(SGTT) - Trong những ngày đầu năm 2022, du lịch Việt đang có dấu hiệu khởi sắc, trong đó có lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng biển trên du thuyền.
- Khám phá miền Tây năm mới bằng du thuyền Victoria Mekong
- Du thuyền trên vịnh đã kín chỗ các ngày cuối tuần đến sau Tết Nguyên đán
- Hãng du thuyền đưa khách vào Việt Nam du lịch đường sông đóng cửa vì Covid-19
Những dấu hiệu khả quan
Trong thời gian gần đây, hàng loạt các địa phương đã tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, nhiều trọng điểm du lịch trên cả nước đã triển khai các chương trình ký kết, liên kết hợp tác. Các công ty du lịch phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng những sản phẩm du lịch, tour tuyến mới để thu hút du khách.
Hòa cùng đà khởi sắc của du lịch Việt, du lịch nghỉ dưỡng biển trên du thuyền cũng có những dấu hiệu khả quan. Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO Tập đoàn Lux Group, cho biết, đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, hai du thuyền Emperor Cruises và Heritage Cruises của tập đoàn đều đã đồng loại ra khơi để phục vụ du khách.
Các tour tại những điểm đến nổi tiếng Nha Trang (Khánh Hòa) và Lan Hạ (Hải Phòng) đều đã kín lịch cho đến ngày 8-2-2022. Dòng khách hàng của Lux Group hiện chủ yếu là các gia đình, các cặp đôi và Expat (khách nước ngoài hiện sinh sống và làm việc ở Việt Nam).
Ở thời điểm này, Nha Trang và Lan Hạ đều mang lại những trải nghiệm thú vị cho những tín đồ ưa xê dịch. Với vịnh Nha Trang, thời tiết của mùa khô hiện tại sẽ khiến lượng mưa ít, du khách có thể trải nghiệm cái nắng ấm áp của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và ngắm trời trong vắt vào ban ngày và hưởng thụ tiết trời mát mẻ vào buổi tối.
Còn vịnh Lan Hạ lại đang bước vào mùa Đông, mang vẻ đẹp rất riêng với sương giăng mờ ảo sáng sớm, trưa nắng ấm áp, và mặt nước liên tục đổi màu từ xanh thẳm đến xanh ngọc, rồi vàng rực khi hoàng hôn.
Mùa đông nơi đây rất phù hợp với những du khách không thích cái nắng nóng gay gắt của miền Bắc. Thay vào đó, du khách được trải nghiệm tiết trời lạnh, mặc áo ấm, nhâm nhi tách trà nóng trên boong tàu.
Xu hướng nghỉ dưỡng biển trên du thuyền sẽ lên ngôi trong năm 2022
Trong giai đoạn “bình thường mới” buộc phải sống chung với đại dịch Covid-19, nghỉ dưỡng biển trên du thuyền được kỳ vọng sẽ được nhiều du khách lựa chọn, cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Lý do là loại hình du ngoạn trên sóng biển này gần thiên nhiên, tránh xa sự xô bồ nên an toàn và thú vị với nhiều hoạt động trên du thuyền, trên mặt nước và dưới nước.
Du khách được tận hưởng từng khoảnh khắc khó quên như đón ánh dương ngày mới, nhâm nhi và thưởng nhạc khi hoàng hôn buông xuống.
Các tàu du lịch hoạt động hạng sang có thể làm cho hành trình trở thành một trong những hình thức du lịch an toàn nhất cho các cặp đôi, gia đình và các nhóm nhỏ, đảm bảo một kỳ nghỉ an toàn và đẳng cấp.
Ngoài ra, loại hình du lịch nghỉ dưỡng này ít phải di chuyển hoặc di chuyển gần, tốn rất ít thời gian. Du khách không phải yêu cầu hành lý, thời gian xếp hàng chờ đợi hay những phiền toái chung.
Du thuyền trên biển giúp mọi chuyện trở nên đơn giản và là một trải nghiệm thú vị. Du thuyền di chuyển khi khách khám phá, đỗ chỗ yên tĩnh và đẹp nhất cho du khách nghỉ ngơi thư giãn, tham gia các hoạt động trên du thuyền và trên đảo, trên mặt nước và dưới nước.
Hiện tại, các đơn vị kinh doanh lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng biển trên du thuyền ở Việt Nam đang chủ yếu phục vụ khách nội địa và một số lượng còn khá khiêm tốn khách nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đề xuất Thủ tướng Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, gồm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua các tất cả cửa khẩu quốc tế từ ngày 31-3-2022. Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không đã liên tục kiến nghị Thủ tướng, đề nghị được mở cửa sớm hơn, ngay trong tháng 2-2022.
Nếu kiến nghị này được phê duyệt, tình hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng biển trên du thuyền sẽ còn khởi sắc hơn nữa sau một thời gian dài bị đóng băng, các du thuyền phải trải qua tình trạng “ngủ đông” một cách bất đắc dĩ.
Đinh Nam