Dấu xưa trên bến Bình Đông
(SGTT) - Bến Bình Đông được ví như một “không gian di sản” với các dãy nhà đậm nét kiến trúc đặc thù của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Đồng thời, nơi đây cũng mang dấu ấn của hoạt động kinh tế “trên bến dưới thuyền” một thời.
Bến Bình Đông nằm bên kênh Tàu Hủ, song song với đại lộ Võ Văn Kiệt, nay thuộc quận 8, TPHCM. Ảnh: Lạc Hà
Theo TTXVN, bến Bình Đông xưa là một phần quan trọng của Chợ Lớn, được hình thành ngay khi người Hoa từ Cù lao Phố (thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tới đây vào năm 1778. Ảnh: Thái Bảo
Cùng với các bến khác ở Sài Gòn xưa như bến Hàm Tử, bến Chương Dương, bến Bạch Đằng... bến Bình Đông là cửa ngõ giao thông và đầu mối giao thương quan trọng của Sài Gòn cùng các vùng lân cận, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ. Ảnh: Thái Bảo
Trong lịch sử, bến Bình Đông từng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp nhất nhì Sài Gòn - Chợ Lớn. Ảnh: Lạc Hà
Bến Bình Đông chính là nơi chứng kiến một giai đoạn thịnh vượng của việc mua bán và xuất khẩu lúa gạo trong suốt lịch sử hơn 300 năm phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn. Ảnh: Thái Bảo
Người dân ở bến Bình Đông từ xưa đến nay đều dùng tầng trệt là cơ sở kinh doanh, tầng trên là nhà ở. Ảnh: Lạc Hà
Các ngôi nhà ở bến Bình Đông xưa thường có cột được xây bằng gạch, lan can bằng sắt, gờ chỉ làm bằng thạch cao hoặc vôi. Ảnh: Thái Bảo
Hiện tại, không gian của bến Bình Đông vẫn đang được giữ gìn với hình ảnh truyền thống song song với không gian đô thị hiện đại. Ảnh: Lạc Hà
Ngày nay, bến Bình Đông cũng là chợ hoa Tết nổi tiếng, góp phần tô đậm nét văn hóa “trên bến dưới thuyền” trong những ngày giáp Tết ở TPHCM. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Thái Bảo - Lạc Hà