Hoàng Xuân Phương -
Một nhóm các nhà khoa học cho hay họ sẽ tung những “quân đoàn” muỗi hàng triệu con vào một số địa điểm trọng yếu về dịch Zika tại Brazil và tại Columbia nhằm tiêu diệt những con muỗi mang mầm bệnh. Kế hoạch này đã nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia diệt dịch, và nhận được những khoản tài trợ lớn trong đó có Quỹ Bill và Melinda Gates.
Trẻ em bị hội chứng đầu nhỏ do nhiễm vi rút Zika trong thai kỳ.
Wolbachia là một loại vi khuẩn tìm thấy trong điều kiện tự nhiên ở khắp nơi trên thế giới, và là nguyên nhân lây truyền làm chết khoảng 60% các loài côn trùng, nhưng lại vô hại đối với con người. Loại vi khuẩn này cũng không lây truyền cho loài muỗi Aedes aegypti vốn là ký chủ mang vi rút gây bệnh cikungunya, sốt xuất huyết và Zika. Nhưng các nhà khoa học tại Chương trình loại trừ sốt xuất huyết đã tìm được cách để lây nhiễm Wolbachia cho muỗi Aedes aegypti. Những thí nghiệm về tiêm chủng mầm bệnh cho những con muỗi vằn này đã thực hiện thành công ở những địa điểm khác nhau tại Brazil, Colombia, Úc, Indonesia và Việt Nam, và số lượng muỗi sốt xuất huyết đã giảm xuống đáng kể.
Cuộc nghiên cứu sau đó hướng đến dịch Zika, và kết quả cũng đã thành công như mong muốn.
Tiến sĩ Trevor Mundel đang làm ở Quỹ Bill và Melinda Gates nói: “Vi khuẩn Wolbachia đang tạo nên cuộc cách mạng chống lại các bệnh lây nhiễm qua muỗi. Nó vừa tiện lợi, vừa bền vững trong khả năng chống lại dịch Zika, sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền khác từ muỗi”.
Theo Mundel, các công việc phối hợp giữa các nhà khoa học và các chính phủ cùng chính quyền thành phố đang được thực hiện.
Chiến dịch này sẽ bắt đầu tại Brazil từ đầu năm 2017, sau đó mở rộng đến vùng ngoại ô rộng lớn của thành phố Bello ở Colombia, rồi đến Antioquia và thành phố Rio de Janeiro ở Brazil nơi vừa tổ chức thế vận hội. Ở những nơi đó các nhà khoa học tung vào môi trường thiên nhiên những con muỗi đã bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia để chúng sống chung và truyền nhiễm khuẩn này cho các con muỗi địa phương, nhờ đó tiếp tục duy trì tình trạng nhiễm khuẩn cho các thế hệ sau. Chiến dịch sẽ kéo dài trong ba năm.
Giáo sư Scott O'Neill từ Chương trình loại trừ sốt xuất huyết cho biết hai mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng địa phương là liệu những con muỗi này có hại người không, và liệu có thể xảy ra hậu quả không mong muốn gì không.
“Vi khuẩn Wolbachia đang hiện diện khắp nơi trong các loài côn trùng mà hàng triệu người vẫn tiếp xúc với chúng hàng ngày và không có vấn đề gì cả. Điều này đã được chúng tôi chứng thực suốt sáu năm nay”, ông nói.
Trước đó các nhà nghiên cứu tại Oswaldo Cruz Foundation của Barzil đã chứng minh cho thấy cơ thể các con muỗi bị nhiễm khuẩn Wolbachia chứa số lượng vi rút Zika ít hơn, và hơn thế nữa vi rút này được tìm thấy bất động nơi nước miếng của con vật như một dấu chỉ cho thấy Zika sẽ không còn khả năng gây bệnh cho con người.
[box] Zika được phát hiện đầu tiên ở Uganda, sau đó là ở các quốc gia châu Phi và châu Á (Gabon, Ai Cập, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Campuchia, Micronesia, Malaysia, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia...
Các triệu chứng sốt Zika gồm bị đau đầu và sau đó phát ban dát sần bao phủ một phần cơ thể ở ngày hôm sau. Ngoài ra, trong cơn sốt thường kèm với đau lưng và một cảm giác chung của người bệnh là thấy khó chịu. Ngoài ra, vi rút Zika gây đau khớp và viêm kết mạc. Trong tất cả các trường hợp, các triệu chứng đều nhẹ và thường tự hết trong một tuần mà không cần nhập viện hoặc không có nguy cơ bị biến chứng nặng.
Gần đây theo phân tích của Trung tâm phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC), trẻ đã bị nhiễm vi rút Zika trong giai đoạn bào thai và loại vi rút này đã xâm nhập vào não trẻ khiến trẻ có thể bị tử vong hoặc hội chứng teo đầu.[/box]