Thứ hai, Tháng năm 5, 2025

Đầu năm nóng chuyện dạy thêm, học thêm

Đăng Nam-

Đầu năm học mới, câu chuyện dạy thêm, học thêm tại TP HCM lại trở nên nóng bỏng giữa mâu thuẫn: nhu cầu thiết thực của phụ huynh và học sinh với việc quản lý để ngăn chặn dạy thêm tràn lan, tiêu cực của cơ quan quản lý.

Không tìm được chỗ học thêm

Năm nay, chị Phạm Thị Hoa Mai (40 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM) có con gái lớn học lớp 8 và con trai út học lớp 3 ở trường gần nhà. Hai vợ chồng chị Mai đều là viên chức làm giờ hành chính, 17 giờ mới tan sở. Do đó, họ muốn tìm chỗ cho con út học thêm vào buổi chiều, bởi cả hai vợ chồng đều không thể đón con về nhà vào buổi trưa sau khi bé học xong.

“Đứa lớn học xong thì tự đi xe buýt về nhà hoặc đi học thêm buổi chiều. Còn đứa nhỏ chưa thể tự lo cho mình nên tôi muốn gửi bé cho cô chủ nhiệm rước về nhà dạy kèm, chiều ba mẹ đến đón”, chị Mai cho biết. Song, nguyện vọng của chị gặp chút rắc rối, bởi cô chủ nhiệm phải từ chối nhận trẻ dạy kèm theo quy định “giáo viên tiểu học không được phép dạy thêm” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, người mẹ này mang bức xúc trên “chất vấn” cô giáo thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi phải làm đúng quy định, mong phụ huynh thông cảm”. Gia đình này đành phải thuê một ông xe ôm gần nhà đón con út vào mỗi buổi học đến nhà ông bà ngoại “tá túc” sau giờ học.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hoan (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) có một con gái đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn cũng đau đầu tìm nơi học thêm cho con. Anh Hoan kể, đầu năm học, một nhóm phụ huynh trong lớp đề nghị thầy giáo chủ nhiệm tổ chức lớp dạy kèm cho con em họ vào chiều tối.

“Chương trình bây giờ khác xưa rồi, phụ huynh có bằng đại học chưa chắc đã dạy nổi con học cấp một. Do đó chúng tôi muốn thầy giáo dạy kèm, vừa là trông giúp con chờ phụ huynh xong việc đến đón”, anh Hoan nêu lý do.

Tuy nhiên, đề nghị của phụ huynh bị thầy giáo từ chối vì “nhà trường không cho dạy thêm tại nhà, cấp tiểu học càng không được và nếu thanh tra giáo dục biết sẽ bị kỷ luật rất nặng”.

Câu chuyện của chị Mai, anh Hoan không còn cá biệt bởi đó là nỗi khổ của nhiều phụ huynh tại thành phố. Một cán bộ Phòng Giáo dục quận Thủ Đức trong hội nghị giao ban giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM và các cơ sở dạy thêm trên địa bàn hồi đầu tháng 9 đã thẳng thắn: “Hàng chục phụ huynh gọi điện, nhắn tin cho chúng tôi bức xúc vì họ đi làm về trễ, không có thời gian đón con. Họ chỉ mong thầy cô trông giúp trẻ, đồng thời dạy cho các bé học nhưng sao không cho phép?”.

Cán bộ này cho biết, quy định không cho phép giáo viên tiểu học dạy thêm khiến nhiều phụ huynh “xoay” đủ cách, nhiều người phải bỏ hàng triệu đồng mỗi tháng thuê gia sư là sinh viên dạy kèm.

daythem-hocthemChương trình học còn nặng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh phải học thêm.  Ảnh: Đăng Nam

Khó cấp phép cơ sở dạy thêm

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết trong năm học này hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn sẽ được quản lý chặt chẽ, đi vào nề nếp. Tất cả các cơ sở dạy thêm đều phải công khai thông tin trên một trang web được sở này xây dựng, bao gồm danh sách giáo viên tham gia dạy thêm; nội dung, chương trình, cấp học được dạy thêm. Riêng danh sách học sinh học thêm được bảo mật.

Thêm nữa, theo quy định về hoạt động dạy thêm và học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thông tư 17/2012), UBND TPHCM (Quyết định 21/2014), giáo viên trong biên chế không đứng ra tổ chức dạy thêm mà phải tham gia vào cơ sở dạy được cấp phép. Cơ sở này phải do người ngoài biên chế hoặc giáo viên hưu trí đứng tên. Việc học thêm và lựa chọn cơ sở học thêm dựa trên sự tự nguyện của học sinh, giáo viên tuyệt đối không được o ép.

