Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều hiện nay. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của những người trong cuộc, “nói thì dễ, làm hiệu quả lâu dài mới khó”, theo ghi nhận của nhóm báo KTSG.
- Phát triển du lịch bền vững từ ‘nội lực’ âm nhạc, điện ảnh
- Mỗi địa phương cần có ‘đặc sản’ du lịch nông nghiệp riêng
Tại buổi tọa đàm “Tham vấn xây dựng chương trình du lịch, kết nối các điểm du lịch nông thôn tỉnh Quảng Nam” diễn ra hôm nay, 15-12, các chuyên gia và doanh nghiệp có những hiến kế cho tỉnh Quảng Nam – địa phương trong thời gian qua phát triển nhiều mô nghiệm thực tế. Theo họ, để những mô hình này phát triển hài hòa và bền vững, có những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Người kể chuyện hay và câu chuyện sống động
Đầu tiên là đào tạo và hướng dẫn nhân lực bản địa để họ có thể kể những câu chuyện hay, thú ví cho du khách.
Đứng dưới góc nhìn là chuyên gia trong lĩnh vực farmstay (lưu trú và trải nghiệm nông trại), ông Phạm Thanh Tùng, Phó viện trưởng Viện kinh tế du lịch nông nghiệp, cho hay du lịch nông thôn chủ yếu xoay quanh văn hóa nông thôn, văn hóa bản địa. Đây là chất chất liệu tốt để kéo khách du lịch, chứ không cần đem những chất liệu bên ngoài vào.
Và để tận dụng chất liệu này hiệu quả, theo ông Tùng, một trong những điều quan trọng là tổ chức các khóa học tập thực tế, tập huấn cho cả người làm du lịch và người dân bản địa. “Người dân bản địa nắm giữ văn hóa nông thôn, vì vậy cần đào tạo để họ có thể kể những câu chuyện hay và thú vị của họ cho khách du lịch”, ông Tùng chia sẻ.
Có ý kiến tương đồng, ông Vũ Quốc Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Amber, gợi ý thêm những hướng dẫn viên du lịch cần có kết nối chặt chẽ với người dân địa phương – những người kể chuyện văn hóa nông nghiệp, nông thôn – để có thể giúp khách du lịch có thể có những trải nghiệm đúng chất với loại hình này. Đó có thể là chuyện lịch sử làm chiếu cói truyền thống hay trồng lúa hữu cơ. “Người dân sẽ đóng vai trò là chủ nhà tổ chức bữa cơm buổi trưa dân dã để cùng ăn với khách. Trong bữa ăn, khách có thể tìm hiểu văn hóa, cuộc sống bản địa”, ông Tuyển ví dụ.
Tham gia các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Tổng Giám đốc Gami Theme Park, cho hay có những nơi biết cách kể chuyện, gây hứng thú cho người tham gia. Nhưng có những chỗ sản phẩm và lịch sử về sản phẩm đặc sắc nhưng câu chuyện kể lại nhàm chán. “Vì vậy, người kể chuyện phải hay, phải hấp dẫn để khách đến”, ông Hà cho hay.
Giải quyết những nút thắt
Ngoài vấn đề con người, theo đại diện các doanh nghiệp, để có thể phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn bền vững và có hiệu quả cần tháo gỡ những nút thắt và tránh những sai lầm có thể lường trước được.
Qua kinh nghiệm kinh doanh trong thời gian qua, bà Lê Thị Thanh Nga – chủ Nông trại Lò gạch cũ (nơi đang cung cấp dịch vụ trải nghiệm du lịch nông nghiệp) – cho hay có 7 sai lầm mà người làm mô hình này cần tránh. Đó là thành lập một trang trại (mô hình) chỉ để thu hút khách du lịch, du lịch nông nghiệp là một xu hướng thu lợi nhanh, du lịch nông nghiệp không cần có thiết kế, du lịch nông nghiệp dễ làm, du lịch nông nghiệp không cần chiến lược, sao chép ý tưởng của một nơi khác và thu nhập từ phần nông nghiệp vô cùng ít.
“Đến chụp hình rồi về thì cả đời chỉ đến 1 lần, nhưng nếu có sản phẩm thì khách đến 1 lần sản phẩm mình bán là 1 đời, và có trải nghiệm thì mới để lại nhiều kỷ niệm cho du khách”, bà Nga nói và chia sẻ thêm thuận theo tự nhiên là cách duy nhất để làm cho khu đất của mình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, người làm mô hình này phải biết cách trong một năm dùng nông nghiệp để nuôi du lịch và dùng du lịch để nuôi nông nghiệp.
Bà Nga cho hay có nhiều hoạt động thực hiện cùng lúc khi phát triển mô hình này. Đó là trồng trọt theo hướng hữu cơ, tận dụng sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, cung cấp dịch vụ ăn uống từ nông trại đến bàn ăn, dịch vụ lưu trú dựa vào thiên nhiên nhưng phải an toàn và dịch vụ trải nghiệm cho nhiều độ tuổi.
“Con người địa phương có vai trò quan trọng trong chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn”, ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng nói và cho biết thêm hiện nay có hiện tượng các hộ dân tham gia mô hình này có sự cạnh tranh không lành mạnh về giá. Vì vậy. doanh nghiệp cần có sự hướng dẫn để tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng.
Về vấn đề giá, ông Lê Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel, cho hay cung cấp dịch vụ này không những đảm bảo chất lượng mà giá cũng không được rẻ, thậm chí phải ở mức cao. Ông Hà giải thích doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ chi phí đầu tư, hỗ trợ người dân vùng nông thôn sắp xếp lại chuồng bò, rơm rạ, nhà cửa đơn sơ để không tạo quan cảnh khó coi trong mắt du khách. Bên cạnh đó, người dân cần được đào tạo cách phục vụ du khách dựa vào văn hóa nông thôn. Điều này vừa tạo lợi ích cho mình và lợi ích sinh kế cộng đồng.
Ngoài những nút thắt trên, theo ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hai vấn đề về du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng cần được giải quyết. Đó là tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu và chính sách, thủ tục về đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn, vướng mắc.
Sắp tới ngành du lịch Quảng Nam sẽ làm việc với các bên liên quan để thúc đầy hợp tác, đưa khách đến và ở lại Quảng Nam trải nghiệm nhiều hơn. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng sẽ phải làm việc với ngành nông nghiệp và hội đồng nhân dân để tìm ra chính sách phù hợp về đất đai để phát triển mô hình này.
Nhân Tâm