(SGTT) - Gần đây, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn tại nhiều cơ quan hành chính nhà nước. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân khi liên hệ công việc và được tuyên truyền thông qua đội ngũ nhân viên tiếp nhận hồ sơ hoặc các bảng thông báo, màn hình LCD tại cơ quan công quyền hay trên trang web của cơ quan đó.
Những dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại đồng thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể khi thực hiện các thủ tục hành chính. Chẳng hạn, UBND quận 1 cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hiện đại như cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, cấp bản sao trích lục hộ tịch... Để đăng ký hồ sơ các dịch vụ trên, người dân chỉ cần truy cập trang tin điện tử quận 1 tại địa chỉ quan1.hochiminhcity.gov.vn rồi chọn loại hình dịch vụ trực tuyến mình cần và làm theo hướng dẫn chi tiết.
Thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian
Anh Nguyễn Đình Khôi, chủ một công ty tư vấn thương hiệu ở quận 2, TPHCM, cho biết anh đã triển khai đăng ký doanh nghiệp trực tuyến trên trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tại địa chỉ dpi.hochiminhcity.gov.vn. Thủ tục đăng ký tại đây rất đơn giản, được hướng dẫn rất chi tiết, phù hợp với những người chưa có kinh nghiệm thành lập doanh nghiệp. Cụ thể, để đăng ký doanh nghiệp trực tuyến, anh cần khai báo các đơn có sẵn như nội dung đăng ký, loại hình doanh nghiệp, danh sách thành viên, điều lệ…
Anh Đình Khôi chia sẻ, nhờ có hình thức đăng ký doanh nghiệp trực tuyến mà anh tiết kiệm được nhiều thời gian và có thể nắm tình hình hồ sơ vì phía Sở sau khi nhận được hồ sơ sẽ kiểm duyệt và gửi e-mail thông báo tình hình duyệt hồ sơ. Ngoài ra, những thủ tục này thường dễ sai sót trong quá trình điền đơn, dẫn đến phải in lại giấy tờ gây lãng phí tài nguyên. Ngược lại, khi đăng ký trực tuyến, người dân dễ dàng sửa lại trên mẫu đơn mà không lo in lại giấy. Bên cạnh đó, đặc thù của việc đăng ký doanh nghiệp là dễ bị trùng tên với doanh nghiệp khác khi đăng ký. Khi đăng ký online, nếu phát hiện có trùng tên, người dân sẽ được thông báo qua e-mail để kịp thời sửa lại tên doanh nghiệp nên thuận tiện hơn.
Có trải nghiệm tương tự, anh Nguyễn Thế Lợi, nhân viên ngân hàng TMCP VPBank, chi nhánh quận 1, chia sẻ anh thường xuyên làm thủ tục giấy tờ thế chấp đất đai nên đã trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến ở nhiều quận, huyện tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác.
Anh Thế Lợi cho biết thường lấy mã số thứ tự giao dịch trước tại một ứng dụng của cơ quan hành chính huyện Hóc Môn rồi mới đến trực tiếp cơ quan hành chính để tiết kiệm thời gian. Ứng dụng này có thủ tục đăng nhập đơn giản, chỉ cần cung cấp số điện thoại cùng mã được gửi về điện thoại. Và anh Thế Lợi cho biết đặc biệt ấn tượng với cổng thông tin giao dịch hành chính tỉnh Tây Ninh.
Cổng thông tin này được thiết kế như một tài khoản trên mạng xã hội Zalo, người dân chỉ cần nhập mã biên nhận hồ sơ đăng ký để kiểm tra tình hình hồ sơ, điều này giúp người dân không cần cài đặt thêm bất cứ ứng dụng nào mà vẫn truy vấn thông tin hồ sơ một cách dễ dàng, nhanh chóng. Toàn bộ quá trình này đều có thể làm trực tuyến, người dân chỉ cần đến trực tiếp để cung cấp chữ ký hoặc sửa chữa khi có sai sót.
Còn chưa được đồng bộ
Tuy vậy, không phải thông tin nào được truy vấn thông qua các dịch vụ công trực tuyến cũng chính xác. Anh Thế Lợi cho biết, ứng dụng của huyện Hóc Môn nhiều lần thông báo sai về tình hình hồ sơ, chẳng hạn, thông tin từ ứng dụng cho biết hồ sơ đã sẵn sàng nhưng khi đến nơi lấy thì được thông báo hồ sơ chưa hoàn thành và ngược lại. Đối với các giao dịch tại quận Tân Bình, việc thực hiện trực tuyến còn nhiều khó khăn, anh Thế Lợi cho biết thêm.
Tương tự, anh Lê Đình Tỉnh, một nhân viên môi giới bất động sản ở quận 1, có kinh nghiệm giao dịch tại nhiều cơ quan công quyền trên địa bàn TPHCM, nhận định dịch vụ công trực tuyến tại các quận, như quận (số) 1, 2, 3, 12… được triển khai khá hơn so với các quận (chữ) như các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp. Như vậy, đang có sự thiếu đồng bộ trong công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến khiến cho trải nghiệm của người dân không đồng nhất tại từng quận.
Anh Thế Lợi nhận định, trong tương lai, việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu dùng chung của thành phố sẽ giúp cải tiến hơn nữa chất lượng dịch vụ công. Chẳng hạn, lưu trữ thông tin cơ bản của người dân như tên, địa chỉ, nghề nghiệp để tự động điền vào hồ sơ mỗi khi người dân đến giao dịch để tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, hệ thống công nghệ và nguồn nhân lực tại cơ quan công quyền cần được cải thiện để có một quy trình phối hợp chặt chẽ giữa công nghệ và con người, giúp thông tin “ăn khớp” cả trên hệ thống trực tuyến và tại cơ quan công quyền.
Cơ quan hành chính được cải cách hiện đại
Bên cạnh các dịch vụ công trực tuyến, từ nhiều năm nay, các cơ quan hành chính tại TPHCM cũng đã được cải cách hiện đại, mang đến chất lượng dịch vụ cho người dân. Chẳng hạn, các cơ quan này đều có không gian sạch sẽ, thoáng mát, phủ sóng Wi-Fi và màn hình LCD cung cấp thông tin, bộ phận một cửa tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhanh chóng cùng một thang đánh giá chất lượng dịch vụ với các tiêu chí thái độ phục vụ, thời gian trả hồ sơ.
Hạnh Tâm