(SGTTO) -  Con tàu cao tốc băng băng lướt trên mặt biển xanh ngập nắng vàng. Làn sóng trắng bạc từ đuôi tàu lan rộng tạo nên vệt chữ V trắng xóa, điểm xuyết cho trời biển phía nam Phú Quốc thêm nét nên thơ. Đến đây, tôi được thỏa trí tò mò về tên gọi các hòn và đảo.

Phân biệt đảo và hòn

“Tháng ba cơm gói ra hòn

Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai”

(Ca dao)

Hai câu ca dao trên tổng kết đặc điểm vùng biển Tây Nam có rất nhiều nhạn biển, và hang Mai để chỉ hang Khỉ vì khi xưa người vùng này gọi khỉ là mai. Trả lời thắc mắc của nhóm lữ khách nhiều chuyện, Duy - chàng trai mê biển đã sáng lập dự án Sea World với hành trình đi bộ đáy biển ngắm san hô - chia sẻ: “Hôm nay, nhóm sẽ dạo chơi tứ hòn bao gồm hòn Mây Rút trong, hòn Mây Rút ngoài, hòn Dăm Ngang và hòn Móng Tay. Kế tiếp nhóm sẽ trải nghiệm hành trình đi bộ đáy biển ngắm san hô trong tầm 12 phút”. Lời Duy nói chưa dứt, mọi người đã vỗ tay rần rần tán thưởng.

Vùng biển Phú Quốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Thuỷ

Ngắm cảnh biển Phú Quốc trong nắng hè với những sắc màu lấp loáng, từ xanh nhạt, xanh lơ rồi chuyển sang xanh lục, xanh dương cho đến mờ tràn sắc xanh tím, tôi hỏi Phương - cậu hướng dẫn viên có thâm niên gắn bó với đảo ngọc: “Tại sao gọi là hòn mà không gọi là đảo?”.

Mỉm cười, Phương nói rằng theo phương ngữ của cư dân vùng biển phía Nam, danh từ đảo chỉ dùng cho hai đảo chính là Phú Quốc và Côn Lôn - ngày nay ta quen gọi là Côn Đảo.

Để phân biện đảo và hòn, Phương cho biết ngoài những quy ước quốc tế hơi khó nhớ thì theo dân gian Nam bộ, họ có suy luận đơn giản để phân biệt đảo và hòn. Đảo to rộng và lớn hơn hòn rất nhiều, đảo hội tụ đầy đủ sông rạch, hồ núi, thung lũng và cả đất liền, có thể trồng trọt cày cấy.

Ngược lại, hòn nhỏ hơn đảo, đôi chỗ không có đất bằng, còn nước ngọt thì không phải hòn nào cũng có. Nôm na là hòn không hội đủ các yếu tố như đảo. Tuy nhiên theo thống kê, vùng biển Việt Nam tại khu vực vịnh Thái Lan có hơn một nửa số lượng hòn có cư dân sinh sống. Điều này minh chứng, sự trù phú của thiên nhiên trao tặng cho ngư dân vùng biển Tây Nam xem ra rất hào phóng.

Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc là lớn nhất với diện tích khoảng 567 km2. Ảnh: Dương Thuỷ

Vì nếu bạn có dịp ra Hạ Long, cảnh vật tuy hùng vĩ nhưng rất khó có hòn và đảo làm điểm lưu trú cho con người bởi các hòn chủ yếu là đá, không có nước ngọt. Chưa kể vách đá của các hòn đều dựng đứng, người bình thường không thể leo trèo khám phá nổi.

Dạo chơi trên vùng biển Tây Nam, nhờ sự tư vấn của Duy và Phương, chúng tôi đã có dịp nhận diện các hòn khá dễ dàng. Thoạt nhìn chúng giống như các ngọn núi nhỏ nhô lên mặt nước. Nhìn xa ta có cảm tưởng các hòn giống như một đại cảnh non bộ khổng lồ, yên vị trong nắng vàng, mây trắng cùng mặt biển xanh trong.

Niềm tin vào “mộc thần” cổ thụ

Càng xa bờ, biển dần chuyển sắc xanh từ nhạt qua đậm trông thật thích mắt. Chấp chới trên đầu chúng tôi là những cánh nhạn bay lượn trong khung trời đầy gió. Nhìn những cánh chim ngược gió để xuyên vào không trung bao la, tôi chợt nhận ra sự kiên cường của những chú chim bé nhỏ này thật đáng để ta suy ngẫm về nghị lực cuộc sống.

Vùng biển này còn có nhiều hòn mang tên là lạ như hòn Nghệ, hòn Củ Tron, hòn Dừa, hòn Mến, hòn Heo, hòn Rỏi, hòn Thơm… Ảnh: Dương Thuỷ

Chợt nhớ ra, lúc lênh đênh trên con tàu Sea Bus từ Rạch Giá đến Phú Quốc, để giúp tôi hiểu rõ thêm về hòn, Phương chỉ cho tôi bóng dáng của hòn Sơn (hay còn gọi là hòn Sơn Rái, thuộc huyện Kiên Hải) ẩn hiện xa xa. Cận kề gần đó là hòn Che hay còn gọi là hòn Rùa vì nhìn xa giống hệt như chú rùa bơi trên biển.

Ngoài ra, vùng biển này còn có nhiều hòn mang tên là lạ như hòn Nghệ, hòn Củ Tron, hòn Dừa, hòn Mến, hòn Heo, hòn Rỏi, hòn Thơm… Nghe nói, các hòn đều có những đặc điểm riêng khiến du khách có những trải nghiệm khó quên.

Nếu tinh ý hơn, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy có nhiều hòn nổi lên nước với những hình dáng khác nhau, lạ lùng nhất là hòn Cây, hòn Ngựa… Hai hòn này không có người ở vì chỉ rặt đá, đất và không có nước ngọt. Tuy nhiên điều lạ lùng là trên hòn cây có một cây cổ thụ bám chặt rễ vào đá và yên vị ở đó hàng thế kỷ.

Các ngư dân vùng này cho rằng trong khối đá của hòn chắc chắn phải có một mạch nước ngọt để cây cổ thụ này sinh tồn. Nhưng dù có tìm cách trèo lên dò tìm, không ai biết mạch nước ở đâu cả.

Vì vậy, người đi biển tin rằng: cây cổ thụ này chính là mộc thần, chỉ đường làm dấu cho các ghe thuyền ra đảo và về đất liền được thuận tiện. Từ niềm tin tâm linh ấy, dù hòn cây không có ai ở nhưng các ngư dân vẫn thi thoảng ghé thăm và thắp hương khấn vái.

Dương Thủy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây