Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đến Hà Nội, khám phá Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) là điểm đến hấp dẫn đối với du khách yêu thích khám phá, tìm hiểu văn hóa các dân tộc trên cả nước.
Toàn cảnh Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Vương Lộc

Làng với tổng diện tích 1544ha, gồm các phân khu chức năng: khu quản lý điều hành văn phòng, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu Di sản văn hóa thế giới và trong đó Khu các làng dân tộc được coi là "trái tim" của dự án.

Làng dân tộc Gia Rai. Ảnh: Vương Lộc

Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam được xem là “ngôi nhà chung” - là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Nơi đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách yêu thích khám phá, tìm hiểu văn hóa các dân tộc trên cả nước. Ảnh: Vương Lộc

Khi đến làng, ngoài việc khám phá kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc của các dân tộc, du khách còn có cơ hội thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành và tình cảm nồng ấm của đồng bào dân tộc trên cả nước.

Một góc Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Vương Lộc

Hiện nay, tại làng có cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày như Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer... nhằm tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng; bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Khu vực làng Mường. Ảnh: Vương Lộc

Khi đến đây, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội các dân tộc; chụp ảnh, giao lưu với cộng đồng các dân tộc; thưởng thức và trải nghiệm sự phong phú của các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc như hát then, hát dân ca, múa khèn, chơi đàn Chapi, múa chu chai…

Khu vực trưng bày các sản vật vùng miền. Ảnh: Vương Lộc

Bên cạnh đó, du khách sẽ có cơ hội trai nghiệm các trò chơi dân tộc như ém còn, đi cà kheo, tó má lẹ, đi cầu khỉ…; trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực dân tộc như làm bánh, thổi xôi ngũ sắc, làm cơm lam, rang giã cà phê và tìm hiểu và trải nghiệm nghề thủ công truyền thống như dệt, đan lát, chế tác nhạc cụ, tượng điêu khắc…

Làng dân tộc Ba Na. Ảnh: Vương Lộc

Khu các làng dân tộc tổng diện tích khoảng 205ha được chia thành bốn cụm làng theo những nhóm và hệ ngôn ngữ khác nhau.

Du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội các dân tộc. Ảnh: Vương Lộc

Cụm làng I là không gian văn hóa của 28 dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, hiện có các dân tộc Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú đang sinh sống hàng ngày. Đến đây, du khách sẽ được lắng nghe làn điệu Then mượt mà, sâu lắng; hòa cùng điệu múa xòe của cô gái Thái hay tiếng khèn của chàng trai dân tộc Mông.

Khu các làng dân tộc tổng diện tích khoảng 205ha được chia thành bốn cụm làng theo những nhóm và hệ ngôn ngữ khác nhau. Ảnh: Vương Lộc

Cụm làng II là không gian văn hóa của 18 dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, với những mái nhà rông cao vút, hay những ngôi nhà dài của chế độ mẫu hệ; cùng hòa chung vào nhịp cồng chiêng và điệu múa xoang rộn ràng của các dân tộc nơi đây. Hiện có các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê đang hoạt động hàng ngày.

Nhiều hoạt động văn hóa của các dân tộc diễn ra sôi nổi tại làng. Ảnh: Vương Lộc

Cụm làng III là không gian văn hóa của bốn dân tộc Chăm, Khmer, Chu Ru và Chơ Ro. Tại đây, tái hiện hai công trình tâm linh đặc sắc là quần thể chùa Khmer và tháp Chăm. Cụm làng IV là không gian văn hóa của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Ngái và Sán Dìu.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mở cửa đón khách hằng ngày. Ảnh: Vương Lộc

Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam mở cửa đón khách hằng ngày, buổi sáng từ 8:00 đến 11:30 và buổi chiều từ 13:00 đến 16:30.

Cách di chuyển đến Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

Xuất phát từ sân bay Nội Bài: du khách đi thẳng theo trục đường Võ Nguyên Giáp qua cầu Nhật Tân, tiếp tục đi thẳng theo hướng trục đường Võ Chí Công. Tiếp theo, du khách đi chếch sang trái vào đường Láng, đi khoảng 1,6km thì rẽ phải tại vào cầu Tô Lịch/Trần Duy Hưng, đi tiếp 1,4km thì vào hầm chui Trung Hòa. Sau đó, du khách di chuyển thẳng hết đại lộ Thẳng Long, đi thêm 8km và rẽ phải sẽ đến.

Xuất phát từ các quận nội thành Hà Nội: du khách đi hết đại lộ Thăng Long, đi thêm 8km và rẽ phải sẽ đến làng hoặc di chuyển từ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đi theo đường 21 về hướng Sơn Tây đến ngã tư Lục Quân rẽ trái đi khoảng 8km sẽ đến.

Giá vé vào cổng tham quan: Người lớn: 30.000 đồng; sinh viên, học viên: 10.000 đồng; học sinh: 5.000 đồng; miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi. Giảm 50% đối với người từ đủ 60 tuổi trở lên.

Với chủ đề “Sắc màu thổ cẩm”, từ ngày 1-7 đến 31-7-2023, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trong dịp nghỉ Hè. Hoạt động có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng).

Vương Lộc 

Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dã quỳ khoe sắc tại vườn quốc gia Ba Vì

0
(SGTT) - Khoảng tháng 11 hằng năm, khi tiết trời chuyển mình sang Đông, vườn quốc gia Ba Vì lại khoác lên mình "tấm...

Cắm trại cuối tuần tại mỏ đá cũ ở ngoại thành...

0
(SGTT) - Nằm tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, khu vực mỏ đá Bình Minh đang trở thành điểm...

Bắc Bộ Phủ lần đầu mở cửa đón du khách

0
(SGTT) - Nhà khách Chính phủ hay còn gọi là Bắc Bộ Phủ sẽ mở cửa đón khách tham quan trong Lễ hội Thiết...

Một ngày ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt...

0
(SGTT) - Từ ngày 1-11-2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan và miễn phí...

Rổ rế bên đường

0
(SGTT) - Ở vùng sông nước, cứ đầu con kênh hoặc đầu con rạch là có tiệm tạp hóa hay quán nước. Có khi...

Tìm về những cổng chùa Khmer độc đáo ở Tri Tôn

0
(SGTT) - Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, sở hữu nhiều ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo. Theo đó, mỗi cổng chùa...

Kết nối