Trung Quốc đổ lỗi tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tăng vọt là do các sinh viên tốt nghiệp đại học không chịu từ bỏ tham vọng nghề nghiệp để làm các công việc tay chân tầm thường.
- Bằng đại học ‘vô giá trị’ khiến thanh niên Ấn Độ bế tắc trên thị trường việc làm
- Vẫn “khát” lao động dù thất nghiệp gia tăng
Trong những tuần gần đây, báo chí nhà nước và các hãng tin khác ở Trung Quốc đăng các bài viết ca ngợi tấm gương vượt khó của hàng chục sinh viên tốt nghiệp đại học, những người kiếm được thu nhập cao nhờ các công việc kỹ năng thấp như bán đồ ăn đường phố, trồng rau quả, thay vì theo đuổi nghề nghiệp trong chương trình học của họ.
Tháng trước, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng đăng bài viết chỉ trích các sinh viên tốt nghiệp đeo bám khát vọng sự nghiệp, không chịu “vặn ốc ít” ở các nhà máy. Bài viết kêu gọi thế hệ sinh viên hiện tại cần “phải cởi áo vét, xắn tay áo để làm các công việc trồng trọt và chăn nuôi”.
Nhưng thông điệp trên vấp phải phản ứng trên mạng xã hội, với những sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp chỉ trích chính quyền không tạo đủ việc làm cho đội ngũ thanh niên có học thức ngày càng tăng. Một phản hồi được “like” nhiều trên mạng xã hội WeChat là: Liệu tác giả bài viết trên của Đoàn Thanh niên Cộng sản có “sẵn sàng từ bỏ vị trí và mức lương hiện tại của bạn để trở thành một nhân viên lau dọn hay không?”.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc bắt đầu mạnh dần lên, với mức tăng trưởng đạt 4,5% trong quí đầu tiên sau khi các hạn chế đi lại kiểm soát Covid-19 được dỡ bỏ vào đầu năm nay. Nhưng tình trạng thất nghiệp của thanh niên vẫn là vấn đề nhức nhối.
Tầng lớp thanh niên, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh phong tỏa trong thời kỳ đại dịch, vẫn đang gặp khó khăn trên thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 của nhóm lao động 16-24 tuổi của Trung Quốc lên đến 19,6%, mức cao thứ hai được ghi nhận trong lịch sử. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trên cả nước dao động quanh mức 5%.
Số lượng thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng cũng cho thấy thách thức về nhân khẩu học đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Dân số của nước này đang bước vào giai đoạn suy giảm lần đầu tiên trong 6 thập niên trong bối cảnh có nhiều lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại trong dài hạn.
Sinh viên tốt nghiệp ngày nay sẽ chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già của họ giữa lúc triển vọng nghề nghiệp hạn chế và cơ hội tích lũy của cải bị hạn chế.
“Đầu tư vào giáo dục không còn đảm bảo thu được lợi ích lớn. Điều đó đã làm suy yếu ý tưởng cơ bản về cách những người bình thường có thể leo lên nấc thang xã hội”, Ming Xia, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thành phố New York, nói.
Tình hình thất nghiệp của giới trẻ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có thể giải quyết sớm khi con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến gia nhập thị trường lao động đang khan hiếm việc làm trong năm nay.
Cuộc khảo sát, do nền tảng tuyển dụng 51job thực hiện hồi tháng 11 năm ngoái với 100 nhà tuyển dụng có trụ sở tại Trung Quốc, cho thấy hơn một nửa số người được hỏi cho biết sẽ giảm tuyển dụng trong năm 2023.
Khi cơ hội việc làm hấp dẫn ngày càng ít, Bắc Kinh bắt đầu yêu cầu sinh viên tốt nghiệp hạ thấp tham vọng của họ và chấp nhận làm công việc chân tay khiêm tốn, vốn đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc.
Tháng trước, các phương tiện truyền thông nhà nước, do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn đầu, đã phát phóng sự về những sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được thu nhập bảy con số (145.000 đô la trở lên) trong các ngành nghề không yêu cầu trình độ cao.
Một phóng sự của CCTV nói về một đôi vợ chồng trẻ có bằng đại học kiếm được 9.184 nhân dân tệ (1.335 đô la) một đêm khi bán thức ăn đường phố gồm đậu phụ và khoai tây chiên ở tỉnh Chiết Giang.
Đáp lại, một bài viết đăng được chia sẻ nhiều trên nền nền tảng mạng xã hội Weibo ước tính rằng cặp vợ chồng này sẽ cần phục vụ 1,6 khách hàng mỗi phút trong suốt đêm để đạt được doanh số đó.
“Nếu kiếm tiền dễ dàng như vậy, tôi chắc chắn rằng những người bán đậu phụ và khoai tây chiên sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi”, tác giả bài viết bày tỏ.
Vài ngày sau phóng sự trên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, đôi vợ chồng thừa nhận doanh số bán hàng của họ nhìn chung chỉ bằng 1/3 so với ngày mà CCTV phỏng vấn.
Trung Quốc thiếu các biện pháp bảo vệ người lao động hiệu quả. Nhân viên cổ cồn trắng ở nước này thường làm việc trong nhiều giờ, chẳng hạn như lịch trình làm việc “996” khét tiếng của các công ty công nghệ, nơi nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong sáu ngày của một tuần, hoặc sẵn sàng nghe điện thoại của công ty 24 giờ mỗi ngày trong suốt tuần.
“Chính quyền nên thực thi luật lao động và giải quyết mối quan tâm thực sự của người lao động,” một người dùng trên WeChat viết.
Ở tỉnh Hà Bắc, Lucy Liu, một sinh viên đại học, cho biết nếu không tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp, cô sẽ đến Anh để theo học thạc sĩ vào mùa thu tới.
“Tôi sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn trong quá trình phát triển sự nghiệp. Tôi sẽ cố gắng tìm một công việc phù hợp với sở thích của mình bất kể môi trường bên ngoài như thế nào”, Liu nhấn mạnh.
Lê Linh
Theo Financial Times, Kinh tế Sài Gòn Online