Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Đề xuất 2 phương án trợ cấp cho đội ngũ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ Nội vụ đang dự thảo tờ trình nghị định thay thế các nghị định trước đây của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, đảm bảo hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế ngay.

Bộ Nội vụ cho rằng cần đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan, tránh tinh giản biên chế sai đối tượng – Ảnh: Baochinhphu.vn

Theo Baochinhphu.vn, thời gian qua khi sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung ở số cán bộ, viên chức thiếu năng lực, kém phẩm chất bị kỷ luật, uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ và được khuyến khích tự nguyện xin từ chức, nghỉ công tác.

Tuy nhiên hiện nay, số cán bộ có năng lực song chán nản, không dám làm vì lo ngại xảy ra sai phạm, tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác cũng tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở đã và vẫn tồn tại tình trạng nhiều cán bộ thiếu chuyên môn, thiếu trách nhiệm chây ỳ, đối phó để không bị đưa vào diện tinh giản, gây rất nhiều khó khăn cho công tác cán bộ.

Đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan, tránh tinh giản biên chế sai đối tượng, Bộ Nội vụ cho rằng, trong nhóm cán bộ, viên chức có đơn xin nghỉ việc vừa qua, nếu về phẩm chất đạo đức, cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thì cần tinh giản ngay; đặc biệt với những cán bộ, viên chức yếu kém năng lực, sau khi lấy phiếu tín nhiệm mà không đạt yêu cầu, cũng kiên quyết tinh giản.

Đối với những người bị kỷ luật do các nguyên nhân khác: sinh con thứ ba, vi phạm kỷ luật do thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại ở mức độ thấp nhưng phát hiện không có tư lợi, thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể, không đưa vào tinh giản và bố trí những công việc khác phù hợp hơn. Nếu cán bộ, viên chức tự nguyện tinh giản biên chế thì cần đảm bảo hỗ trợ một cách thỏa đáng theo quy định.

TTXVN đưa tin, để thực hiện Nghị quyết 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Bộ Chính trị tại Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Bộ Nội vụ thấy cần ban hành chính sách mới đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế ngay.

Bộ Nội vụ đang tiến hành dự thảo nghị định mới thay thế các nghị Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020?NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có nội dung quan trọng, đề nghị bổ sung quy định về chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền được hưởng mức trợ cấp. Theo đó, bộ đề xuất 2 phương án:

Phương án 1, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1,8 triệu đồng (bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1-7). Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên.

Phương án này có ưu điểm là ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì mỗi người được thêm một mức trợ cấp bằng nhau. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 5 năm thì tối đa mỗi người được hưởng thêm mức trợ cấp là 108 triệu đồng. Tuy vậy, phương án này có nhược điểm là mức trợ cấp chưa đủ lớn để khuyến khích đối tượng dôi dư nghỉ trước lộ trình giải quyết dôi dư của cơ quan có thẩm quyền.

Phương án 2, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng. Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên.

Ưu điểm của phương án này, ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì đối tượng này còn có thêm một mức trợ cấp tính theo lương hiện hưởng của mình. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 5 năm và hệ số lương trung bình là 3,66 thì trung bình mỗi người được hưởng trợ cấp khoảng 197 triệu đồng. Mức trợ cấp này sẽ khuyến khích được đối tượng tinh giản biên chế nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.

Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Thái Huy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM lập tổ công tác giải quyết giấy tờ nhà đất

0
(SGTT) - TPHCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt với mục tiêu giải quyết dứt điểm những thủ tục liên quan đến giấy tờ nhà đất. ...

Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu...

0
(SGTT) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất lại tiêu chí xác định người lao động có thu...

Công nhân tại Khu Công nghệ cao TPHCM được công đoàn...

0
(SGTT) - Công đoàn Viên chức TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03a/NQ-TLLĐ của Ban...

Tăng lương tối thiểu: doanh nghiệp lo gánh nặng chi phí

0
(SGTT) - Từ đầu tháng 7 này, mức lương tối thiểu theo các vùng tăng bình quân 6%, tương đương từ 200.000-280.000 đồng/tháng. Tăng...

Tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã...

0
(SGTT) - Chính phủ vừa ban hành nghị định số 75 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ...

Trình Quốc hội quy định tăng 30% lương cơ sở, 15%...

0
(SGTT) - Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng như hiện nay lên 2,34 triệu...

Kết nối