Thứ hai, Tháng Một 27, 2025

Đi xa là để trở về

Đức Tâm -

Cuối năm 2016, hãng tin Bloomberg có bài viết kể về sự quay về của những Việt kiều. Họ quay về và tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp, mỗi người một vai trò khác nhau nhưng tựu trung cùng chung tay đóng góp xây dựng đất nước.

Sáu mươi vẫn khởi nghiệp

Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của ông Dang Tran Van, tên trên mạng xã hội Facebook của anh là Trần Đằng Vân. Ông rời Việt nam cách đây 40 năm. Sau một thời gian, ông Vân quay về Việt Nam và gắn bó với cộng đồng khởi nghiệp tại đây với dự án Butterfly Hub. Ngoài ra, ông cùng một số cựu sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đồng sáng lập chương trình đào tạo khởi nghiệp MITFive.

Thật ra, không chỉ bài viết của Bloomberg và không chỉ có chuyện của ông Vân, trước đó đã có rất nhiều Việt kiều về nước lập nghiệp. Với họ, quê hương là nơi để quay về và cống hiến. Tại ngày hội Việt kiều gần đây, người ta thấy rất nhiều gương mặt Việt kiều được báo chí đề cập đến, ví như ông Peter Hồng, Việt kiều Úc hiện là CEO ngân hàng; ông Nam Phạm, Chủ tịch Tập đoàn Thời trang New World Fashion tại Anh.

Nổi bật trong số những Việt kiều này, gần đây có thể kể đến ông Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada. Ông Mỹ định cư ở Montreal, Canada từ năm 1979. Năm 2004, ông quay về Trà Vinh bắt tay xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan với số vốn gần 250.000 đô la Mỹ. Sau 12 năm hoạt động, Tập đoàn Mỹ Lan bắt đầu có tiếng tăm ở Việt Nam và quốc tế với bản in offset CTP, mực và máy in phun công nghiệp xuất khẩu và có bản quyền sáng chế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện công ty được định giá gần 100 triệu đô la Mỹ và thường được dân trong ngành ví von như một “Google ở Trà Vinh”.

Không dừng lại ở đó, năm 2015, ở tuổi 60, ông Mỹ tiếp tục khởi nghiệp với dự án khác mang tên Rynan AgriFoods hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực hoàn toàn khác so với những gì ông làm trước đó. Lý do như ông chia sẻ, là mong muốn dành quãng thời gian còn lại để góp phần xây dựng một nền nông nghiệp thông minh cho quê nhà.

Những bàn tay trẻ

lemaiitungLê Mai Tùng bên chiếc xe dùng ứng dụng của mình.  Ảnh: Đông Phương

Nếu như ông Nguyễn Thanh Mỹ, Peter Hồng, Trần Đằng Vân hay như ông Nam Phạm có thể xem như thế hệ thứ nhất thì thế hệ Việt kiều thứ hai cũng ghi nhận nhiều sự trở về. Và trong thế hệ thứ hai này, Bloomberg chỉ ra rất nhiều nhân vật đang hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Edward Thái, Việt kiều Mỹ, một trong những người có tiếng nói quyết định thuyết phục “500 startups” – một quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Mỹ đặt chân chính thức vào thị trường Việt Nam.

Anh Thái được sinh ra ở Florida, tốt nghiệp cử nhân Đại học Harvard, và thạc sĩ ngành Doanh nghiệp và Tài chính tại Đại học Yale. Anh từng làm việc tại Tập đoàn Tư vấn Dean & Company tại Mỹ. Sau đó, năm 2011, về Việt Nam thực tập tại VinaCapital. Kế đến, anh làm Giám đốc Chiến lược cho Megastar (2012-2014).

Mặc dù vị trí giám đốc chiến lược khá hấp dẫn nhưng với mong ước xây dựng cộng đồng khởi nghiệp và đưa các dự án khởi nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, Thái đã chọn một công việc mới thách thức hơn nhưng cũng thú vị hơn. Và ngày nay, khi nói đến Edward Thái, người ta biết anh ở ở vị trí đối tác đầu tư tại “500 startups”.

Bên cạnh Edward Thái, có lẽ cũng cần phải kể đến chàng trai 9X Hảo Trần. Hảo hiện là cây bút chính của Blog Vietcetera (Vietcetera.com). Mục đích của Hảo khi lập blog là nhằm giới thiệu Việt Nam đến với thế giới. Thật ra thông tin về Việt Nam không thiếu, nhưng trong mắt Hảo, những thông tin đó không hấp dẫn và không thể hiện hết những nét mới và thú vị của cuộc sống Việt Nam hiện tại. Vậy là anh quyết định viết blog để đưa nét đẹp Việt Nam đến với thế giới qua lăng kính của anh, một người mang dòng máu Việt nhưng lớn lên trong bầu văn hóa Mỹ.

Quyết làm cho được

Ngoài nguồn lực Việt kiều, bức tranh khởi nghiệp Việt Nam còn đón nhận thêm những mảnh ghép đa sắc màu đến từ sự trở về của nguồn lực du học sinh. Người viết xin kể qua câu chuyện của Lê Mai Tùng, tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Úc. Anh quay về Việt Nam với giấc mơ chung tay giải bài toán giao thông, giúp giảm kẹt xe và di chuyển hiệu quả hơn.

