(SGTT) - Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang nỗ lực thích ứng để thực hiện những mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
- Thương Hiệu Vàng TPHCM 2024 vinh danh 29 doanh nghiệp tiên phong về đổi mới và bền vững
- TPHCM tổ chức Lễ trao Giải thưởng Thương hiệu Vàng TPHCM lần 5 – năm 2024
Chiều 3-1, trong khuôn khổ Ngày hội Thương hiệu Vàng TPHCM lần 5 - năm 2024, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Sở Công thương TPHCM đã tổ chức chuỗi tọa đàm Thương hiệu Vàng TPHCM với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi kép để phát triển bền vững”.
Chuỗi toạ đàm gồm có hai phiên với các chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là “Hành trình chuyển đổi xanh và Thách thức đối với doanh nghiệp SMEs”, “Sử dụng AI và tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài”.
Tại phiên tọa đàm thứ nhất, các diễn giả đã thảo luận về những vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gặp phải trên hành trình “xanh hóa”; đồng thời đưa ra giải pháp thực tiễn giúp doanh nghiệp tháo gỡ trong quá trình chuyển đổi xanh, kết hợp với các câu chuyện thực hành ESG (môi trường, xã hội, quản trị) từ những doanh nghiệp tiên phong.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khi chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh được đánh giá là con đường mà doanh nghiệp bắt buộc phải đi qua nếu muốn phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hiện việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, đồng sáng lập Green Transition Consulting & Training, quá trình chuyển đổi xanh đặt ra năm thách thức lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thách thức đầu tiên là về tài chính. Việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng xanh thường đòi hỏi một nguồn lực lớn, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thiếu vốn đầu tư. Chi phí chuyển đổi cao và thời gian hoàn vốn dài cũng là một rào cản lớn.
Thứ hai là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp hạn chế khi tiếp cận công nghệ, thiếu nhân lực có kỹ năng chuyên môn. Thứ ba, doanh nghiệp có thể chưa đủ kiến thức và nhận thức để quản lý; thiếu khung pháp lý và chính sách hỗ trợ; đặc biệt là khó khăn trong việc đo lường, báo cáo.
Thách thức thứ tư mà doanh nghiệp gặp phải là áp lực cạnh tranh từ những doanh nghiệp lớn và nhu cầu thị trường chưa rõ ràng. Cuối cùng, đối với chuỗi cung ứng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nhà cung cấp xanh.
Ông Bảo cũng chỉ ra một thực tế đáng lưu ý rằng phần lớn doanh nghiệp có ý định thực hiện ESG đang đi trong “màn sương mù” vì còn mơ hồ về khái niệm ESG và phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp xem đây là một quá trình phức tạp, tốn kém và không mang lại lợi ích trực tiếp cho hoạt động kinh doanh ngắn hạn. Quan niệm rằng ESG chỉ là chi phí thay vì là cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo ra giá trị bền vững đang kìm hãm sự phát triển của một bộ phận doanh nghiệp.
Với những doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của ESG và sẵn sàng hành động thì khó khăn lớn nhất lại nằm ở nguồn nhân lực. Việc thiếu nhân sự am hiểu về cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị khiến nhiều doanh nghiệp bối rối. Sai lầm phổ biến là vội vàng triển khai các hoạt động ESG mà không làm khảo sát ban đầu để đánh giá hiện trạng, dẫn đến việc các giải pháp không hiệu quả và thậm chí gây ra những hậu quả không mong muốn.
Bên cạnh đặt ra những thách thức, chuyên gia này đã nêu ra năm lợi ích mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thực hành ESG đạt được (theo một thống kê với các doanh nghiệp tại Malaysia). Đó là, thực hành ESG giúp doanh nghiệp được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn; quản trị rủi ro tốt hơn; nâng cao lợi nhuận; tăng doanh thu, có 18% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng hơn 50% doanh thu và tiết kiệm chi phí, có 11% SMEs đã tiết kiệm hơn 50% chi phí.
