(SGTT) – Sân bay không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của hành khách mà còn là cơ hội và động lực phát triển kinh tế thương mại và du lịch cho cả một vùng, một quốc gia. Tuy nhiên, với hiện trạng sân bay Tân Sơn Nhất như hiện nay vẫn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều hành khách khi di chuyển qua đây.
- Bộ GTVT yêu cầu ‘phân luồng’ giao thông tại khu vực ga sân bay Tân Sơn Nhất
- Xe công nghệ đón khách đã có làn riêng ở tầng trệt sân bay Tân Sơn Nhất

Ám ảnh cảnh chèo kéo, chặt chém khách tại sân bay
Tình cảnh hỗn loạn giành giật taxi, chặt chém giá cước trong thời gian qua tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều khách hàng ám ảnh. Nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra như tăng cường xe taxi, mở thêm làn xe công nghệ, tăng giờ chạy xe buýt.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng đây chỉ là giải pháp nhất thời bởi sân bay Tân Sơn Nhất cần có các biện pháp khắc phục mạnh mẽ hơn, thậm chí tầm nhìn chiến lược, dài hạn để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Chị Vũ Dung, ở quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết vừa qua sau khi đáp chuyến bay xuống sân bay vào lúc 23:00 nhưng phải mất gần 40 phút chị Dung mới có xe di chuyển ra khỏi sân bay. “Chờ quá lâu tôi đành phải liên hệ một quầy gọi xe tại sân bay nhưng giá cước lại cao gấp đôi các hãng khác”, chị Dung nói thêm.

Tương tự, chị Thùy Linh ở quận 1, TPHCM, chia sẻ vừa thoát khỏi vòng vây chèo kéo của cò xe và kéo hành lý đến làn D1 để đón xe công nghệ nhưng chị Linh cũng phải mất hơn 10 phút với 2-3 cuộc gọi để thông báo vị trí nơi đứng cho tài xế đến đón.
“Tôi thấy dù sân bay đã có thêm làn D1 dành cho xe công nghệ nhưng việc gọi xe thông qua ứng dụng vẫn gặp khó vì nhiều tài xế vẫn còn khá lúng túng khi tìm đường vào làn D1 để đón khách”, chị Linh kể.
Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa ban hành chỉ thị về tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế ách tắc giao thông trước nhà ga hành khách tại cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất.
Trong đó, yêu cầu đơn vị quản lý sân bay, doanh nghiệp vận tải bố trí đủ phương tiện tối thiểu đáp ứng nhu cầu đi lại hành khách.
Đáng chú ý, Cục cũng yêu cầu cảng HKQT Tân Sơn Nhất phải kịp thời lựa chọn công khai, minh bạch để bổ sung các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác nhằm đảm bảo nhu cầu xe taxi trong các dịp cao điểm, đặc biệt là đợt 30-4, 1-5 và hè năm 2022 sắp tới.
Cách nào giảm tải áp lực ùn ứ cho sân bay?
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một đơn vị taxi hoạt động trong sân bay Tân Sơn Nhất khẳng định việc thiếu taxi phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng tại sân bay như thông tin gần đây là chưa thực sự chính xác.
Theo vị này, việc phân các luồng xe taxi ra vào tại sân bay có thể nói là chưa khai thác hết hạ tầng vốn có. “Nói thẳng là thiếu làn cho xe taxi”, vị này nhấn mạnh.
Hiện nay, xe taxi, các đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được đón khách ở làn D. Theo đó, đơn vị của vị này chỉ có khoảng 5 slot để dừng đón khách tại làn D, mỗi slot có khoảng 3 xe được dừng đỗ, khu vực bên ngoài có hàng chục xe xếp hàng dài chờ đến lượt đón khách nhưng không thể vào.

“Việc bố trí chỉ cho xe taxi đón khách ở làn D (làn cuối) khiến khách hàng khó tiếp cận được taxi hơn. Do đó, tôi mong rằng đơn vị quản lý có thể thay đổi cách thức phân luồng đón trả khách tại sân bay. Cụ thể là bố trí thêm xe taxi có thể đón khách tại làn C”, vị này bày tỏ.
Theo vị này, vấn đề không phải là huy động thêm xe taxi, bởi hiện nay không chỉ khách hàng phải chờ lâu mà cả tài xế của hãng cũng phải xếp hàng chờ rất lâu khi muốn vào sân bay đón khách, có lúc tài xế phải chờ đến 30 phút mới vào được nơi đón khách.
Ngoài ra, đơn vị quản lý sân bay có thể thay đổi phương thức thanh toán từ trả từng lần bằng trả theo tháng hoặc không dừng tại khu vực trạm thu phí sân bay ra vào sân bay. “Nếu cần thiết nên xả trạm khi lượng phương tiện ùn ứ dài để giảm tải áp lực tại sân bay”, vị này chia sẻ.
Theo nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục triển khai thêm làn xe D2 ga trong nước nhằm góp phần giảm tình trạng ùn ứ ở khu vực trước nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.
Minh Hoàng