Thùy Dung
Mười năm chuyên đi tuyển dụng, vậy mà có lúc ông Hồng có nguy cơ bị cho thôi việc chỉ vì không tuyển được người. “Cả một núi hồ sơ xin việc nhưng vẫn không lọc ra được hồ sơ ưng ý”, ông Hồng, ban nhân sự của một tập đoàn vật liệu xây dựng chia sẻ.
Thừa cứ thừa, thiếu vẫn thiếu
Tại Vĩnh Phúc, nơi Prime đặt nhà máy, hiện có hơn 10 cơ sở dạy nghề nhưng nhiều khi phòng nhân sự của Prime phải làm việc “toát mồ hôi” mà vẫn không tìm được người phù hợp. Ông Nguyễn Văn Hồng, trợ lý Trưởng ban Nguồn lực nhân sự, Tập đoàn Prime cho hay, điều này là do tâm lý các bậc phụ huynh chỉ muốn cho con em đi học đại học; đi học nghề chỉ là con đường cuối cùng mà họ lựa chọn. Các trường nghề rất chật vật để tuyển đủ học viên.
“Những gì mà Prime cần, ngoài yếu tố kỹ thuật, còn phải đào tạo thêm về ý thức, tác phong lao động. Tuy nhiên, các trường nghề không làm nổi. Như vậy cái doanh nghiệp cần thì nhà trường không làm được và cái doanh nghiệp không muốn thì lại đào tạo rất nhiều”, ông Hồng nói.
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, vật liệu xây dựng, nhiều lĩnh vực khác cũng đang “đỏ mắt” tìm nhân sự có chất lượng. Bà Nicola Connolly, Tổng giám đốc Adecco Việt Nam, một thành viên trong Hiệp hội Công ty nhân sự Việt Nam, cho hay theo dự báo từ nay đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng khá và chuyển trọng tâm từ phát triển số lượng sang chất lượng.
Điều này có nghĩa rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ tập trung vào các dịch vụ sang trọng để đáp ứng nhu cầu cao cấp của nhóm khách hàng thường xuyên có những chuyến du lịch dài ngày. Theo tính toán của mạng lưới ngành du lịch Việt Nam, Việt Nam sẽ cần hơn 2,1 triệu nhân lực cho ngành du lịch trong năm 2015 và gần 3 triệu trong năm 2020. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều cho rằng, với tình hình đào tạo hiện nay thì đa số các doanh nghiệp đều không kỳ vọng sẽ có đủ nguồn nhân lực có chất lượng về trình độ tiếng Anh, thái độ làm việc cũng như các kỹ năng mềm khác.
Doanh nghiệp tự đào tạo
Đánh giá về triển vọng thị trường lao động Việt Nam trong 5-10 năm tới, chuyên gia William Smith, thuộc Viện Phát triển hải ngoại, London cho hay, nhu cầu lao động trong lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là ngành điện tử và dệt may sẽ tăng rất mạnh. Điều này là do những lợi ích của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại. Bên cạnh đó, đang có làn sóng các công ty đa quốc gia chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc và vốn đầu tư của chính doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang chuyển dịch sang Việt Nam nhằm hưởng lợi từ TPP.
Ngoài lĩnh vực sản xuất thì công nghệ thông tin cũng như ngành dịch vụ nói chung sẽ là những ngành “khát” lao động trong thời gian tới. Trong khi đó, một số ngành vẫn xảy ra tình trạng “thừa” lao động như trong ngành kế toán, kiểm toán, ngân hàng…
Tuy nhiên, theo ông William Smith, các doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với việc thiếu hụt lao động có kỹ năng và kỷ luật, đặc biệt là các kỹ năng mềm như quản lý, làm việc theo nhóm và giao tiếp.
Với công nghệ ngày càng thay đổi, sẽ khó để các chương trình giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học có thể theo kịp. Vì vậy, sự tham gia của doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết để đảm bảo những kỹ năng mà doanh nghiệp cần sẽ được đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng.
Theo điều tra của Adecco, tại những nước mà hệ thống đào tạo nghề dựa vào công việc (work-based vocational training), chẳng hạn như Thụy Sĩ, Đức và Áo, có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thấp, một chỉ số quan trọng cho thấy sự cân bằng trong cung-cầu lao động. Tỷ lệ hiện tại của thanh niên thất nghiệp ở Đức đứng ở mức 7,6%, so với mức trung bình của châu Âu là 23%.
Mặc dù trong Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa được Quốc hội thông qua năm 2014 có những chính sách nhất định để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động, ví dụ các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Song, theo nhiều chuyên gia, quy định này rất chung chung, chưa có gì đặc biệt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, có thể về tài chính, công nghệ và thị trường… nhưng có lẽ tốt nhất là hỗ trợ cho họ tham gia vào việc đào tạo dạy nghề.
Những chính sách về đào tạo xưa nay chỉ cung cấp chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở dạy nghề của Nhà nước. Song, nên có một cách tiếp cận khác, tức nếu doanh nghiệp sử dụng lao động lớn, 1.000 lao động chẳng hạn thì Nhà nước hoàn toàn có thể hỗ trợ một phần kinh phí trực tiếp cho các doanh nghiệp chứ không phải cho các cơ sở dạy nghề. Các doanh nghiệp sẽ dùng tiền hỗ trợ của Nhà nước cùng với tiền của chính mình để đầu tư, đặt hàng cho các cơ sở dạy nghề hoặc họ tự tổ chức đào tạo.
Ngoài những ưu đãi về chính sách, theo bà Nicola Connolly, cần phải có những quy định ràng buộc giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo về việc tuyển dụng những học viên có đủ trình độ cũng như thiết lập cơ chế gắn kết những học viên sau khi tốt nghiệp làm việc cho doanh nghiệp đã bỏ tiền ra để đào tạo họ. Bên cạnh đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang đến rất gần, Chính phủ Việt Nam cũng nên nhanh chóng xem xét lại việc kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp quốc gia.