Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Để HTX kết nối tốt với siêu thị

Việc hợp tác tiêu thụ hàng hóa giữa các hợp tác xã (HTX) sản xuất với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối được xem là có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại cần giải quyết để giúp cho việc hợp tác này hiệu quả hơn.

Nhu cầu hợp tác

Thời gian qua, ở TPHCM đã diễn ra nhiều sự kiện nhằm kết nối cung-cầu hàng hóa như triển lãm nông nghiệp công nghệ cao 2014 (Hitech Agro) hay chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam bộ... Điểm chung của các chương trình này là ngoài các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn có cả sự tham gia của các HTX để liên kết cung cấp hàng hóa cho các siêu thị, chợ đầu mối.

Ông Lê Thành Trung, phụ trách điều phối và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của hệ thống siêu thị Big C, cho biết việc phát triển các nhà cung cấp địa phương luôn được siêu thị chú trọng. Đây là hình thức hợp tác hai bên cùng có lợi, siêu thị sẽ có hàng trực tiếp từ nơi sản xuất với giá rẻ, còn HTX có thêm kênh tiêu thụ và xây dựng thương hiệu với người tiêu dùng.

Việc hợp tác tiêu thụ hàng hóa giữa các HTX sản xuất với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối được xem là có nhiều tiềm năng.       Ảnh: Thành Hoa
Việc hợp tác tiêu thụ hàng hóa giữa các HTX sản xuất với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối được xem là có nhiều tiềm năng. Ảnh: Thành Hoa

Đại diện thu mua ngành hàng rau củ của siêu thị Citimark cũng cho biết các siêu thị đang có xu hướng tìm đến các nhà phân phối là nông dân, HTX bởi ngoài việc chủ động nguồn hàng, siêu thị có thể kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa.

Ông Lại Văn Tính, Chủ nhiệm HTX quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết ước tính sản lượng của HTX năm nay khoảng 300-500 tấn quýt, nếu ký kết hợp tác được với siêu thị thì sẽ có thêm kênh tiêu thụ. Trong khi đó, ông Lâm Văn Sáu, Chủ nhiệm HTX khoai lang-mì xã Lưu Nghiệp Anh (Trà Vinh) nói rằng với những HTX mới thành lập như xã Lưu Nghiệp Anh thì nếu liên kết được với các siêu thị, chợ sẽ giúp xã viên yên tâm sản xuất.

Những trở ngại

Tiềm năng hợp tác lớn nhưng thực tế hiện nay đang có rất ít HTX trở thành nhà cung cấp cho siêu thị, chợ vì gặp một số trở ngại.

Đại diện nhiều siêu thị, chợ cho rằng bản thân các đơn vị này có nhu cầu kết nối với các HTX để làm phong phú nguồn hàng nhưng việc hợp tác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà Nùng Thịnh Khánh Uyên, phụ trách ngành hàng rau quả của siêu thị Aeon Mall Tân Phú, cho biết tuy có nhiều HTX muốn đưa hàng vào siêu thị nhưng Aeon Mall hiện chỉ mới làm việc với hai HTX cung cấp rau. Theo bà Uyên, điều hành HTX thường là những nông dân tuổi từ trung niên trở lên nên ít nhạy bén với thị trường như các doanh nghiệp. Ngoài ra, họ thường ít tiếp xúc với công nghệ thông tin nên siêu thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc đặt hàng, giao hàng.

Trong khi đó, với kinh nghiệm của mình, ông Lê Thành Trung cho rằng các HTX có hai điểm yếu là về công nghệ thông tin và giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. “Các HTX chưa mấy quan tâm đến việc chứng nhận giấy tờ cho sản phẩm. Chúng tôi từng làm việc với một số HTX, sản lượng của họ đáp ứng được yêu cầu nhưng do thiếu giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên không thể nhập hàng”, ông Trung nói.

Nhìn nhận những điểm yếu, ông Tính cho biết HTX quýt hồng Lai Vung đang có 19 hộ, chủ yếu là nông dân quen với việc canh tác chứ chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin hay quảng cáo. HTX chỉ có một nhân viên là thư ký kiêm kế toán phụ trách việc nhận đơn hàng và thanh toán. Hay như với HTX khoai lang-mì xã Lưu Nghiệp Anh, việc đặt hàng còn phải qua Ban Nông nghiệp của UBND xã.

Thực ra, vẫn có những HTX đáp ứng được các tiêu chí của các siêu thị, chợ đầu mối như HTX rau Nhuận Đức (huyện Củ Chi) nhưng lại e dè trước việc hợp tác. Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nhuận Đức, cho biết HTX có 43 xã viên và đang cung cấp hàng cho siêu thị Co.opMart cùng một công ty thương mại. Trung bình mỗi ngày HTX này cung ứng 800 kg đến 1 tấn rau, củ, quả cho Co.opMart. “Siêu thị thường đặt hàng mỗi ngày, khi nhiều khi ít nên đầu ra cũng không ổn định lắm. HTX cũng muốn liên kết với các siêu thị khác nhưng gặp khó khăn về vốn bởi khi đưa hàng vào siêu thị, theo quy trình thì nửa tháng sau mới nhận được thanh toán trong khi chúng tôi phải trả tiền trước cho xã viên”, ông Tâm nói.

Quỳnh Vân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đại gia bán lẻ Nhật Bản mở thêm siêu thị tại...

0
(SGTT) – Theo đại diện AEON Việt Nam, việc mở thêm trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị thứ 8 tại Việt...

Siêu thị ở quận Gò Vấp đông nghẹt người trong những...

0
(SGTT) – Sau 2 ngày mở cửa, siêu thị Emart Phan Huy Ích, quận Gò Vấp đang đón tiếp lượng khách “khủng”, người dân...

Trải nghiệm không khí lễ hội mùa hè Nhật Bản tại...

0
(SGTT) - Diễn ra từ ngày 29-6 đến 12-7 tại các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, lễ hội mùa...

Sầu riêng Ri6 có mặt tại siêu thị của Anh

0
Lô hàng sầu riêng Ri6 của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch và được bày bán ở siêu thị của...

Siêu thị dồn dập khuyến mãi, tổ chức sự kiện giải...

0
Trong các ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5, nhiều hệ thống siêu thị tại TPHCM đã đưa ra các chương...

Chợ truyền thống trước bài toán đổi mới để tồn tại

0
Mô hình kinh doanh của chợ truyền thống đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi bán lẻ, siêu thị...

Kết nối