Trong góc nhìn của Tùng, vấn đề giao thông xuất phát từ hai yếu tố, một là quy hoạch, hai là việc sử dụng nguồn lực phương tiện giao thông. Chuyện quy hoạch thuộc tầm vĩ mô, nằm ngoài khả năng. Anh chọn giải bài toán giao thông sao cho hiệu quả hơn. Đến tháng 10-2015, PinBike – một ứng dụng đi chung dành cho xe máy đã ra đời sau ba tháng chuẩn bị, thu hút được nhiều sự chú ý, đặc biệt trong giới sinh viên. Ở dự án này, có thể hiểu là một người có nhu cầu đi từ A đến B trong khoảng thời gian nhất định. Người khác cũng cũng có nhu cầu như vậy. Thay vì mỗi người chạy một xe riêng, hai người có thể đi chung. Lợi ích mang lại là giảm lượng xe lưu thông trên đường, tiết kiệm chi phí nguyên liệu và xa hơn là bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Dự án gặp vài điểm không thuận lợi, Tùng chuyển sang một dự án mới, mang tên ShareCar, cũng là đi chung nhưng dành cho xe hơi. Điểm khác biệt của ShareCar là tập trung vào những thị trường rất nhỏ, với nhu cầu rõ ràng và dễ kiểm soát. Tuyến đường đầu tiên anh khai thác là thị trường đưa đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Biên Hòa (Đồng Nai) và ngược lại. Kế đến, Sharecar mở rộng thêm một số tuyến khác như TPHCM-Bình Dương, Hà Nội và các vùng phụ cận và về lâu dài sẽ kết nối những đoạn đường dài liên tỉnh.

Không dừng lại ở đó, Tùng còn lập thêm một dự án mới, giúp kết nối doanh nghiệp thực hiện quảng cáo trên xe ô tô cá nhân, tương tự như hình thức quảng cáo thường thấy trên các xe taxi. Điểm khác biệt của dự án mà Tùng lập là yếu tố công nghệ. Nhờ tích hợp yếu tố công nghệ, với dịch vụ mà anh cung cấp, khách hàng biết được những chiếc xe mình đặt quảng cáo đang chạy những tuyến đường nào và chạy bao xa.

Trong quá trình theo đuổi dự án quảng cáo trên ô tô, đội ngũ của Tùng đưa vào ứng dụng công nghệ bắt sóng Wi-Fi để xác định các thiết điện tử xung quanh. Ở ứng dụng này, thay vì đếm có bao nhiêu người xung quanh chiếc xe trong bán kính 100 m, Tùng lắp một bộ thiết bị bắt sóng Wi-Fi để xác định xem có bao nhiêu điện thoại thông minh trong bán kính đặt ra. Một cách rất tương đối, mỗi chiếc điện thoại sẽ ứng với một người. Như vậy, thay vì đếm người, chúng ta đếm thiết bị di động để ước đoán có bao nhiêu người có khả năng nhìn thấy biển quảng cáo trên xe.

Cái hay của giải pháp trên là có thể mở rộng áp dụng trong việc hỗ trợ giúp quy hoạch thành phố. Chỉ cần đặt thiết bị ở các nút giao thông, ta có thể đo được lưu lượng xe giao thông ở các tuyến đường. Nhờ đo được lưu lượng, ta sẽ có các số liệu cụ thể để thực hiện điều chỉnh, quy hoạch giao thông. Về điểm này, Tùng cho biết sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng nếu được yêu cầu.

Những câu chuyện tương tự như anh Tùng trong cộng đồng khởi nghiệp rất nhiều. Họ, những du học sinh, mỗi người mang một giấc mơ riêng nhưng đều muốn đóng góp cho cộng đồng. Họ dấn thân để tạo sự thay đổi chứ không chỉ đứng ngoài cuộc than phiền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Các chợ truyền thống tại TPHCM tấp nập người đến mua...

0
(SGTT) - Sáng nay (27-1), tức ngày 28 Tết, nhiều người dân ở TPHCM đến các chợ truyền thông để mua thực phẩm, lương...

Băng tuyết phủ trắng xóa đỉnh Fansipan

0
(SGTT) – Sáng 27-1, do ảnh hưởng của không khí lạnh khiến nhiệt độ giảm sâu, băng tuyết đã bao phủ trắng xóa đỉnh...

Khám phá mâm cỗ tết ba miền từ thịt gà, thịt...

0
(SGTT) - Chọn những nguyên liệu gần gũi trong bữa cơm gia đình, các đầu bếp thân hữu Sài Gòn Tiếp Thị đã ứng...

Du xuân bằng metro: Chơi gì quanh ga Phước Long, Bình...

0
(SGTT) - Tiếp nối chuỗi bài viết Du xuân bằng metro, Sài Gòn Tiếp Thị mời quý bạn đọc cùng tham khảo một vài...

Bí quyết giữ cân trong mùa Tết Ất Tỵ 2025

0
(SGTT) - Tết là thời điểm của những bữa ăn linh đình, bánh chưng, bánh tét và vô số món ăn ngon khó cưỡng....

Ghé thăm làng Tranh Khúc – ‘thủ phủ’ bánh chưng Hà...

0
(SGTT) - Tết Nguyên đán đến gần, “thủ phủ” bánh chưng Hà Nội - làng nghề bánh chưng Tranh Khúc ở xã Duyên Hà,...

Kết nối