Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Doanh nghiệp du lịch mong gì ở gói hỗ trợ lần hai?

Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp trong ngành du lịch vẫn chưa thể hoạt động bình thường trở lại vì Covid-19. Thiệt hại cho cả năm ước tính có thể đến 23 tỉ đô la Mỹ, giới kinh doanh nghiệp kỳ vọng gói hỗ trợ lần 2 của chính phủ sẽ "trúng đích" hơn trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp lữ hành TPHCM trong chuyến khảo sát điểm đến tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đào Loan

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhiều doanh nhân cho rằng, điều quan trọng của gói hỗ trợ lần này không chỉ là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp du lịch mà còn phải thực hiện các chính sách thiết thực để tăng sức mua.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, chính phủ quyết định cần thực hiện gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai trúng đích và hiệu quả hơn thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ, nếu không doanh nghiệp tiếp tục chìm trong khủng hoảng vì dịch bệnh.

Trong gói hỗ trợ lần 2, các nhóm doanh nghiệp cần hỗ trợ khẩn cấp được đề nghị là hàng không, du lịch, là nhóm bị đại dịch tác động mạnh, làm giảm sâu doanh thu, thiếu hụt dòng tiền và khả năng phá sản doanh nghiệp rất lớn.

Với ngành du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp. Thêm vào đó là điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở du lịch đến hết năm 2021 và duy trì các biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất.

Nhiều doanh nhân cho rằng, gần như không được hỗ trợ gì từ gói hỗ trợ lần 1 của chính phủ, với gói hỗ trợ thứ hai, các chính sách dễ tiếp cận và thiết thực hơn.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng

Các doanh nghiệp khách sạn, đặc biệt là là doanh nghiệp ở khu vực miền Trung đang rất khó khăn vì không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn là thiên tại. Hiện nay, hệ thống lưu trú gần như không có khách, như ở khu nghỉ dưỡng của chúng tôi, mỗi ngày chỉ vài phòng. Dự báo tình hình sắp tới cũng không mấy sáng sủa.

Tôi cho rằng, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp lúc này là cho vay không lãi xuất để trả lương nhân viên, sửa chữa cải tạo khách sạn và cơ sở vật chất cùng các chính sách hỗ trợ một phần chi phí điện, nước, thuế giá trị gia tăng...

Những chính sách hỗ trợ cần được thực hiện đồng bộ và lâu dài thì mới có hiệu quả. Vừa rồi, nhà nước có hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp khách sạn, cho phép doanh nghiệp được trả giá điện theo giá sản xuất thay vì trả theo giá dịch vụ nhưng chính sách ưu đãi này chỉ được áp dụng trong vài tháng, nay chúng tôi lại phải trả tiền điện theo giá cũ.

Tuy nhiên, chính phủ cũng cần có những chính sách kích cầu du lịch trong nước như hỗ trợ một phần giá vé máy bay cho khách đi du lịch, vừa giúp hàng không có khách và kích thích người dân đi du lịch.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink

Theo tôi, những chính sách như miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp không có tác dụng hỗ trợ lớn với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành trong thời điểm này vì chúng tôi gần như không bán hàng được nên ít phát sinh thuế.

Chính sách giảm 80% tiền ký quỹ cho lữ hành cũng không mấy ý nghĩ vì rất ít doanh nghiệp mở công ty trong lúc dịch bệnh. Với những công ty đang hoạt động, việc giảm tiền ký quỹ cũng không giúp ích là bao, chưa kể nếu được giảm thì thủ tục rút ra bớt có thể cũng sẽ rất nhiêu khê.

Vấn đề của thị trường hiện tại là sức mua. Sức mua đang rất thấp cho nên doanh nghiệp không bán hàng được. Như ở công ty chúng tôi, dù tour, dịch vụ đã được chuẩn bị sẳn sàng, giá cũng tốt hơn trước nhưng không có mấy khách hàng.

Tình trạng này sẽ còn kéo dài vì túi tiền của người dân đã teo tóp sau hơn 10 tháng đương đầu với khó khăn về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Tâm lý phòng thủ, không dám chi tiêu cũng ngày nặng nề hơn vì ai cũng lo dịch bệnh kéo dài.

