Thứ bảy, Tháng năm 10, 2025

Điện thoại thương hiệu Việt đuối sức

CHÍ THỊNH -  

Nhiều người tiêu dùng nhận định điện thoại thương hiệu Việt Nam mấy năm gần đây hầu như “thất trận”. Chẳng những không thấy xuất hiện thêm thương hiệu nào mới mà dường như còn mất đi những thương hiệu trước đó.

DSC05062-Mobiistar-PrimeX-MaxGần đây, Mobiistar tập trung vào các dòng smartphone và tham gia vào nhiều phân khúc khác nhau.

Sức ép cạnh tranh từ các hãng đa quốc gia cùng với hàng loạt thương hiệu điện thoại Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch lẫn “xách tay” đã khiến cho các doanh nghiệp trong nước không còn tự tin đầu tư vào kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt.

Đã có những cao trào

Trong số các điện thoại thương hiệu Việt có mặt trên thị trường trong vòng 2-3 năm trở lại đây thì Mobiistar và Q-Mobile là hai thương hiệu được đánh giá cao nhất về mức độ tăng trưởng. Trước sức ép cạnh tranh từ những các “ông lớn” như Samsung, Apple, Nokia/Microsoft Mobile… hoặc các thương hiệu mới nổi lên như Asus, Oppo… thì việc các thương hiệu nội địa tồn tại được trên thị trường cũng là điều khó khăn.

Cũng đã có một thời kỳ điện thoại thương hiệu Việt len lỏi vào tốp đầu các thương hiệu điện thoại di động có sức mua tốt, theo đánh giá của một số nhà bán lẻ. Vào năm 2014, theo thống kê cả năm của hệ thống bán lẻ FPT Shop thì Mobiistar nằm trong top 5 các thương hiệu điện thoại di động có doanh số cao nhất, bên cạnh Nokia, Samsung, Apple và Oppo.

Trước đó, thương hiệu Q-Mobile cũng từng được người tiêu dùng đánh giá cao về thiết kế, tính năng tiện ích… Điện thoại Q-Mobile vào thời điểm cao trào (2009-2010) nếu xét về doanh số chỉ đứng sau Nokia và Samsung. Tuy nhiên, sau một thời gian ra mắt các dòng điện thoại Windows Phone với sự hỗ trợ từ Microsoft thì Q-Mobile ít được người tiêu dùng quan tâm hơn.

Bản thân các nhà mạng di động cũng tham gia vào cuộc chơi, VNPT (VinaPhone) và Viettel cũng ra mắt các mẫu điện thoại, chủ yếu là smartphone 3G nhằm kích cầu sử dụng dịch vụ 3G. FPT và Bkav, các công ty công nghệ trong nước, cũng đầu tư thiết kế, phát triển điện thoại.

Khi nói về tiềm năng phát triển của điện thoại thương hiệu Việt, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng viễn thông của hệ thống bán lẻ thegioididong.com, cho rằng các mẫu điện thoại thương hiệu Việt cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, ông Hiểu Em nhận xét các thương hiệu điện thoại này vẫn đang ở thế kém cạnh tranh hơn so với các thương hiệu điện thoại quốc tế như Samsung, Apple, Asus, Oppo…

Bên cạnh đó, trên lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, marketing, điện thoại thương hiệu Việt hầu như không đủ lực về tài chính để đua theo các thương hiệu quốc tế. Các hãng đa quốc gia này thường xuyên tổ chức các sự kiện trải nghiệm, chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi mỗi khi ra mắt sản phẩm mới.

Các thương hiệu điện thoại Việt Nam cũng ra mắt sản phẩm mới, tổ chức sự kiện trải nghiệm cho người dùng nhưng thường với quy mô nhỏ hơn, khuyến mãi với mức độ thấp hơn.

