Lê Thị Linh Trang (*)
Tuổi thơ của mỗi người luôn là duy nhất, không có sự lặp lại lần thứ hai. Trong tuổi thơ này không thể thiếu những ngày hè mà ai cũng từng trải qua. Và, các bậc phụ huynh có nên quan tâm và đặt câu hỏi: “Qua một kỳ hè, con mình sẽ phấn khích và trưởng thành như thế nào?”.
Ngày hè trẻ thích gì? Trước hết, dĩ nhiên là “thích nghỉ hè!”, từ học sinh tiểu học cho đến bậc trung học, kể cả sinh viên. Với kỳ nghỉ dài ngày này, em nào cũng kỳ vọng sẽ có những ngày hè thú vị. Nếu dành thời gian để khảo sát một vòng các bạn nhỏ xung quanh mình, người lớn sẽ dễ dàng nhận ra trẻ thích gì khi nghỉ hè.
Ý thích thì muôn trùng
“Ước gì chỉ được chơi hay khỏi cần đi đâu cũng được, miễn sao được nghỉ ở nhà không phải đi học là con khoái rồi!”, Minh Anh học sinh lớp 6 ở quận 3 nhanh nhảu trả lời khi được hỏi hè con thích được đi đâu. Minh Anh kể tiếp: “Con sợ nhất là năm nào cũng vậy, từ hồi con học lớp 1 đến giờ, cứ hễ đầu hè là ba mẹ đã đăng ký sẵn mấy lớp học thêm luôn rồi, thấy ngán lắm!”.
Nhưng với câu hỏi: “Khi được ở nhà không phải đi học thì sẽ làm gì?”, đám cháu nhà ông Tư Nhân đang bu quanh cái iPad mà nhao nhao lên: “Được chơi iPad hay máy tính gì cũng được! Chơi suốt ngày không chán, vì cả năm đi học tụi con có được chơi mấy đâu!”. Nhóm này có ba đứa trai – hai lớp 10 và một lớp 8, cùng hai cô gái – một lớp 5 và một lớp 6. Mặc dù biết khả năng được có là rất hạn chế, nhưng bọn nhỏ vẫn… khao khát.
Một tâm sự khác của một nam sinh lớp 9, khi ba mẹ có điều kiện về kinh tế nhưng đi làm suốt ngày: “Con ngán cái iPad lắm rồi, từ hai năm trước ba con đã mua cho hai anh em con mỗi đứa một cái khi đến hè. Lúc đầu con rất ham, giờ mắt con lên độ vù vù. Con chỉ muốn được ba mẹ dẫn đi du lịch ở những nơi có cảnh đẹp, hoặc cho tụi con đi theo tour, hay về quê của ai đó thay đổi không khí. Ông bà nội, ngoại của con đều ở gần đây, nên có về nhà ông bà thì cũng vô phòng coi ti vi thôi, có gì vui đâu!”.
Và còn nữa rất nhiều những tâm tư khác của con trẻ trong những ngày đầu hè này. Phần lớn trẻ thích được nghỉ ngơi, chơi nhiều học ít, khỏi học càng thích. Có trẻ thích được đi xem phim, mua nhiều sách truyện ưa thích về đọc. Có trẻ thích được đi du lịch đó đây, một số trẻ thích được cho nhiều tiền và được tùy ý đi chơi với nhóm bạn của mình. Cũng có những trẻ đề nghị cha mẹ cho mình học một vài môn năng khiếu như bơi, đàn, thể dục thẩm mỹ, vẽ… Một số em thích tham gia các hoạt động chung như trại hè, học kỳ quân đội, nhưng ngược lại, có nhiều em không thích các hoạt động này vì cho rằng, nó gò bó. Ở độ tuổi 16, 17, một số em thích được tham gia các hoạt động tình nguyện, cộng đồng. Kể cả có em đã biết kiếm tiền, thích kiếm việc để làm hoặc tận dụng thời gian hè để kinh doanh qua mạng cũng không phải là ít.
