Thái Hà -
Kể cả chết thì cũng tốn tiền, nhưng lâu nay chẳng mấy người xem dịch vụ tang lễ như một ngành kinh doanh. Thế nhưng, dịch vụ này bắt đầu được giới công nghệ chú ý đến, chẳng gì thì ở Mỹ nó cũng là ngành có doanh số hàng năm 18 tỉ đô la, theo tờ The New York Times.
Eliam Medina và Rob Dyson, hai thành viên sáng lập Công ty Willing.
Dân công nghệ quen thói dòm ngó, ở đâu có vấn đề là ở đó cơ hội làm ăn. Họ xông vào hết các ngành, giờ đến ngành này. Dan Isard, Chủ tịch Công ty Quản lý tài chính Foresight chuyên làm việc với các công ty tang lễ nói: “Các vị giám đốc công ty tang lễ thích ngồi nói chuyện với khách hàng hơn là làm mọi thứ trên mạng Internet. Đó là lý do ngành này thiếu sự minh bạch về giá cả”. Mỗi năm ở Mỹ có gần 2,6 triệu người qua đời, nhiều startup công nghệ đang hy vọng được chia phần trong ngành này.
Lớp người tiêu dùng mạnh nhất hiện tại là thế hệ Generation Y (sinh từ năm 1982 đến 2004). Họ lớn lên với Internet, họ cảm thấy thoải mái với mua sắm trực tuyến, các sự kiện như hôn lễ, mừng con ra đời… Họ cũng lên mạng để tìm kiếm cho họ dịch vụ hoàn hảo, không lẽ tang lễ các vị cây cao bóng cả trong nhà lại không.
Michelle La Berge bước sang tuổi 50, mới đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão sống cho vui, bắt đầu suy nghĩ đến chuyện hậu sự của ông bà. Chi phí tư vấn trả cho luật sư để thực hiện việc “hoạch định di sản” hay nôm na là lập di chúc rất đắt. Bà La Berge cứ lưỡng lự việc này cho đến khi biết được một công ty khởi nghiệp nhỏ có tên Willing cung cấp dịch vụ hoạch định tài sản trực tuyến, có thể cập nhật bất kỳ lúc nào, và bà quyết định thử nó. Với 30 đô la Mỹ phí dịch vụ, bà La Berge thấy việc lập các kế hoạch này dễ dàng, chẳng khác quy trình mà các văn phòng luật sư vẫn làm.
Những người sáng lập Willing là Eliam Medina và Rob Dyson muốn tạo ra một nền tảng cho phép người dùng tự hoạch định di sản của mình như di chúc, ý nguyện, người thụ hưởng, cách được chăm sóc sức khỏe cho đến khi qua đời. “Bộ phần mềm Turbo Tax giúp người ta hoạch định các kế hoạch về thuế. Dựa trên ý tưởng đó, chúng tôi muốn làm thứ tương tự với việc hoạch định di sản”, ông Medina, Tổng giám đốc Willing cho biết.
Phiên bản Willing đầu tiên được giới thiệu vào tháng 1-2015, khách hàng được mời đến để thử dịch vụ miễn phí và hơn 500 bản di chúc được lập trên nền tảng này. Giữa năm ngoái, Willing đã vươn đến cả 50 bang nước Mỹ, gọi vốn được 7 triệu đô la Mỹ. Ông Medina cho biết, hiện thời mỗi tháng có 25.000 bản di chúc được lập trên Willing.
Năm ngoái, Công ty Parting được thành lập ở Los Angeles, cho phép người dùng so sánh giá cả và chất lượng dịch vụ của các công ty tang lễ trên cả nước. Mới đầu, người của Parting tự đi thu nhặt thông tin từ các công ty, sau này tự các ông giám đốc công ty mang thông tin đến cho Parting. Vì các công ty tang lễ biết thói quen khách hàng giờ đã khác nhiều, thay vì lái xe đến từng nơi để hỏi, khách hàng lên mạng. Không có thông tin cụ thể về giá cả và dịch vụ trên mạng, đừng hòng có khách. Giờ cơ sở dữ liệu của Parting có hơn 15.000 công ty tang lễ.
Theo người sáng lập Tyler Yamasaki, số người vào tìm kiếm trên Parting tăng đều 27% mỗi tháng. Các công ty tang lễ được miễn phí đăng trên Parting, nếu họ mua những gói cao cấp, tên của họ sẽ được xuất hiện nhiều trên đầu trang, cách làm ăn phổ biến của các trang mạng vận hành theo kiểu “listing” (tạo danh mục). Nếu công ty tang lễ lấy được khách qua Parting thì Parting sẽ thu 12% đến 15% phí ghi trên hóa đơn thanh toán.
Tang gia luôn bối rối, có nhiều thứ tang quyến không thực hiện được một cách hoàn hảo. Grace ra đời để giúp giải quyết vấn đề này, họ đưa ra danh sách các việc cần làm trước và sau tang lễ, họ cung cấp cho tang quyến nhiều dịch vụ: luật sư, kế hoạch tài chính, công ty tổ chức tang lễ… Các bước được làm tuần tự, nhịp nhàng, đảm bảo ai cũng hài lòng khi tiễn thân nhân về bên kia thế giới.
Alex Kruger, Tổng giám đốc của Grace, cho biết công ty còn nhận được nhiều yêu cầu bất thường, từ việc chuyển di hài về Romania đến việc đóng tài khoản cá nhân của người chết trên trang Tinder (một trang tìm bạn hẹn hò). Grace lập vào tháng 6 năm nay, mới chỉ vận hành ở vùng phía nam bang California nhưng rất tài tình khi gọi được 2 triệu đô la Mỹ tiền vốn, các giao dịch tăng đều 20% mỗi tháng.
Cái chết có thể là thứ không quá sợ hãi với nhiều người, nhưng họ muốn tiến đến nó trong sự bình thản, chủ động, để lại di sản đẹp về sau. Cake thành lập ở thành phố Boston năm 2015 để giúp người ta làm việc đó. Khi đăng ký vào Cake, họ sẽ hỏi khách hàng nhiều câu hỏi để lập một hồ sơ xem họ muốn được chăm sóc sức khỏe thế nào, kế hoạch tài chính ra sao, còn ước nguyện đi đâu hay làm gì nữa không, muốn tổ chức tang lễ ra sao, muốn di sản để lại gồm có gì… Những câu hỏi đại loại như “có muốn giữ lại tài khoản Facebook sau khi chết không?” hay “có muốn thở máy khi nằm viện không?” Từ đây, các chuyên viên tư vấn của Cake sẽ giúp thân chủ đạt được các ý nguyện của họ. Đổi lại Cake thu phí tư vấn hàng tháng. Theo Suelin Chen, người sáng lập Cake, công ty này sắp kết thúc vòng đàm phán gọi vốn đầu tiên.