Chết vì điện thoại giá rẻ

Vào thời điểm 2009-2011 đã xuất hiện hàng loạt điện thoại gắn thương hiệu Việt với mô hình chung là làm điện thoại giá rẻ. Theo đánh giá của một số công ty nghiên cứu thị trường, ở thời điểm đó giá rẻ chính là “vũ khí” cạnh tranh của điện thoại thương hiệu Việt. Tuy nhiên, không lâu sau đó các hãng lớn đã bắt đầu tấn công mạnh vào phân khúc điện thoại giá rẻ (dưới 3 triệu đồng). Nokia cũng như Samsung bắt đầu tung ra nhiều mẫu điện thoại từ tầm trung cho tới điện thoại phổ thông, điện thoại hai SIM…

Các công ty kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt bắt đầu rơi vào tình cảnh khó khăn khi đối diện với các đối thủ tài chính dồi dào, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động. Nhiều công ty đã phải từ bỏ kế hoạch kinh doanh điện thoại di động như Hi-Mobile, Avio, Malata, BluePhone... Từ năm 2012 trở đi điện thoại thương hiệu Việt bắt đầu rơi rụng.

Điện thoại thương hiệu Việt cũng biến mất dần dần trên các kệ hàng của các nhà bán lẻ như Thegioididong.com, FPT Shop, Viễn Thông A… Không còn nhiều thương hiệu điện thoại được phát triển ý tưởng thiết kế trong nước trụ lại được như Q-Mobile (hiện tại đã chuyển đổi thành thương hiệu Q), Mobiistar, FPT Phone…

Giám đốc một công ty từng kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt tại TPHCM nhận xét rằng chiến lược tấn công vào phân khúc giá rẻ của các hãng điện thoại lớn đã góp phần “hạ gục” nhiều điện thoại thương hiệu Việt.

Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh mạnh của điện thoại giá rẻ mang thương hiệu Trung Quốc cùng nhiều mẫu điện thoại “no name” (không có thương hiệu) được bán đầy ở các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ. Giá bán các mẫu điện thoại này quá rẻ nên điện thoại thương hiệu Việt không đủ khả năng cạnh tranh.

Theo ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành điện thoại Mobiistar, có vẻ như Mobiistar đã “thoát hiểm” mấy lần nhờ kịp thời áp dụng chiến lược đa dạng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Không chỉ bám vào phân khúc phổ thông, giá rẻ, Mobiistar bắt đầu tung ra thị trường các mẫu smartphone có giá bán 4-5 triệu đồng trở lên.

Gần đây, Mobiistar tập trung vào các dòng smartphone và tham gia vào nhiều phân khúc khác nhau, từ phổ thông cho tới tầm trung, thậm chí những mẫu smartphone Mobiistar có thiết kế, cấu hình, tính năng tương đương với những mẫu smartphone cao cấp của các thương hiệu lớn. Có thể kể đến các mẫu smartphone cao cấp như Mobiistar Prime X và Prime X Max.

Cuộc chiến dài hơi giữa các hãng điện thoại chẳng có điểm kết thúc, nhưng đối với điện thoại thương hiệu Việt thì việc có được vài phần trăm thị phần được xem là thành công. Tuy nhiên, cũng sẽ không có nhiều công ty trong nước giành được kết quả này trong sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ. Ngay cả Bkav, mặc dù đặt kỳ vọng lớn vào chiếc smartphone Bphone mang thương hiệu Việt nhưng rồi cuối cùng kết quả thắng thua vẫn phải phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, niềm tin của người tiêu dùng đối với mẫu điện thoại di động đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nỗi niềm của khách thuê Airbnb

0
(SGTT) - Ngày cuối ở London. Trả chìa khóa cho con gái bà chủ nhà, bước ra khỏi căn hộ Airbnb mà mình đã...

TPHCM khởi công dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hơn...

0
(SGTT) - Sau 20 năm chờ đợi, dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm qua địa bàn hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp...

Làm sao bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường...

0
(SGTT) - Công nghệ tiên tiến đã mang đến sự tiện lợi và trải nghiệm tốt hơn cho chúng ta. Tuy nhiên, rủi ro...

Khách quốc tế tham gia du lịch học tập cộng đồng...

0
(SGTT) – Với lợi thế về hệ sinh thái tự nhiên phong phú, các nghề truyền thống lâu đời được gìn giữ cùng định...

Thân quen nồi lẩu bò khoai môn trưa cuối tuần

0
(SGTT) – Nếu mọi người muốn đổi vị quen thuộc của món lẩu bò truyền thống thì lẩu bò khoai môn là lựa chọn...

Ra mắt trang web về đa dạng thần kinh cho trẻ...

0
(SGTT) – Hưởng ứng Tháng Nâng cao nhận thức về Tự kỷ, Saigonchildren chính thức ra mắt trang web về Đa dạng thần kinh,...

Kết nối