Chúng tôi cho rằng, mùa du lịch Tết năm nay cũng khó có thể đem lại sự đột phá về sức mua cho du lịch vì người dân còn nhiều khoản chi khác quan trọng hơn trong thời dịch bệnh. Do đó, để vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh này, chính phủ nên có hỗ trợ cho người tiêu dùng, người dân phải tăng sức mua du lịch thì doanh nghiệp mới có thể "sống" được.

Một số nước như Nhật Bản, Thái Lan đã có những chính sách hỗ trợ tiền, voucher du lịch cho người dân. Nếu Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần 2, đặc biệt nhắm đến du lịch, hàng không thì cũng nên tham khảo cách làm này. Theo tôi, để người dân đi du lịch nhiều hơn thì nên hỗ trợ giá cho các tour du lịch trọn gói.

Khách được giảm giá vài chục phần trăm thì sẽ đi du lịch, giúp doanh nghiệp lữ hành, hàng không, nhà hàng, khách sạn... có doanh thu để vượt qua khó khăn.

Ông Trần Hoàng Anh, CEO Công ty Du lịch Bước chân Đông Dương

Tôi cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất bây giờ là sức mua còn việc vay tiền chỉ giúp doanh nghiệp "cầm hơi" trong ngắn hạn, nếu sức mua không có, khách hàng không có thì doanh nghiệp làm cách nào cũng khó tồn tại và không có ngườn tiền nào có thể kham nổi.

Hiện nay, tuy cả ngành du lịch đang nói đến kích cầu du lịch và một trong những cách tốt để kích cầu là giảm giá thu hút khách nhưng rất khó để doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi giảm giá tour vì các dịch vụ liên quan không giảm nhiều.

Đối tác cũng có cái khó của họ, là không thể giảm giá quá cao vì có thể ăn vào vốn. Vì thế, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình giảm giá, bán hàng để tăng sức mua.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, CEO chuỗi khách sạn Chez Mimosa

Thực ra, tôi không kỳ vọng vào gói hỗ trợ lần 2 bởi cả doanh nghiệp và người lao động đều không nhận được hỗ trợ từ gói lần 1. Những chính sách trong gói đó đưa ra đều hợp lý nhưng việc triển khai lại cực kỳ khó khăn khiến người thụ hưởng không thể tiếp cận.

Chẳng hạn, chúng tôi không có khách nên không có doanh thu và thiếu vốn nhưng lại không thể vay vì ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp và phải có báo cáo tài chính có thu nhập. Trong giai đoạn thị trường xuống đáy như hiện nay, doanh nghiệp không thể nào có báo cáo tài chính tốt để được chấp nhận cho vay.

Doanh nghiệp đã khó, người lao động lại khó gấp đôi. Nhân viên của chúng tôi thất nghiệp và đã khổ sở suốt 6 tháng qua để chạy đi, chạy lại thực hiện thủ tục nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dành cho người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Người lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội thì được chỉ qua phường, phường lại bảo qua quận, quận lại chỉ về địa phương nơi cư trú, địa phương thì kêu về công ty, cứ thế  lòng vòng nhiều ngày tháng, tốn tiền xăng xe mà một đồng hỗ trợ cũng không nhận được.

Vì thế, nếu có gói hỗ trợ lần 2, tôi chỉ mong khoảng cách từ chính sách đến thực tế được rút ngắn lại. Các chính sách phải được thực hiện, loại bỏ những thủ tục rườm rà và bất hợp lý để doanh nghiệp, người lao động có thể tiếp cận.

Có lẽ, việc hỗ trợ dễ thực hiện nhất bây giờ với doanh nghiệp kinh doanh lưu trú làm giảm 50% giá điện, nước, truyền hình hình cáp còn những gói hỗ trợ tài chính lớn hơn, dù rất cần nhưng chúng tôi cũng không dám kỳ vọng nhiều.

Đào Loan

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Du lịch miền Bắc ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ

0
(SGTT) - Bão Yagi không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, mà còn khiến ngành du lịch miền...

Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh...

0
(SGTT) – Ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, bão Yagi và hệ quả sau bão đã khiến nhiều tour du lịch...

Liên ngành hàng không – du lịch cần ‘phối hợp ăn...

0
(SGTT) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì...

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

Kết nối