Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã thay đổi nhiều thói quen, trong đó nhu cầu chọn lựa sản phẩm chăm sóc sức khỏe được ưu tiên hơn trong đời sống của nhiều người. Qua đánh giá thị trường thực phẩm chức năng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai tăng trưởng với điểm khác biệt, tìm kiếm thị phần trước sự cạnh tranh từ các thương hiệu chăm sóc sức khỏe lâu đời, đi trước nhiều năm trên thế giới.
- Số hóa giúp doanh nghiệp ngành dược vượt qua thách thức theo tiêu chuẩn mới
- Ngành dược từng bước phục hồi sau đại dịch
Thị trường sôi động, cạnh tranh ngày càng tăng
Bắt đầu phủ sóng trên các sàn thương mại điện tử, trong một năm qua, theo ghi nhận thống kê của Metric, thị trường thực phẩm chức năng trên các sàn có tổng doanh thu hơn 3.568 tỉ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, dẫn đầu với các thương hiệu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho phụ nữ đến từ nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Canada…
Là doanh nghiệp tham gia sản xuất thực phẩm chức năng khoảng ba năm nay, Công ty B-UP VIETNAM cho biết mức sản lượng tăng gấp ba lần so với thời điểm đầu, nhiều mặt hàng ngày một đa dạng.
Những sản phẩm về làm đẹp, chăm sóc sức khỏe chủ động cho phụ nữ luôn đứng vị trí đầu trong đối tượng khách hàng của ngành. Bên cạnh đó, lượng lớn sản phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính cho người già, sản phẩm giúp phát triển thể chất cho trẻ em cũng đang được quan tâm và đầu tư mạnh ở Việt Nam qua các nghiên cứu, ra mắt mã hàng liên tục.
Theo chị Lê Thị Mỹ Tâm, người đồng sáng lập B-UP VIETNAM, khi nhìn thấy lợi thế tăng trưởng từ ngành, nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, tạo nên thị trường sôi động khoảng vài năm trở lại đây. Qua khảo sát từ các kênh phân phối, đại diện B-UP nhìn nhận người mua đang gặp khó khăn vì thị trường tăng trưởng “nóng”, nhiều mã hàng, mã sản phẩm xuất hiện tràn lan.
“Bây giờ tình thế khác so với 10 năm về trước, thực phẩm chức năng không còn mới nhưng nhiều thì người mua dễ bị loạn, quy chụp hàng Việt. Chính vì thế họ có xu hướng chọn thương hiệu lâu đời, ngoại nhập được bảo chứng để an tâm, dẫn đến thách thức chung cho doanh nghiệp Việt làm ăn bài bản”, chị nhận xét.
Tiền thân từ khoa Dược ở trường Đại học Dược Hà Nội, Công ty Dược Khoa đang có thế mạnh trong dòng thực phẩm chức năng chăm sóc bệnh nhân bệnh tiểu đường. Hiện tại, mặt hàng này chiếm khoảng 10-15% tổng doanh thu của công ty. Cụ thể, dòng sản phẩm DK-Betics có sản lượng tăng từ chục ngàn viên/năm lên đến hơn chục triệu viên/năm qua gần 10 năm. Kênh phân phối tại nhà thuốc khoảng 10.000 cơ sở và bệnh viện, phòng khám khoảng 200 cơ sở.
Đại diện Dược Khoa, ông Đỗ Anh Vũ, Trưởng bộ phận Marketing công ty, cho biết dòng thực phẩm chức năng ngày càng “ăn nên làm ra” vì nhu cầu chung của thị trường đang tăng lên, mức độ dân số, mô hình bệnh tật thay đổi và hầu bao cho việc chăm sóc sức khỏe cũng được mở rộng.
Cần tận dụng ưu thế bản địa
Những thương hiệu nước ngoài xuất hiện trên thị trường Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau. Giờ đây, người mua không chỉ quen với hàng xách tay, nhờ người thân từ nước ngoài gửi về mà các hãng lớn đã có kênh phân phối chính thức và cửa hàng đại diện, tạo nhiều gian hàng, chương trình trên sàn thương mại điện tử phủ rộng. Điều này đặt ra bài toán cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng lớn nhỏ trong nước.
Chị Mỹ Tâm, đại diện B-UP, cho rằng nhà máy ở Việt Nam hiện đủ năng lực sản xuất và áp dụng công nghệ tiên tiến. Tuy vậy, cái khó ở đây là vốn đầu tư. Khác với doanh nghiệp lớn có danh tiếng từ lâu, những thương hiệu nội địa cần nhiều thời gian phát triển cũng như cân nhắc dòng tiền để vận hành dây chuyền.
Theo vị đại diện Công ty Dược Khoa, những thương hiệu nước ngoài có lợi thế về nguồn gốc, độ tin cậy, phổ biến với người tiêu dùng. Vì thế, các công ty trong nước nên nhắm vào nhóm bệnh, thị trường ngách. Có những nhóm hàng nhập khẩu không có thế mạnh ở thị trường Việt Nam vì tình trạng bệnh tật có những đặc điểm riêng, phụ thuộc vào từng khu vực cụ thể.
Ngoài ra, tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa cũng là lợi thế riêng của doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng thực phẩm chức năng. Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, nguyên Chủ tịch Công ty Dược Khoa, Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời cùng nhiều bài thuốc hay, vùng dược liệu quý hiếm ở nhiều nơi, hệ sinh thái đa dạng. Nếu đơn vị tập trung khai thác và nghiên cứu, đây chính là điểm riêng giúp các sản phẩm có sự khác biệt.
Doanh nghiệp B-UP VIETNAM cũng tự khai thác và xây dựng mô hình nuôi yến để tự chủ nguyên liệu cho nhà máy. Hiện tại công ty đang chuyên dòng sản phẩm yến sào và thực phẩm chăm sóc sức khỏe từ yến. “Không chỉ riêng B-Up, các công ty trong nước đều có thể chọn điểm nhấn từ nguyên liệu bản địa để kể về thương hiệu của mình, cốt lõi vẫn là đưa sản phẩm chất lượng cho người dùng thì cơ hội tăng trưởng vẫn chia đều cho nhiều bên”, chị Mỹ Tâm nói thêm.
Để tăng uy tín thương hiệu Việt trên sân nhà tiềm năng, một chuyên gia trong lĩnh vực nhìn nhận hành trình này cần sự nỗ lực từ nhiều phía để có những chuyển động tích cực ủng hộ công ty làm ăn chân chính, siết chặt tiêu chí sản xuất như phễu lọc những ai đi, ai ở trên thị trường. Hơn nữa, đội ngũ bán hàng, kênh phân phối thực phẩm chức năng cần nâng cao chuyên môn tư vấn, gia tăng tiếp xúc thông tin giữa mặt hàng và người lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
An Phú
Theo KTSG Online