Huy Tuấn
Trời Sài Gòn nắng như đổ lửa, tự nhiên tôi thèm đến cồn cào món canh cua đồng. Tưởng tượng tô canh cua xanh ngắt màu mồng tơi, rau đay cộng thêm chén cà pháo giòn tan mà… nuốt nước bọt cái ực.
Ráng nén cái sự thèm thuồng chờ tới cuối tuần, chở vợ đi chợ, tôi “đặt món”: “Bữa nay em mua cua đồng về nấu canh ăn cho mát ruột nghen”. Bước xuống xe, vợ liếc một cái thiệt dài: “Thôi anh ơi, em về còn chế biến đủ thứ để ăn cả tuần. Đằng nào cũng hầm xương, muốn mát, em mua khổ qua bào sẵn về nấu canh ăn cho gọn”. Tô canh mát rượi, trái cà giòn tan ao ước của tôi coi như tan thành mây khói.
Từ ngày cu Bin đi mẫu giáo, chị giúp việc về quê, hai vợ chồng phải tự lực cánh sinh chuyện cơm nước, chăm con. Mỗi tuần đi chợ một lần, vợ tôi cứ mua xương về hầm, chia nhỏ từng túi để dành nấu canh ăn suốt tuần. Ban đầu cũng thấy tiện vì mỗi ngày chỉ cần lấy ra một túi nước xương hầm, ngày khoai tây, cà rốt; ngày khác thì bí xanh, bí đỏ, ngày kia thì cải xanh, cải ngọt… thành ra mỗi ngày đều có món canh khác nhau. Nhưng lâu ngày, nói thiệt, tôi ngán mấy món canh nấu từ xương tới cổ.
Ngồi quán cà phê chờ vợ, cái sự tức nó cứ anh ách. Nghĩ đi nghĩ lại, không phải mình tôi mà cả cái sự ham thích ăn uống của cu Bin cũng nằm trong sự khống chế của vợ. Hai ba con hiếm khi nào được ăn món mình muốn mà chỉ được ăn theo sở thích và sự tính toán khẩu phần theo dinh dưỡng của vợ tôi.
Hình như đứa con nít nào cũng thèm mỳ Ý, nui xào thịt bò, cánh gà tẩm bột chiên… Nhưng mỗi lần nghe cu Bin đề xuất những món ăn khoái khẩu đó, vợ tôi đều gạt ngang. Lúc chê ăn mỳ Ý phải dùng xốt chế biến sẵn có chất bảo quản, không tốt. Cánh gà tẩm bột nhiều dầu mỡ dễ bị béo phì. Nui bò xào được đổi thành cơm bò xào vì nui không có chất dinh dưỡng…
Sống ở trên đời, ăn uống theo sở thích là một trong những điều sung suớng nhất của con người. Vậy mà cái sự sung sướng đó của ba con tôi lại bị lệ thuộc hoàn toàn vào phụ nữ đầy quyền lực trong gia đình. Trong cái khó chợt ló ra cái khôn: ta tự phục vụ ta để khỏi lệ thuộc là lựa chọn tuyệt vời nhất của ba con tôi lúc này.
Gạt bỏ suy nghĩ “cái xó bếp không phải của đàn ông đại trượng phu” được ba má dạy từ hồi nhỏ xíu, lần đầu tiên tôi bước vào chợ, loay hoay một lúc cũng mua đủ nguyên liệu cho một nồi canh rau đay và bịch cà pháo. May cho tôi, người bán cua cũng là đàn ông. Chắc ngó bộ dạng tôi lóng ngóng, anh hỏi “mới lần đầu đi chợ hả?”, rồi lựa cho tôi mớ cua thiệt ngon, rửa sạch sẽ trước khi bỏ vô máy xay. Đàn ông với nhau dễ nói chuyện, không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhờ anh chỉ cách nấu nồi canh thiệt ngon.
Đi chợ ra, vợ tôi trố mắt ngó bịch rau treo tòn ten, giọng quạu: “Đã nói nấu canh xuơng khổ qua bào mà sao anh lộn xộn quá. Về tự nấu đi nhen, em hổng biết à!”. Tôi nín khe, không phải vì sợ vợ mà vì trong lòng dương dương tự đắc “Đừng coi thường tôi nghen, tôi cũng biết nấu à”.
Cu Bin hớn hở nhìn tô canh mà ba nó đã vật lộn gần một giờ và cuối cùng vẫn phải nhờ má nó nêm nếm lại cho vừa miệng. Lần đầu tiên ăn món canh lạ, dù rau đã hơi nhừ nhưng Bin vẫn cứ tấm tắc khen ngon. Thì ra nấu ăn cũng không quá khó như tôi tưởng. Được ăn món khoái khẩu do chính mình chế biến, rồi nhìn con ăn uống với vẻ đầy sung sướng, vừa ăn vừa khen lấy khen để… té ra cũng có thiệt nhiều niềm vui lạ lẫm.
Từ sau bữa canh cua đồng, hai ba con tôi “ủ mưu” sẽ không phụ thuộc vợ tôi trong chuyện ăn uống. Rù rì bàn tính món ưa thích cuối tuần, tôi lên mạng tìm đọc để biết mua những nguyên liệu gì, cách chế biến ra sao? Vợ đi chợ, tôi cũng… đi chợ. Sau một số lần đáng kể thất bại, nấu món này nhưng thành phẩm lại là món kia, cuối cùng tôi cũng có thể trở thành đầu bếp phục vụ mình và con trai. Sự thèm thuồng đã được giải quyết dứt điểm, cha con tôi đã được tự do thưởng thức những món mình yêu thích mà không cần “phiền” vợ.
Vợ từ bực bội, coi tôi như kẻ phá bĩnh đã dần quen và thích thú với việc vào bếp của chồng. Cuối tuần nhà tôi cũng vui hơn, vợ thôi cằn nhằn “cả tuần đi làm, cuối tuần chỉ biết cắm mặt cơm nước”; cu Bin thôi mè nheo con không thích món này mà sao má cứ bắt con phải ăn?; tôi cũng chấm dứt cảnh ăn cơm nhà mà cứ tơ tưởng món khoái khẩu nào đó ở hàng quán. Vào bếp, tôi biết được sự vất vả, hiểu tâm lý của người đầu bếp để bớt “ỉ eo” nếu lỡ chẳng may có lần nào đó vợ nấu không vừa miệng.
Không biết tôi có còn đáng mặt đại trượng phu nữa không, chỉ biết từ ngày bước vô bếp, ba con tôi không còn lệ thuộc vào vợ từ giờ ăn đến món được ăn. Từ đó nhà tôi cũng nhiều tiếng cười hơn mỗi khi cả nhà cùng vào bếp.