NGUYỄN HUY -
Đối với những người mê cải lương thì tuồng có màu sắc hương sa, tức tuồng cổ hấp dẫn hơn kịch bản tâm lý xã hội. Tuy nhiên, tuồng cổ ở đây được mặc định là tuồng tích có cốt truyện của lịch sử... Trung Quốc, còn tuồng có nguồn gốc sử Việt ít ăn khách hơn. Vào đầu tháng 11, tại rạp Công Nhân, đạo diễn – nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoa Hạ đã cho ra mắt vở tuồng Trung thần (tác giả Hoa Hạ, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn Hoa Hạ), kể về tinh thần công chính của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tích Trung Quốc in sâu vào tiềm thức khán giả
Nghệ sĩ Lê Trung Thảo (giữa) vai Lê Văn Duyệt, Võ Minh Lâm vai Lê Văn Khôi (bên phải ảnh).
Lần trở lại lịch sử phát triển của cải lương, tuồng Hồ Quảng có vị trí rất quan trọng. Thời kỳ nghệ sĩ Phùng Há đang đỉnh cao, tuồng Hồ Quảng gần như chiếm trọn các sân khấu cải lương miền Nam. Riêng tên gọi Hồ Quảng đã cho thấy có sự liên quan đến văn hóa Trung Quốc. Như một lẽ đương nhiên các vở tuồng cải lương Hồ Quảng đều có cốt truyện Trung Quốc như Tiết Đinh San-Phàn Lê Huê, Bao Công, Vương Quý Phi-An Lộc Sơn, và nhiều nhân vật trong lịch sử lẫn thần thoại Trung Quốc... Ngoài cốt truyện phong phú, giàu trí tưởng tượng, phục trang và cảnh trí tuồng gốc tích Trung Quốc cũng rất bắt mắt, rồi vũ đạo cũng đa dạng nên khán giả say mê.
Điều này góp phần làm khán giả Việt Nam rành sử Trung Quốc hơn cả sử Việt, dù là trong cải lương. Cứ thế cải lương tuồng tích Trung Quốc in đậm vào tiềm thức khán giả. Nó quan trọng đến mức mà giờ đây, khi mà sức sống của cải lương đang bị suy giảm mạnh, những vở cải lương muốn bán được vé đều có xu hướng dựng tuồng tích Trung Quốc (người trong giới cải lương quen gọi là tuồng tích Tàu). Những vở của nhóm nghệ sĩ Vũ Luân thường trình diễn tại sân khấu Lê Thị Riêng, hay của nhiều nhóm nghệ sĩ phục vụ khán giả khác hiện nay cũng dễ dàng nhận ra điều đó.
Đứng trước thực tế này, nhiều soạn giả muốn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc bằng cách viết tuồng cải lương sử Việt. Một trong những vở thành công vang dội trong quá khứ đó là Tiếng trống Mê Linh, vở diễn ghi đậm dấu ấn của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Vở Thái hậu Dương Vân Nga cũng là một thành công ấn tượng của cải lương sử Việt. Sau này vở Câu thơ yên ngựa, hoặc Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Hiến Thành xử án cũng chiếm được cảm tình đặc biệt của khán giả. Thế nhưng, những vở hay có gốc tích từ sử Việt vẫn còn rất ít nếu so với các vở có tuồng tích Tàu. Và sau những vở nổi tiếng kể trên thật lâu, đạo diễn Hoa Hạ mới có tác phẩm Chiếc áo thiên nga nhưng cũng đã nhiều năm trước. Theo nhiều người am hiểu cải lương, tính đến nay đã hơn 10 năm, hầu như chưa có vở tuồng sử Việt nào gây được sự chú ý của công chúng.
Kéo công chúng đến cải lương sử Việt
Trong năm nay, dưới sự đồng ý của Hội nghệ sĩ sân khấu TPHCM, đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ cùng soạn giả Hoàng Song Việt đã thành lập nhóm Bầu trời xanh. Mục đích ban đầu là đào tạo bài bản cải lương cho thiếu nhi, mà đặc biệt là con cháu nghệ sĩ. Khi đưa vào thực tế, những người thực hiện đã chú trọng vào tuồng cổ mà trong đó sử Việt được lấy làm tuồng tích. Những trích đoạn như Anh hùng cờ lau (nói về Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân), Bến Bình Than (khai thác sâu tính cách anh hùng thiếu niên của Trần Quốc Toản và sự dũng mãnh của vua tôi nhà Trần). Và đầu tháng 11, NSƯT Hoa Hạ đã đưa lên sân khấu vở Trung thần.
Vở diễn này nhắc lại sự can trường, công minh của tả quân Lê Văn Duyệt, vị quan nổi danh của vùng đất Gia Định xưa. Bằng tài năng của mình, ông đã dẹp đám giặc phản loạn, kể cả quân ngoại xâm Xiêm La. Ông đã muốn giúp cho triều đại vua Minh Mạng không bị suy vong bằng cách trực tiếp xử tội chết Huỳnh Công Lý, vị quan tham nhưng lại là cha vợ vua. Tinh thần công chính của Lê Văn Duyệt đã được người dân tôn thờ.
Câu chuyện nghe qua có vẻ khô khan đối với khán giả hiện đại, nhưng đạo diễn Hoa Hạ đã kể một câu chuyện hấp dẫn qua phong cách tuồng cổ đầy màu sắc, bao gồm vũ đạo đẹp (thi triển võ công mạnh mẽ và gọn gàng, diễn viên có nhiều động tác uyển chuyển nhuần nhuyễn), phục trang đẹp, cảnh trí bắt mắt. Quan trọng hơn, Lê Trung Thảo phù hợp với vai Lê Văn Duyệt từ ngoại hình đến kỹ thuật diễn xuất. Lê Tứ đầy tâm trạng trong vai trung quân Nguyễn Văn Thành. Điền Trung rất đa dạng trong vai hữu quân Lê Chất. Đặc biệt, nghệ sĩ gạo cội Trường Sơn xuất sắc trong vai ác Huỳnh Công Lý. Biểu diễn của ông khiến khán giả thấy rõ bản chất tham lam của một vị quan biến chất.
Thành công của vở Trung thần trong suất diễn đầu tiên được thấy qua tràng vỗ tay nhiều lần của khán giả. Điều đáng nói ở đây là những tràng vỗ tay không chỉ vang lên trong những đoạn nghệ sĩ lên vọng cổ mà là cho những tình huống tâm đắc. Nói chung khi xem Trung thần, khán giả được cung cấp nhiều thông tin để hiểu rõ hơn về một nhân vật lịch sử của vùng đất Gia Định xưa và Sài Gòn nay.
“Vở Trung thần sẽ tham dự liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp tại Bạc Liêu, tiếp đó, chúng tôi sẽ tổ chức phục vụ khán giả các nơi. Tương lai xa, chúng tôi tiếp tục dựng các vở tuồng có gốc tích sử Việt để người Việt tự hào hơn về tiền nhân”, đạo diễn Hoa Hạ, cho hay.