Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đi chợ tìm mua sự tử tế

Nhật Linh -   

Gõ cụm từ “mua thực phẩm sạch ở đâu, TPHCM” trên công cụ tìm kiếm Google, những kết quả trong trang đầu tiên là phiên chợ sạch, phiên chợ xanh tử tế, chợ phiên thực phẩm sạch... Một phép thử đơn giản, và cũng không hẳn sẽ chính xác, nhưng có lẽ phần nào cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng ở TPHCM đối với những phiên chợ này, nơi mà họ nghĩ rằng có thể tìm mua được thực phẩm an toàn.

31

Khi nỗi lo về thực phẩm bẩn ngày càng tăng thì người Sài Gòn ngày càng có nhu cầu tìm những nơi mua thực phẩm mà họ cảm thấy yên tâm. Nhu cầu đó dẫn đến sự xuất hiện những phiên chợ với cam kết của người bán là thực phẩm sạch, nông sản an toàn. Tính tới nay, Sài Gòn đã có khoảng 10 chợ phiên như thế.

 

Chợ nhóm họp vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật hay cả thứ Sáu hàng tuần. Thời gian họp chợ thì vô chừng, có khi trong hai ngày, có khi một ngày, và có khi chỉ nửa buổi sáng do hàng hóa không còn để bán. Điểm chung dễ thấy ở những buổi chợ phiên đó là mặt hàng nông sản, thực phẩm được bày bán tương đối đa dạng, gồm rau, củ, quả, trái cây, mắm muối, nước tương, gạo, trứng, các loại khô cá… nhưng số lượng không quá nhiều. Thậm chí, mỗi gian hàng có khi chỉ khoảng vài ký gạo lức, mấy bó rau, vài bịch cá sông, hai ba chục trứng gà, vài lít nước mắm, hay vài xâu nấm hương, vài lít mật ong rừng...

 

Sở dĩ vậy là bởi các sản phẩm được bày bán ở chợ phiên phần lớn được trồng, nuôi từ vườn nhà hay khai thác từ núi rừng với số lượng ít ỏi, được những người chủ gian hàng mang tới chia sẻ cùng mọi người chứ không phải họ nuôi trồng với diện tích lớn, sản lượng lớn. Và vì là sản phẩm từ vườn nhà, ao nhà, bản thân người bán, người trồng cũng ăn nên họ tự tin khẳng định với người mua đó là sản phẩm sạch, an toàn, không hóa chất, thuốc trừ sâu.

 

Những buổi chợ phiên nông sản ấy hàng tuần, hàng tháng đều đặn diễn ra ở các không gian lớn nhỏ khác nhau cho thấy sự thay đổi, vận động của cuộc sống. Ấy là nỗi lo về thực phẩm bẩn bủa vây khiến người tiêu dùng tìm đến những phiên chợ mà họ tin tưởng là cung cấp thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Ấy là những điểm nhấn tạo nên sự phong phú trong sinh hoạt chợ búa – tức chợ phiên ở chốn đô thị, hình thức mà trước nay hầu như chỉ tồn tại ở những vùng quê, những vùng núi xa xôi, chủ yếu phía Bắc.

 

Ấy cũng là tín hiệu tốt về một mô hình kinh doanh cần nhân rộng và lan tỏa. Nói vậy bởi với sự hình thành và phát triển của mô hình này, không chỉ nhà sản xuất hiểu rằng thực phẩm an toàn đang mở ra cho họ cơ hội làm ăn khi nhu cầu thị trường rất lớn, mà đồng thời chính người tiêu dùng cũng ý thức được sự cần thiết của nguồn thực phẩm sạch giữa muôn trùng bủa vây của thực phẩm bẩn.

 

Trong những buổi họp chợ của các chợ phiên như thế, người mua cũng vẫn hay có những phân vân: “Điều gì ở sản phẩm của chị chứng minh cho tôi, khiến tôi tin đó là thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ?”. Đáp lại, người bán cố gắng giải thích cặn kẽ về quy trình nuôi trồng, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, không phun thuốc diệt cỏ dại hay chất kích thích; hoặc đây là sản phẩm cây nhà lá vườn, trồng ăn không hết nên mang bán...

 

Thật khó để yêu cầu một sự định lượng bao nhiêu phần trăm trong lời giải thích đó là chính xác, nhưng có lẽ cái hồn cốt làm nên những phiên chợ ấy nằm ở chỗ sự trung thực, là sự thật thà, ngay ngắn ở người bán và niềm tin ở người mua.

 

Bà Vũ Kim Anh, người đưa ra ý tưởng thực hiện “Phiên chợ xanh tử tế” – một trong những phiên chợ đang đề cập – cho biết chuyện người mua chất vấn người bán, rồi người bán giải thích có khi 30-40 phút về nguồn gốc hàng hóa, quy trình sản xuất… là chuyện thường xuyên và bình thường. Ở những phiên chợ như thế này, mọi người mua bán với nhau không chỉ dựa trên tờ giấy chứng nhận an toàn, mà phần nhiều bằng niềm tin vào sự tử tế, niềm tin vào cái tâm của người trồng, người bán.

 

Mặt khác, để kết nối niềm tin, sự tử tế, thì người tổ chức phiên chợ cũng cần xây dựng một “hàng rào” trước khi cho sản phẩm vào chợ; phải đi khảo sát từng nhà vườn, không chỉ kiểm tra khâu sản xuất, sản phẩm mà còn tìm hiểu về sự hiểu biết và cái tâm của người trồng.

 

Chị Hoàng Anh, một khách hàng thường xuyên của các phiên chợ nông sản an toàn, cho rằng người tiêu dùng cần sự tử tế, lương tâm ấy còn hơn cần một tấm giấy chứng nhận. Và dường như, những phiên chợ như thế không chỉ bán mua thực phẩm, mà họ còn mua và trao gửi niềm tin, kỳ vọng vào sự tử tế của người bán, khi mà họ đang bất an trong sự bủa vây của thực phẩm bẩn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vinh danh những nhà tiếp thị xuất sắc giúp nâng tầm...

0
(SGTT) - Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 tôn vinh các nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia marketing, nhà quản trị chiến...

Mới lạ bánh cuốn Cao Bằng, dùng nước hầm xương thay...

0
(SGTT) - Dù chỉ mới mở bán thời gian gần đây nhưng quán ăn Thủy ở quận 7 lại thu hút sự quan tâm...

Phát động cuộc thi thiết kế áo bà ba lần đầu...

0
(SGTT) - Nhằm lan toả nét đẹp văn hoá trong trang phục áo bà ba của dân tộc đến với thế hệ trẻ, dự...

Chỉ 10% người tiêu dùng thực hiện tuyên bố của họ...

0
(SGTT) - Có 72% người tiêu dùng Việt được khảo sát nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường,...

Huế công bố 54 sản phẩm du lịch ấn tượng năm...

0
(SGTT) - Sau 4 tháng triển khai, chương trình bình chọn "Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế" năm 2024 đã tìm...

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế...

0
(SGTT) - Sáng nay (22-11), giá vàng trong nước tiếp tục tăng giá, trong khi đó giá vàng thế giới chạm mức cao nhất...

Kết nối