Ngọc Hùng
Mới đây, trong buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát và các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, đại diện các doanh nghiệp đã “thiết tha đề nghị” bộ cung cấp các thông tin liên quan đến chăn nuôi trong thỏa thuận đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các doanh nghiệp cho biết, họ đang không có sự chuẩn bị.
Sợ vì “mù mờ”
Ở quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lĩnh vực chăn nuôi nói riêng chắc chắn sẽ được đề cập như nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong buổi họp của Bộ NN&PTNT hồi tuần qua tại TPHCM, các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ còn đang rất “mù mờ” về chuyện này.
Một đại diện doanh nghiệp tại TPHCM cho biết, trong thời gian qua, làm gì, đi đâu, ông cũng nghe đề cập đến cụm từ “hiệp định thương mại” với các đối tác như ASEAN, EU, Mỹ... Tuy vậy, doanh nhân trong ngành hầu như không biết về những điều khoản, thỏa thuận của TPP hay các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán. “Để không bị rơi vào thế bị động, ít nhất phía doanh nghiệp cần phải biết những tác động đó là gì để có thể chuẩn bị cho một cuộc chơi mới”, ông này nói.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại và theo các thông tin thống kê từ cơ quan chức năng, lượng thịt gia súc, gia cầm mà Việt Nam nhập về trong những năm qua đều liên quan đến các thị trường đã đàm phán hay ký các hiệp định thương mại với Việt Nam, như Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Giờ đây, Việt Nam đang đàm phán với EU để đi đến ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, với các quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản... để hoàn thiện những điều khoản trong TPP.
Tại buổi gặp nêu trên, ông Nguyễn Diên Tường, chủ trại heo với hơn 3.000 con heo nái tại tỉnh Đồng Nai nói: “Tôi xin nói thẳng với bộ trưởng rằng, chúng tôi rất lo lắng cho ngành chăn nuôi trong nước. Đặc biệt, một khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại thì người chăn nuôi nhỏ lẻ, trung bình chỉ còn cách phá sản”.
Theo ông Tường, Bộ NN&PTNT cần tổ chức những buổi hội thảo, nói chuyện cho người chăn nuôi để biết những thuận lợi, khó khăn khi các hiệp định thương mại có hiệu lực. “Hiện nay, người chăn nuôi rất mù thông tin nên muốn thích nghi với môi trường mới cũng không biết bắt đầu từ đâu”, ông nói.
Hơi nóng phà sau gáy
Trong những nước đàm phán TPP với Việt Nam, có những nước như Mỹ, Canada không chờ đến khi hiệp định được ký kết mới đến Việt Nam. Họ đã có những bước tiếp thị từ miếng thịt heo, khối thịt bò ở Việt Nam. Đây có thể gọi là những bước chạy đà hữu ích trước khi TPP có hiệu lực.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nói rằng, một trong những thua thiệt cho ngành chăn nuôi trong nước là liên quan vấn đề chất cấm. Theo đó, khi tìm hiểu, ông thấy trong danh mục những chất cấm thì có những chất Việt Nam đưa vào danh mục cấm, còn ở Mỹ lại cho sử dụng. Một khi TPP có hiệu lực, ngành chăn nuôi trong nước sẽ không thể cạnh tranh lại với nước ngoài vì đa phần những chất này nằm trong nhóm tăng trưởng.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nói thêm rằng, một khi Việt Nam ký hiệp định thương mại với EU hay TPP có hiệu lực thì doanh nghiệp chỉ cần nhập thịt về bán có lời hơn mua từ các trang trại lớn. Những nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản là điều không thể tránh khỏi.
Ở Việt Nam chăn nuôi chủ yếu là các nông hộ với số lượng nhỏ, trong khi, các nước phương Tây là thường ở quy mô trang trại, đại trang trại nên chi phí thấp hơn. “Nếu một khi những hiệp định thương mại nói trên có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm, doanh nghiệp chỉ cần nhập về và bán giá thấp hơn giá thành chăn nuôi trong nước vẫn có lời. Ngành chăn nuôi, đặc biệt là hộ nhỏ lẻ phá sản chỉ còn vấn đề thời gian”, ông nói.
Nói thêm về các khó khăn, ông Bình dẫn chứng thêm, để có thịt nóng (giết xong tiêu thụ trong vòng 24 giờ và không bảo quản trong ngăn lạnh), các lò giết mổ sẽ giết mổ gia súc, gia cầm vào lúc 2 giờ sáng và sau đó vận chuyển đến các chợ đầu mối, chợ trong thành phố và thường số thịt này để trong môi trường ô nhiễm khói bụi mười mấy giờ đồng hồ. Trên nguyên tắc, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cách tốt nhất nên chọn thịt đông lạnh vì những nơi này đều sản xuất theo một quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn các cơ sở giết mổ ở lòng lề đường như hiện nay. Theo các doanh nghiệp, theo xu hướng chung, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm thịt đông lạnh thay vì sử dụng thịt nóng giết mổ trong ngày. Đây là xu thế có lợi cho sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu, điều này đồng nghĩa làm cho các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ trong nước đứng trước khả năng giảm thị phần trong tương lai. Chưa bao giờ, doanh nghiệp chăn nuôi lại ở trong trạng thái ngồi trên lửa như lúc này.
Trước những phản hồi từ phía doanh nghiệp, ông Cao Đức Phát cho biết, để doanh nghiệp tiếp cận những thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại đang đàm phán, thời gian tới, những điều khoản nào đã được các bên đồng ý sẽ thông báo rộng rãi cho doanh nghiệp biết.
“Chúng tôi đã nghe những phản hồi từ doanh nghiệp và sau buổi gặp mặt này, bộ sẽ tiếp thu và sẽ cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề. Sáu tháng nữa, bộ sẽ gặp mặt doanh nghiệp thêm một lần nữa để cùng xem xét đã làm gì được trong thời gian đó và tiếp tục có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời buổi hội nhập sâu rộng này”, ông Phát nói.