(SGTT) - Liệu có cách nào để lượng hóa được tình yêu? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào mỗi người. Riêng với đạo diễn người Phần Lan Mikko Kuparinen, phim truyện đầu tay của ông: Rakkauden rasvaprosentti (tựa tiếng Anh: Body Fat Index of Love, được dịch sang tiếng Việt trên truyền hình cáp là Chỉ số sức nặng của tình yêu), là một gợi ý thú vị để khán giả có thể tìm thấy lời đáp cho câu hỏi trên.
Timo Stigu Mertala (nhân vật nam chính trong phim do Mikko Nousiainen thủ diễn) là một nhà thiết kế nổi tiếng từng đoạt nhiều giải thưởng. Vốn tôn thờ chủ nghĩa độc thân, Stigu chẳng gắn bó lâu dài với ai, phụ nữ cứ đến rồi đi trong cuộc đời anh. Stigu xem nghề nghiệp và sự nghiệp của anh là quan trọng hơn hết.
Trong khi đó, Ella Sadeoja (nhân vật nữ chính do Miina Maasola thủ diễn) làm việc ở quầy thời trang của một siêu thị. Suốt đời, Ella mơ mình sẽ mở một cửa hàng thời trang độc đáo. Stigu và Ella gặp nhau tại một quán cà phê trong phòng tập thể hình. Ngay từ những cái nhìn đầu tiên, họ đã “vừa mắt” nhau và quyết định hẹn hò.
Nhiều người vẫn biết, tại các nước phương Tây, đặc biệt là các nước Bắc Âu, trong rất nhiều trường hợp, quan hệ tình cảm nam nữ được “đốt cháy giai đoạn” để đi đến với nhau về mặt tình dục là điều không quá xa lạ. Chính vì vậy, cách mà cặp đôi Stigu-Ella hẹn hò có thể khiến những ai vốn giữ quan niệm nghiêm túc với các mối quan hệ tình cảm sẽ cảm thấy bối rối.
“Quy trình tình yêu” được chấp nhận bởi những người “bảo thủ” trong xã hội Việt Nam có thể được “sơ đồ hóa” như sau: gặp gỡ, quen biết, tán tỉnh, hẹn hò, tỏ tình, chính thức yêu nhau, cưới nhau và cuối cùng là động phòng. Trên thực tế, quy trình này có thể “tối giản” đến mức chỉ còn lại hai bước là bước đầu tiên và bước cuối cùng mà không cần phải qua giai đoạn trung gian nào hết.
Mối quan hệ ban đầu giữa Stigu và Ella cũng được tối giản như trên. Trong một trường đoạn của bộ phim diễn tả cảnh Stigu gặp Ella lần đầu, chỉ qua vài câu trao đổi, họ đã chấp nhận hẹn hò và xác lập mối quan hệ họ sắp có. Ella đưa ra ngay địa điểm hẹn hò: bảy giờ tối thứ tư tại nhà của cô, và buổi hẹn chỉ kéo dài 45 phút, không lâu hơn. Mục đích duy nhất được Ella nói rất rõ và Stigu cũng lập tức chấp nhận: gặp nhau chỉ để “yêu nhau trên giường”.
Ella thậm chí còn nói: “Tôi không hề có ý định biết bất kỳ thông tin nào về anh và anh cũng sẽ không cần nói bất kỳ điều gì về anh với tôi. Không gắn bó, không tìm hiểu sâu và cũng không kết bạn trên Facebook nhé!” Cô nói thêm: “Nếu lần đầu diễn ra tốt đẹp, chúng ta có thể gặp lại nhau, mỗi tuần một lần, cùng ngày, cùng giờ”.
Trước khi “lên giường yêu nhau”, họ còn trao đổi thẳng với nhau thói quen của mình trong lúc hành sự, điều gì họ muốn đối tác làm cho mình và đối tác có đồng ý với điều đó hay không.