Thầy H.L.T (giáo viên THCS ở Bình Thạnh) cho rằng, những quy định trên là thiếu thực tế bởi hai lý do. Thứ nhất, các cơ sở dạy thêm được cấp phép này không nhiều, thậm chí ở các huyện ngoại thành gần như không có. Do đó, học sinh có nhu cầu học thêm không biết tìm đâu ra cơ sở dạy thêm được cấp phép.

Thứ hai, nhiều giáo viên có sẵn phòng học ở nhà riêng hoặc thuê mướn, đủ để dạy thêm cho một nhóm học sinh 10-15 em nhưng chiếu theo quy định trên sẽ không được dạy tại nhà. Họ phải đăng ký là “giáo viên dạy thêm” tại một cơ sở khác được cấp phép và xin phép hiệu trưởng trường đang công tác mới được dạy thêm.

“Rõ ràng, quy định trên đánh đố giáo viên. Trong khi rất nhiều điểm dạy thêm ở nhà của nhiều giáo viên vẫn sáng đèn mỗi đêm. Họ dạy nghiêm túc, đàng hoàng đó nhưng nếu bị bắt gặp thì coi như là vi phạm”, thầy T. phân tích.

Cô N.T.V (giáo viên THCS ở quận 3) lại cho rằng, thay vì quy định ngặt nghèo việc dạy thêm - học thêm như hiện nay, ngành giáo dục nên siết chặt việc dạy thêm tràn lan, tiêu cực, giáo viên ép học sinh. “Chúng tôi dạy thêm cũng là lao động chân chính để kiếm sống. Đừng nên quản lý một cách quy chụp sẽ làm tổn thương đến những giáo viên có tâm”, cô V. chia sẻ.

Nói về vấn đề này, ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục TPHCM),  cho rằng quy định trên đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có nhu cầu dạy thêm, cải thiện thu nhập chính đáng. Với những nơi chưa có cơ sở dạy thêm, các quận huyện sẽ chủ động phối hợp với đoàn thể, hội cựu giáo chức để tổ chức các cơ sở này. Các cơ sở này có thể tận dụng phòng ốc là trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường.

Theo ông Tân, các trường học cũng được phép cho thuê cơ sở vật chất dôi dư cho các cơ sở dạy thêm khi đã đảm bảo việc học chính khóa cho học sinh. Riêng các trường học tổ chức một buổi/ngày, cơ sở dạy thêm phải tổ chức ngoài thời gian dạy học, không được gắn vào giờ học trống và học sinh học trên tinh thần tự nguyện.

“Ngành giáo dục sẽ tạo điều kiện để giáo viên dạy thêm đúng quy định, đồng thời không để xã hội nhìn nhận sai lệch về người thầy trong hoạt động dạy thêm - học thêm này”, ông Tân cho hay.

Song, theo trưởng phòng giáo dục một quận ở TPHCM đã nghỉ hưu, dù có quy định và các giải pháp cho vấn đề dạy thêm - học thêm, nhưng bao năm nay hoạt động này rất “sôi động” và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. “Gốc rễ là chương trình học nặng nề, cơ sở vật chất trường lớp không đủ cho học sinh học hai buổi mỗi ngày thì dạy thêm, học thêm vẫn là tất yếu”, bà nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nghỉ lễ dài nhưng nhiều cơ sở lưu trú ở miền...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày nhưng không tạo được sức bật cho lưu trú của nhiều tỉnh...

Thổi hồn xanh vào phố cổ

0
(SGTT) - Du lịch xanh là điều ai cũng thích nói nhưng ít ai làm được đến nơi đến chốn vì nó tốn kém,...

Người dân quay lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ 30-4

0
(SGTT) - Chiều ngày 4-5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, dòng người từ các tỉnh đổ về TPHCM mỗi lúc một đông,...

Ngắm “dải lụa trắng” Phi Liêng giữa rừng già Tây Nguyên

0
(SGTT) – Nằm sâu trong xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, thác Phi Liêng như một “dải lụa trắng” buông mình...

Gần 2 triệu lượt khách đến TPHCM vui chơi dịp lễ...

0
(SGTT) - Trong dịp lễ 30-4 và 1-5, khách tham quan tại các điểm du lịch, vui chơi giải trí tại TPHCM ước khoảng...

Ô tô phương Tây ‘đổi chiến thuật’ để giành lại thị...

0
(SGTT) - Khi thị phần lao dốc, các hãng xe phương Tây đang tăng tốc “bản địa hóa” tại Trung Quốc để đối phó...

Kết nối