Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội: cần chế tài đủ mạnh

(SGTT) – Năm 2023 vừa qua, tình trạng các doanh nghiệp ở TPHCM chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn tiếp diễn. Điều này không những làm mất quyền lợi của người lao động mà còn đẩy cơ quan bảo hiểm vào thế khó và gặp vô vàn khó khăn trong quá trình đòi nợ. Nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm những chế tài xử phạt hình sự như tội trốn thuế hoặc có quy định xử lý nghiêm giống như Nghị định 100 về xử lý tình trạng nhậu say, vi phạm giao thông.

Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn tiếp diễn

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TPHCM, tính đến ngày 31-12-2023, TPHCM có hơn 30.600 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ một tháng trở lên với số tiền hơn 3.260 tỉ đồng. Trong đó, có 10.615 đơn vị nợ từ sau tháng trở lên với tổng số tiền hơn 2.537 tỉ đồng.

Về thực trạng này, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp trên địa bàn vẫn là vấn đề khiến cơ quan này trăn trở. Việc doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội cũng đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động, nhất là trong sử dụng bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh và người lao động mất việc làm cũng cần hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Đề cập nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, nợ trốn đóng bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp và đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố, Công an TPHCM đều cho rằng yếu tố hàng đầu vẫn là do doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài và tình hình kinh tế thế giới nên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến gỗ… gặp khó khăn, dẫn đến chậm đóng bảo hiểm xã hội”, ông Hiệp nói và cho biết hiện vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp có khả năng thanh toán tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn cố tình không đóng mặc dù cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, “hiện việc trốn đóng bảo hiểm xã hội trở lên phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân có thể là do người sử dụng lao động chuyển một phần tiền lương của người lao động sang một số khoản phụ cấp, thưởng để không cần đóng bảo hiểm xã hội cho những khoản đó. Người lao động yếu thế và chưa hiểu hết về những lợi ích của bảo hiểm xã hội nên dễ thỏa thuận, không đóng bảo hiểm hoặc không kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi”, ông Đỗ Trúc Lâm, Đoàn luật sư TPHCM chia sẻ với KTSG Online.

Người lao động thực hiện các thủ tục hành chính tại trụ sở Bảo hiểm xã hội quận Bình Tân. Ảnh: Minh Thảo

Về xử lý doanh nghiệp vi phạm, trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội thành phố đã ban hành 238 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền 13,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Hiệp chỉ có 59 đơn vị chấp hành quyết định xử phạt với tổng số tiền nộp phạt là 2,2 tỉ đồng.

Giải thích về việc số doanh nghiệp chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thấp (chỉ chiếm 24,7%), đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết năm vừa qua, có nhiều quyết định cưỡng chế được ban hành đối với các doanh nghiệp vi phạm. Thế nhưng, một số doanh nghiệp cho số tài khoản không còn tiền nên không thể cưỡng chế được. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, đối với tài khoản của doanh nghiệp, ngân hàng không được cung cấp cho bên ngoài nên việc cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu thuộc Công an TPHCM, quá trình xác minh tin báo, kiến nghị khởi tố liên quan việc trốn đóng bảo hiểm xã hội còn chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất là do hồ sơ bảo hiểm xã hội chuyển giao cho cơ quan điều tra chưa đảm bảo giá trị pháp lý.

Nguyên nhân thứ hai là do hiện nay, nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác. Nhiều doanh nghiệp có biểu hiện lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản. Điều này khiến doanh nghiệp có thể tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động nên gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.

Ngoài ra, quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng cần thêm thời gian để xác minh, đối chiếu với nhiều người và tài liệu như đại diện pháp nhân, người lao động, bảng lương, hồ sơ, chứng từ…, ông Hà chỉ ra thêm nguyên nhân khiến việc giải quyết các kiến nghị khởi tố doanh nghiệp vi phạm thường chậm và khó khăn.

Cần giải pháp xử lý ‘mạnh tay’ hơn

Trong năm 2023, cơ quan Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng đã công bố danh sách những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng tại sao không chỉ năm 2023 mà nhiều năm qua, vấn đề nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa được xử lý hiệu quả dù doanh nghiệp vi phạm đã được ‘điểm mặt chỉ tên’.

Theo luật sư Lâm, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cơ chế kiểm tra, xử phạt về bảo hiểm xã hội chưa được đẩy mạnh, thiếu tính răn đe nên khiến các doanh nghiệp không biết hoặc bất chấp hậu quả vi phạm. Cụ thể là hiện nay, mức xử phạt cao nhất đối với người sử dụng lao động có hành vi đóng không đủ, chiếm dụng tiền bảo hiểm là 75 triệu đồng, trong khi khoản nợ có thể lên đến hàng tỉ đồng.

Từ phía góc độ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đại diện công đoàn của một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn TPHCM, chỉ ra thực tế cho thấy Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khi đi vào thực tiễn đã cho thấy hiệu quả rõ ràng. Với những chế tài nghiêm khắc, số tiền xử phạt cao và mức phạt nặng đã khiến tình trạng nhậu nhẹt say xỉn, phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm giao thông giảm bớt.

Vì vậy, trước tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra nhiều như hiện nay, vị đại diện doanh nghiệp này đề xuất cơ quan chức năng cần có thêm quy định tương tự nhằm xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Cùng với đó, các đơn vị ban ngành cũng cần xem xét, bổ sung một số chế tài mạnh hơn như cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp vi phạm; đề nghị hải quan dừng làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…  Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét các khoản đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như một khoản thu thuế, quy quy định chế độ thu này như quản lý thu thuế. Trường hợp trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội có thể xử lý hình sự như hành vi trốn thuế. Những đề xuất này có thể giảm bớt tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội kéo dài.

Về giải pháp mang tính vĩ mô, ông này cho rằng trong tương lai, tùy vào quy mô, các doanh nghiệp cần trích một khoản ký quỹ để bảo đảm tuân thủ trách nhiệm xã hội, cam kết đóng bảo hiểm đầy đủ. Nguồn kinh phí này có thể hỗ trợ người lao động trong các rủi ro liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội hoặc đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động khi mất việc. Giải pháp này giúp đôi bên cùng có lợi, hướng đến phát triển bền vững cho doanh nghiệp và người lao động.

Theo ông Đỗ Trúc Lâm, Đoàn luật sư TPHCM, căn cứ Khoản 1, Điều 39 của Nghị định 12 do Chính phủ ban hành, người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động (doanh nghiệp) để không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.Dựa vào Khoản 7, Điều 39 của Nghị định 12, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân có thể đóng, nộp bảo hiểm trực tuyến qua...

0
Để thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian, người dân có thể đóng bảo hiểm...

Đề xuất cho người lao động bị nợ tiền bảo hiểm...

0
Người lao động đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và có thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm...

Kết nối