Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Đau nhức khi lái xe: chớ coi thường

(SGTT) - Ít vận động, ngồi lâu một tư thế trên đường dài khiến những người lái xe có nguy cơ mắc phải các bệnh cơ xương khớp như đau lưng, mỏi cổ, tê mỏi vai gáy, tê tay, nặng hơn có thể bị thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống lưng, hoặc thoát vị đĩa đệm.

Thường xuyên lái xe từ nhà ở tỉnh Bình Dương lên quận Thủ Đức (TPHCM) làm việc, vừa rồi anh Phúc Thắng (36 tuổi) bị những cơn đau lưng hành hạ, ngồi yên khoảng 10 phút là lưng nhức không chịu được.

Đi khám, anh Thắng được chẩn đoán bị thoái hóa cột sống lưng. Từ giờ anh phải uống thuốc và kết hợp châm cứu.

Bệnh phổ biến của người lái xe
Tư thế lái xe thích hợp (trái) và không thích hợp (phải).

Bác sĩ Lý Và Sềnh, Trưởng khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên gặp những bệnh nhân làm nghề lái xe đến khám, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vật lý trị liệu vì mắc những bệnh lý đau lưng, mỏi cổ, tê tay, thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống lưng…”.

Những người này thường xuyên có các triệu chứng bất thường về cột sống, co cứng cơ cạnh cột sống, vẹo cột sống hoặc bị thoái hóa, hẹp thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh đó, khi lái xe đường dài, việc điều khiển tay lái lâu khiến các tài xế dễ bị hội chứng ống cổ tay.

Triệu chứng thường gặp là đau, mỏi, tê bàn tay, ngón tay, có thể lan lên hết cánh tay do dây thần kinh bị chèn ép ở cổ tay gây ra. Khi lái xe lâu ngày, triệu chứng sẽ biểu hiện rõ hơn.

Khi nghỉ ngơi hoặc vận động thì sẽ giảm bớt. Bệnh này được chẩn đoán bằng cách đo điện cơ hai tay.

Vì vậy, tư thế lái xe phù hợp sẽ giúp người lái hạn chế tình trạng bị đau lưng, mỏi cổ, giảm nguy cơ mắc bệnh về cột sống.

Khi lái xe đường dài, do tập trung sự chú ý, tài xế thường nhướn người về phía trước, khiến cột sống cong về phía trước, vùng cổ chịu trọng lực của phần đầu tác động.

Do đó họ thường bị đau mỏi cơ cổ và lâu ngày dẫn đến thoái hóa, thoát vị đốt sống cổ.

Theo bác sĩ Và Sềnh, việc thường xuyên ngồi lâu với một tư thế, ít cử động cột sống lưng hay ngồi sai tư thế là những nguyên nhân đang âm thầm phá hủy cột sống của người lái xe.

“Ngồi lâu ở một tư thế trong nhiều giờ sẽ gây áp lực lớn cho lưng. Hậu quả là chứng đau nhức lan tê từ lưng xuống mông rồi xuống chân, gây ra bệnh đau thần kinh tọa”, bác sĩ Sềnh nói.

Chưa hết, trong quá trình di chuyển, người lái xe có thể chịu sự dằn xóc của các tuyến đường giao thông có nhiều ổ gà khiến cột sống lại phải gánh thêm một lực tác động lớn.

Những yếu tố này khiến sụn và xương dưới sụn ở cột sống lưng nhanh chóng bị mòn gây ra bệnh thoái hóa cột sống lưng hoặc các đốt sống lưng chèn ép mạnh lên các đĩa đệm gây thoát vị đĩa đệm.

Riêng hội chứng vai gáy thường gặp khi người lái xe điều khiển xe quá lâu ở một tư thế. Bệnh nhân thường đau mỏi gáy, lan sang hai bên vai, có thể kèm thêm tình trạng tê vai.

Trong quá trình lái xe, đôi tay gần như là bộ phận duy nhất hoạt động, ngược lại phần cổ rất hạn chế cử động, nên lưu lượng máu nuôi dưỡng vùng cột sống cổ cũng sẽ ít đi.

Nên tận dụng thời gian để tập luyện

Để phòng ngừa các bệnh cơ xương khớp liên quan đến thói quen lái xe, bác sĩ Lý Và Sềnh khuyên người lái xe khi chạy xe qua những nơi có ổ gà cần đi chậm lại.

Khi đã mắc bệnh lý về cột sống, tài xế cần đeo đai bảo vệ thắt lưng, cổ. Trong quá trình lái xe, tài xế cần dừng xe đi lại, vận động để lưu thông khí huyết, làm giãn cơ, giảm đau.

Người lái xe phải ngồi với tư thế thẳng, luôn giữ ngực thẳng, cằm hơi cúi về phía trước trong khi phải giữ cho lưng và cột sống cùng nằm trên một đường thẳng, tránh tình trạng nghiêng cổ một phía quá lâu.

Tư thế đúng là đầu gối để cong vuông góc, tay và vai tạo ra đường cong tự nhiên, phần eo lưng phải có điểm tựa, cổ giữ thẳng.

Những người lái xe đường dài có thể tranh thủ dành vài phút lúc đổ xăng hay ăn trưa để có các động tác vận động phù hợp.

Nếu có thời gian, một số bài tập ngắn tại chỗ sẽ giúp cải thiện đáng kể tuần hoàn máu và giảm đau lưng và cơ xương khớp.

Khi ngồi trên xe, người lái nên sử dụng dụng cụ hỗ trợ vùng cổ với các loại đai, gối, nên kê thêm một chiếc gối mỏng ở vùng thắt lưng, điều chỉnh gối lái thích hợp để tư thế ngồi thoải mái, phần tay và vai không bị căng.

Khi bị đau cổ, người lái xe có thể dùng hai bàn tay xoa nhanh vào nhau cho nóng, rồi xoa bóp vùng cổ gáy đang đau nhức. Nhiệt độ của bàn tay sẽ giúp kích thích lưu thông máu ở vùng cổ cũng như phần lưng trên và vai.Các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khuyên người lái xe cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá… Ăn thêm rau xanh và các loại thực phẩm chứa vitamin D, C, E, axit béo và Omega-3. Đặc biệt, với tài xế lái xe đường dài, việc uống đủ nước vô cùng quan trọng giúp cơ thể tăng cường sự trao đổi chất và có tác dụng bôi trơn xương khớp.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bẻ, nắn xương khớp nghe “rắc rắc” để trị cơn đau,...

0
(SGTT) – Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội chăm sóc sức khỏe gần đây thường xuất hiện nhiều cơ sở và dịch vụ...

Ngồi phòng lạnh và ít vận động là gọi mời bệnh...

0
(SGTTO) - Bệnh đau cơ, xương khớp ngày nay không chỉ xuất hiện ở người già. Rất nhiều người trẻ mới ở tuổi 30 cũng...

Kết nối