Liệu cách hành xử như Stigu và Ella có được chấp nhận? Chấp nhận hay không thì đó cũng là một thực tế ở các nước phát triển, thậm chí ngay ở Việt Nam qua “thuật ngữ” tình một đêm. Đã từng có người cho rằng đó là hậu quả của lối sống buông thả của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, có một sự thật khó thể bỏ qua, đó là điều kiện sống và làm việc trong một xã hội công nghiệp hóa cao. Ở đó, lối sống và quy tắc giao tiếp của con người phần nào đó bị quy định bởi trình độ phát triển và điều kiện làm việc trong xã hội.
Cả Stigu và Ella đều xem trọng và say mê công việc của mình. Nhưng đó cũng chính là điều ám ảnh họ và ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác. Mối quan tâm lớn nhất của họ là thành công trong công việc. Như trang www.eurochannel.com giới thiệu bộ phim đã viết: “Các nhân vật trong phim phải vật lộn với áp lực thành công và các giá trị gắn liền với kết quả công việc mình làm vốn là điển hình trong thời đại của chúng ta, khi mà tình dục cũng trở thành một loại công việc gắn liền với kết quả - một hạng mục trong danh sách các công việc phải làm hằng ngày. Bộ phim Body Fat Index of Love mời gọi khán giả khám phá cùng với các nhân vật chính những gì trong cuộc đời này thực sự xứng đáng được yêu thương”.
May mắn thay con người không phải là một cái máy. Trong vòng xoáy công việc, Stigu và Ella phải “lập trình” để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình, nhưng không phải chỉ dừng lại ở đó. Phim tiếp nối khi giữa họ xuất hiện một điều hoàn toàn không hề có trước đây.
Tình cờ, Stigu và Ella buộc phải cùng nhau dồn hết sực thực hiện một chiến dịch cho một tổ chức có mục đích giúp gắn kết gia đình nhằm vận động cho các mối quan hệ bền vững. Stigu lấy ý tưởng từ cuộc thi Cõng vợ (Wife Carrying Contest) nổi tiếng ở Phần Lan, trong đó người dự thi cõng vợ hay đối tác nữ chạy trên cát, băng qua hào nước. Người chiến thắng là người về đích đầu tiên. Trong cuộc thi mà Stigu và Ella tham gia, người chồng trong cặp đôi đoạt giải nhất cõng người vợ bị liệt hai chân của mình vượt qua mọi chướng ngại để về đích sớm nhất. Qua những hình ảnh xúc động đó, ý tưởng của Stigu và Ella được chấp nhận.
Khi ấy, Stigu đã nhận ra cuộc đời mình không thể thiếu Ella. Nhưng chuyện đời không đơn giản như thế. Ella biết ra rằng Stigu đã giấu không cho cô biết một cuộc hẹn quan trọng để giữ chân Ella lại với cuộc thi. Cô nhất quyết không tha thứ cho Stigu dù anh đã sắp xếp lập cho cô cửa hiệu thời trang mình hằng mơ ước. Tuy vậy, Stigu không đầu hàng. Sau bao nhiêu cố gắng, cuối cùng, Ella cũng chấp nhận mối chân tình của anh.
Tựa phim lấy ý từ một câu hỏi trước khi cuộc thi cõng vợ bắt đầu. Một người dự thi, cũng là đối thủ của Stigu tại công ty của anh, đã hỏi Stigu về chỉ số mỡ của cơ thể (ngụ ý càng nhỏ thì người cõng sẽ càng đỡ mệt - người phụ nữ được cõng phải cân nặng ít nhất 45 ký, nếu nhẹ hơn phải mang vật nặng cho đủ số ký lô).
Có thể nói theo một nghĩa nào đó, tình yêu giữa Stigu và Ella có vài con số để định lượng. Ví dụ như cuộc hẹn giữa họ chỉ kéo dài 45 phút và mỗi tuần chỉ có một lần. Nhưng mối quan hệ đó dần chuyển sang một trạng thái khác. Dường như bộ phim chuyển tải thông điệp rằng một khi hai người đã thực sự gắn bó với nhau, thật khó có thể định lượng tình yêu.
Còn các bạn thì sao?
Sơn Tùng