Bạc Liêu, vùng đất nổi danh có chàng công tử “đốt tiền nấu trứng” (Lời bài hát: Bạc Liêu Hoài Cổ) đã quy tụ hàng loạt di sản văn hóa phi vật thể trên khắp mọi miền đất nước đã được Unesco vinh danh nhân sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019.
Phát biểu khai mạc sự kiện Tuần Văn hóa- Du lịch Bạc Liêu 2019 được tổ chức vào tối 20-11, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, sự kiện lần đầu tiên được tổ chức gắn với kỷ niệm 100 năm ra đời Bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; 100 năm hình thành kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu.
Theo ông Trung, trong suốt sự kiện, từ ngày 19 đến 22-11-2019, diễn ra 15 hoạt động với sự góp mặt của gần 1.000 nghệ sĩ, nghệ nhân và diễn viên đến từ 19 tỉnh, thành trên cả nước.
Thông qua các hoạt động của Tuần Văn hóa- Du lịch, theo ông Trung, Bạc Liêu muốn giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của địa phương đến với bạn bè trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch.
“Đồng thời, đây còn là cơ hội để tỉnh Bạc Liêu kết nối với các tỉnh, thành tổ chức ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế- xã hội các địa phương trong thời gian tới”, ông cho biết.
Theo ông Trung, điểm nổi bật của sự kiện lần là sự quy tụ của nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên mọi miền đất nước đã được Unesco vinh danh về với địa phương, gồm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến từ tỉnh Đắk Lắk; Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ đến từ tỉnh Quảng Nam; Dân ca Quan họ đến từ tỉnh Bắc Ninh; Hát Xoan đến từ tỉnh Phú Thọ; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến từ tỉnh Nam Định.
Theo ông Trung, tất cả những di sản văn hóa phi vật thể nêu trên sẽ “hòa điệu” cùng với đờn ca tài tử của Nam bộ, giúp Bạc Liêu lần đầu tiên trở thành nơi tụ hội của các miền di sản trên cả nước.
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Việt Nam có khoảng 20 di sản văn hóa phi vật thể đã được Unesco công nhận. "Điều này, góp phần rất quan trọng trong phát triển du lịch của việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng", ông Tùng cho biết.
Một điểm nổi bật khác của sự kiện, theo ông Trung, là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch. Trong đó, vừa tôn vinh giá trị bản Dạ cổ hoài lang do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây đúng 100 năm, vừa bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.
“Đồng thời, chuỗi sự kiện cũng kết hợp quảng bá cho du lịch Bạc Liêu thông qua hình ảnh của chàng Công tử Bạc Liêu hào hoa, phóng khoáng, đậm chất nghĩa tình Nam bộ, gắn với hình ảnh ngôi “nhà lớn” của Đại điền chủ Trần Trinh Trạch cũng được hình thành cách đây 100 năm, đã từng nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh”, ông cho biết.
Trung Chánh
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)