Kế hoạch cũng thiên hình vạn trạng
“Đi học chứ, sao nghỉ được. Không học nhiều thì cũng phải học ít, hổng học, mai mốt vô năm học sao theo kịp chúng bạn!”, một phụ huynh phát biểu như thế sau khi kết thúc buổi họp phụ huynh trên lớp. Một số phụ huynh nán lại để chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm trên đã được nhiều người có mặt đồng tình. Vì vậy, họ cho nhau số điện thoại, e-mail để có thể liên lạc với nhau, chia sẻ những lịch học ở lớp của những thầy cô có tiếng, của các trung tâm ôn luyện. Một người trong số phụ huynh này còn có sáng kiến: hay là liên kết lại với nhau thành một nhóm, mời thầy cô tới nhà dạy, mỗi môn học ở một nhà khác nhau, vậy là vừa quản được con mà các con cũng có nhóm bạn để chơi hè!
Nhưng ngược lại, ông Hoàng Quân ở quận 10, TPHCM, có con trai học lớp 11, con gái lớp 7 nói: “Tụi nó học cả năm phờ phạc rồi, nhớ hồi xưa mình đâu phải học dữ vậy, cho nên hè tranh thủ cho mấy đứa nhỏ nghỉ ngơi”. Tuy nhiên, ông Quân cũng không có điều kiện khá giả gì để có thể cho con du lịch đây đó, mà để ở nhà ru rú thì con cũng buồn chán, “thôi thì gửi hai đứa về nhà ngoại, ở huyện Củ Chi đây thôi cho chúng chơi”.
Năng động hơn, một nhóm các chị thường sinh hoạt ở Nhà văn hóa Phụ nữ thành phố đã rủ nhau tự tổ chức tour du lịch nông trại cho các con, nhờ người quen mở lớp kỹ năng nhiếp ảnh, chăm sóc cây kiểng, trang trí nhà cửa… gom các con lại cùng học. Có thể dễ dàng tìm thấy thông tin này chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Tuy vậy, vẫn có không ít bậc phụ huynh cho rằng: “Hè không đi học thì cứ nghỉ ở nhà thôi, chứ kế hoạch gì, cha mẹ đi làm tối mắt tối mũi có rảnh chút nào đâu!”.
Ôi! Kế hoạch của phụ huynh cũng thiên hình vạn trạng chỉ có điều là nhiều khi kế hoạch của cha mẹ với nguyện vọng của con cái cứ như... hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau.
Những ngày hè bổ ích
Việc nắm bắt tâm lý của trẻ là hết sức cần thiết đối với các bậc phụ huynh, nhưng không phải để thỏa mãn con vô điều kiện. Một mùa hè có ý nghĩa không chỉ là một kỳ nghỉ vui mà còn phải đem lại những lợi ích thiết thực cho trẻ. Hiểu được những sở thích, mong muốn của con, phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các hoạt động phù hợp. Tuy nhiên cần tránh gây cho trẻ cảm giác bị áp đặt, không khác gì học kỳ III. Có một kế hoạch nghỉ hè được xây dựng trước sẽ giúp cho cha mẹ và con cái chủ động hơn. Một kế hoạch được bàn bạc và thống nhất sẽ giúp trẻ thấy mình có quyền được tham gia quyết định việc của mình, trẻ sẽ trở nên có trách nhiệm hơn, thấy mình được tôn trọng cũng là một giá trị có được trong chuyện này.
Khi lên kế hoạch nghỉ hè cho trẻ nên lưu ý những điều như cần có một mục tiêu rõ ràng, những lợi ích gì trẻ sẽ có được từ các hoạt động hè mà chúng ta đưa vào kế hoạch. Những điều này phải giúp trẻ vui, học hỏi, và trưởng thành hơn. Hãy giao tiếp với con nhiều hơn, nói chuyện với chúng, quan sát chúng nhiều hơn, để hiểu rõ con mình muốn gì; và đó cũng là cơ hội để chúng hiểu cha mẹ thêm chút nữa. Xác tín những mong muốn, sở thích của chúng trong những ngày hè, đồng thời nói với con những khả năng mà cha mẹ và gia đình có thể có được. Cùng với con tìm kiếm thông tin về các khóa học năng khiếu, về các tour du lịch, về các địa điểm con muốn đến, về các đầu sách và bộ phim mới ra trong kỳ hè này, về các chương trình khuyến mãi của những khu vui chơi giải trí, về các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng... Từ đó gợi ý cho con tham gia những gì phù hợp.
Ngay trong những ngày hè, hãy để trẻ có cơ hội bộc lộ bản thân tối đa trong những hoạt động vui chơi, học tập có sự định hướng của cha mẹ, của người lớn xung quanh, để đứa trẻ lớn lên không có cảm giác mình từng có một tuổi thơ đã bị đánh cắp.
____________
(*) Tiến sĩ tâm lý.