Đầu tư hiện tại mang lại ‘quả ngọt’ ở tương lai
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường & Cộng đồng thuộc NS BlueScope Việt Nam, cho rằng để cân bằng giữa lợi nhuận ngắn hạn và mục tiêu phát triển bền vững dài hạn, NS BlueScope đã xây dựng một chiến lược ESG toàn diện. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, không phải dự án nào cũng đòi hỏi đầu tư lớn. Đôi khi chỉ cần thay đổi một số quy trình nhỏ hoặc áp dụng công nghệ mới, doanh nghiệp đã có thể tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Khi nói đến phát triển bền vững là nói đến mục tiêu dài hạn. Vì vậy, các đầu tư hiện tại sẽ mang lại kết quả cụ thể trong tương lai.
Để có chiến lược chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, ông Nguyễn Công Minh Bảo cho rằng các doanh nghiệp sẽ trải qua năm giai đoạn là nâng cao nhận thức; tuân thủ; tạo uy tín và niềm tin; lợi thế cạnh tranh; tài chính xanh. Trong đó, đối với giai đoạn tuân thủ, doanh nghiệp cần phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế và quy định tại Việt Nam. Cùng với đó là báo cáo ESG phải minh bạch, gắn kết với các bên liên quan… giúp tăng độ uy tín và niềm tin của khách hàng với doanh nghiệp.
“Đây là hành trình với năm giai đoạn phát triển nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của doanh nghiệp một cách hoàn hảo và lý tưởng”, ông Minh Bảo nói thêm.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Thế Tùng, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Sinh thái Trang trại Nữ Hoàng (Queen Farm), cho biết có bốn áp lực buộc doanh nghiệp phải triển khai nông nghiệp bền vững. Đó là áp lực yêu cầu của thị trường quốc tế, biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng xanh và các quy định quản trị minh bạch.
Ông Tùng cho rằng việc xây dựng nền nông nghiệp xanh cần dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, Việt Nam nên thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trong nông nghiệp, phát triển kinh tế theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh. Bên cạnh đó, sự chung tay của các nhà đầu tư cũng góp phần đổi mới công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường.
Đối với ngành dịch vụ, xu hướng chuyển đổi xanh cũng ghi dấu mạnh mẽ, mà hoạt động phát triển du lịch cộng đồng của C2T là một ví dụ điển hình. Theo ông Võ Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty truyền thông và du lịch C2T cho biết, đơn vị đã theo đuổi mô hình “du lịch xanh tác động thấp”, hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải carbon phát sinh từ các hoạt động du lịch. Doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để giảm thiểu việc sử dụng điện lưới; đồng thời khuyến khích du khách mang theo chai nước tái sử dụng, thực hiện phân loại rác và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đối mặt với những khó khăn trong chuyển đổi xanh, C2T đã theo đuổi cách làm bài bản, trong đó có tham gia các sự kiện và kết nối với các đơn vị hỗ trợ để cập nhật thông tin, xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết, ưu tiên đầu tư vào công nghệ xanh mang lại hiệu quả cao. Doanh nghiệp cũng tổ chức đào tạo về du lịch bền vững để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nhân viên; cũng như hợp tác với cộng đồng địa phương để tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo bà Trương Thị Ái Nhi, Giảng viên Trường Đại học Văn Lang, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), trong chuyển đổi xanh, năng lượng, công nghiệp - nông nghiệp và giao thông vận tải là ba thành tố quan trọng cấu thành nên huyết mạch kinh tế xanh tại Việt Nam. Các thành tố này sẽ chỉ đóng góp vào chuyển đổi xanh khi gắn liền năm xu thế về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, tài chính xanh và nhân lực xanh.
Để tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, bà Nhi cho rằng bên cạnh những giải pháp cứng và cần nhiều chi phí như công nghệ, những giải pháp mềm về mạng lưới và các mô hình hợp tác kinh doanh được thúc đẩy thông qua sáng kiến doanh nghiệp sẽ là cơ hội để tiếp cận dần với năm xu hướng nêu trên, củng cố tính bền vững và khả năng chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp.