Tâm An -
Bao nhiêu năm qua, doanh nghiệp có hàng hóa bị đơn vị khác làm giả để hưởng lợi bất chính, vẫn phải tự tìm cách bảo vệ mình. Nhưng, trong nhiều trường hợp, tiền mất mà... tật vẫn mang.
Tự tìm hàng giả
Hàng giả nhãn hiệu Crocs được bán tràn lan trên mạng với rất nhiều mức giá khác nhau.
Quy trình đang diễn ra phổ biến hiện nay là doanh nghiệp tự tìm kiếm địa điểm sản xuất, bán hàng giả; báo cơ quan chức năng để được xử lý. Kết quả như thế nào thì… còn tùy.
Giám đốc kinh doanh một công ty ở lĩnh vực LPG (gas) kể, ông có một kinh nghiệm thương đau về chuyện chống hàng giả, hàng nhái. Cách đây chưa lâu, nghe về một điểm sang chiết gas lậu quy mô gần 1.000 bình gas mỗi ngày (của nhiều thương hiệu) ở Đồng Nai, ông quyết tâm theo đuổi đến cùng dù đã biết, chuyện này không hề dễ. Gần nửa tuần, cứ 4 giờ sáng là ông và tài xế đã “nằm” ở khu vực có trạm sang chiết, ghi chép quy luật xe ra vào, thời điểm chở hàng… Toàn bộ thông tin này, ông chuyển cho cơ quan quản lý thị trường của tỉnh nọ và đề nghị phối hợp. Sau đó, một xe hàng bị bắt trên đường đưa hàng về TPHCM tiêu thụ. Nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở đó.
“Họ chỉ bắt được xe hàng đầu tiên, ba xe còn lại như chúng tôi ghi nhận theo quy luật hàng ngày trước đó… bỗng dưng bữa đó nghỉ chạy! Vậy là thông tin đã bị rò rỉ rồi”, ông kể. Lần đó, ông bảo, đã tiêu tốn nhiều tiền của công ty một cách vô ích! Và cũng từ đó, công ty ông chẳng còn mặn mà theo đuổi các vụ bắt các điểm sang chiết lậu, vì thấm thía vô cùng lý do vì sao nó tồn tại được.
Ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao, Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam), nhà sản xuất bugi NGK từng chia sẻ tại một hội thảo về chống hàng giả diễn ra cách đây chưa lâu rằng, nhân viên của NGK đã tự đi thị trường, mua 1.208 bugi mang nhãn hiệu NGK của mẫu phổ biến nhất ở 452 cửa hàng trên toàn quốc để chuyên gia Nhật Bản kiểm nghiệm từng cái. Kết quả là 20,5% trong số này là hàng giả nhãn hiệu và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là một con số nhức nhối với doanh nghiệp cũng như với người tiêu dùng, khi sản phẩm bugi NGK đang nắm giữ 70% thị phần ở Việt Nam.
Và để đấu tranh với hàng giả, công ty ông đã phối hợp với cơ quan chức năng. Nhưng có những lần làm việc, hôm trước doanh nghiệp phát hiện điểm bán hàng giả, hôm sau cùng cơ quan chức năng đến kiểm tra thì… lại không tìm thấy món hàng giả nào. Theo ông Kha, có những lý do tế nhị ông không thể gọi tên cụ thể nhưng câu chuyện nhỏ này là một minh chứng cho thấy hiệu quả xử lý nhà nước hiện rất thấp nhưng hậu quả với doanh nghiệp thì rất lớn.
Cơ quan chức năng kêu khó
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, diễn giả quen thuộc của các hội thảo về chống hàng giả, ở hội thảo mới đây cũng tiếp tục bày tỏ quan điểm, có rất nhiều bất cập trong công tác này. Một nguyên nhân trong nhiều lý do khiến cơ quan chức năng chưa thể xử lý được các vụ hàng giả, đó chính là chính sách.
Quy định về chống giả, hàng nhái… hiện nay được ông Danh nhận xét là vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là vì một đối tượng có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Chẳng hạn, khái niêm “hàng giả” được quy định có 8 loại trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng khái niệm này lại trùng lắp với quy định tại Nghị định 80/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa hay với khái niệm “Cạnh tranh không lành mạnh” của Luật Sở hữu trí tuệ 2005…
Còn thiếu là có những quy định chung chung, không có hướng dẫn cụ thể, ví dụ như khái niệm “với quy mô thương mại” trong Điều 171 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2009. Vì sự vừa thừa vừa thiếu này mà cơ quan thực thi khó áp dụng hoặc áp dụng tùy tiện, không thống nhất giữa các cơ quan thực thi khác nhau.
Quan trọng không kém, theo ông Danh, đó là hiệu quả phối hợp còn hạn chế giữa các lực lượng, cơ quan khác nhau trong hoạt động phòng chống hàng giả. Thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ hay cơ quan quản lý thị trường, công an đều được giao thẩm quyền xử lý rất rộng trong việc thực thị quyền sở hữu trí tuệ nhưng không có đủ nhân sự để thực hiện, lại phải đảm đương nhiều nhiệm vụ khác.
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ thì nêu quan điểm, quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay rất nhiều và cũng tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia khá đầy đủ. Tuy nhiên, chế tài chưa đủ sức mạnh, nhiều công cụ chưa phát huy được vai trò do năng lực của người thực thi, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài…
..............................................................................................................................................................
Đón đọc bài 3: “Hàng giả tàn sát doanh nghiệp thật”, trong số báo ra ngày 31-3.