịch vụ cho một người bán tại Việt Nam.
“Sau nửa năm chờ đợi, khách của chúng tôi đã chấp nhận chịu mất lô hàng này. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và mình còn đường làm ăn về sau thôi”, ông Tú nói.
Lô đồ bảo hộ y tế này đã được làm thủ tục xuất đi từ tháng 5-2020. Phía người mua, là một công ty bên Nhật, đã trả 17.000 đô la Mỹ, tương đương 50% giá trị đơn hàng cho bên bán Việt Nam. Hàng đã cập cảng từ rất lâu nhưng không thể thông quan do phía người nhận không chịu nhận hàng.
“Lúc đầu, người mua nói rằng do dịch Covid-19 nên chưa nhận được. Chờ thêm mấy tháng thì không liên hệ họ được. Người của hãng tàu đích thân đến địa chỉ ghi trên vận đơn thì không thấy công ty nào. Mày mò thì tìm được đến địa chỉ mới của người mua nhưng rồi họ cứ hứa hẹn, lần lữa mãi và cuối cùng trả lời là không nhận hàng”, ông Tú kể.
Tổng số tiền lưu bãi, lưu container cho lô hàng này, tính đến thời điểm hiện tại là 16.000 đô la Mỹ.
Phía người bán Việt Nam cũng đã tính đến phương án tìm người mua mới nhưng không thành. Mà có bán được thì tiền cũng không đủ để trả các khoản phí đã phát sinh thời gian qua. Đưa hàng về lại càng lỗ. Vì vậy, phương án dường như tốt nhất lúc này là bỏ hàng và tìm cách giải quyết với hãng tàu, chẳng hạn như xin giảm phí vì khó khăn.
Trường hợp như khách hàng của ông Tú không phải hiếm hiện nay. Mới đây, trên nhóm Logistics Việt Nam ở mạng xã hội Facebook, chị Bình An, nhân viên một công ty dịch vụ cũng chia sẻ câu chuyện tương tự.
Theo đó, khách hàng của chị Bình An có một container 40 feet chứa khẩu trang xuất đi Đức nhưng bị người mua không nhận hàng với lý do mất khả năng thanh toán vì ảnh hưởng dịch bệnh. Người mua này trước giờ đã lấy hàng nhiều lần, thanh toán uy tín nên lần này phía bán Việt Nam đồng ý đưa hàng đến cảng trước rồi mới nhận trả tiền sau.
Vì khách không nhận nên hàng bây giờ buộc phải quay đầu về Việt Nam. Trong khi đó, chi phí lưu container bên Đức sau gần một tháng đã gần 90 triệu đồng. Phương án của bên công ty dịch vụ là “viết email xin hãng tàu hỗ trợ giảm phí lưu container”.
Câu chuyện này của chị Bình An nhận được nhiều bình luận từ nhiều nhân viên trong ngành. Trong số đó, nhiều người cho biết gặp tình cảnh tương tự và cũng đã nhận được sự hỗ trợ của hãng tàu (giảm một phần phí lưu container) sau nhiều lần kiên trì trình bày. Cũng có người đã bán được cho khách hàng mới sau khi giảm giá sản phẩm.
Ông Tú nhìn nhận, từ trải nghiệm của mình, ông nhận thấy những người bán bị từ chối nhận hàng thường là công ty thương mại, mua hàng từ nhà sản xuất rồi xuất đi, tranh thủ lướt sóng khi thị trường khẩu trang, đồ bảo hộ đang cần hàng.
Ở thời điểm những tháng 5-6, mỗi ngày, ông Tú nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ những nhà buôn để hỏi về phí dịch vụ, đi hàng với số lượng lớn, bằng mọi phương tiện, kể cả đường hàng không… Sau đó, mọi thứ lắng xuống khá nhanh khi thị trường bão hòa, người mua không nhận hàng và đặc biệt là cơ quan chức năng một số nước trả về một số lô không đạt tiêu chuẩn.
“Từ mấy tháng nay, cứ nghe đến hàng khẩu trang, bảo hộ y tế là tôi không ham. Có chuyện xảy ra, khách từ chối nhận hay cơ quan kiểm soát của nước họ chặn lại vì gian dối là tất cả chết chùm, bên dịch vụ chúng tôi cũng khốn khổ theo”, ông Tú nói.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã xuất khẩu 989 triệu khẩu trang y tế các loại. Trong đó, trong tháng 9-2020, hơn 70 doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu 142,88 triệu chiếc – tăng 5,5% so với tháng 8.Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh so với tháng 6. Mặt hàng khẩu trang được đẩy mạnh xuất khẩu từ cuối tháng 4-2020. Đến nay, thị trường được đánh giá là đã dần bão hòa khi nhu cầu sử dụng không còn quá cao, trong khi nguồn cung tăng vọt.
Minh Tâm
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online