(SGTT) - “Dấu ấn một dòng gốm cổ” là tên gọi của triển lãm chuyên đề về gốm cổ Quảng Đức, do Bảo tàng Phú Yên thực hiện chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.
- Phú Yên mong muốn trở thành ‘đại phim trường’ của điện ảnh và truyền hình
- Phim điện ảnh ‘Ngày xưa có một chuyện tình’ sẽ quay tại Phú Yên
Từ ngày 23-11 đến ngày 31-12-2023, Bảo tàng tỉnh Phú Yên tổ chức trưng bày chuyên đề “Dấu ấn một dòng gốm cổ” về dòng gốm cổ Quảng Đức, Phú Yên.
Triển lãm giới thiệu 115 bức ảnh về vị trí, không gian làng gốm Quảng Đức, thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An và vùng phụ cận; hình ảnh hoạt động khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm của các chuyên gia, nhà sưu tập; hình ảnh hoạt động của các nghệ nhân làng gốm Quảng Đức trong quá khứ; hình ảnh một số hiện vật gốm Quảng Đức tiêu biểu và đặc tả chi tiết hoa văn trang trí trên sản phẩm gốm Quảng Đức…
Bên cạnh hình ảnh là 90 hiện vật gốm Quảng Đức đã được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, gồm các loại hình gốm tráng men như ché, nậm rượu, bình vôi, hũ vôi, lư hương…; gốm không tráng men như thống, lu, chum, chậu kiểng, bình hoa, hòn kê, hũ, thố, muỗng, chân đèn, cỗ bồng, lư hương, đôn, cối, ghè, đĩa, chén, nồi lửa, bình trà, ấm…
Một số nội dung giới thiệu chung và trích dẫn giới thiệu tóm lược về quy trình làm gốm Quảng Đức, về lò nung gốm, về giá trị một số hiện vật hoặc nhóm hiện vật tiêu biểu, ý nghĩa của các hình tượng trang trí trên gốm Quảng Đức…
Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, cho biết "Từ giữa thế kỷ 20 trở lại đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, làng nghề gốm Quảng Đức dần mai một, bí quyết kỹ thuật làm gốm tráng men theo phương pháp truyền thống đã bị thất truyền. Nhận thấy gốm Quảng Đức là một dòng gốm tiêu biểu của địa phương, các sản phẩm gốm Quảng Đức là di sản văn hóa quý giá, từ nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh đã tập trung sưu tầm, xây dựng thành sưu tập, đưa vào bảo quản, lưu giữ và liên tục bổ sung, nâng tầm giá trị sưu tập hiện vật gốm Quảng Đức".
Theo ông Nguyễn Hữu An, tại trưng bày này, có 90 hiện vật gốc và 115 hình ảnh nhằm giới thiệu, phổ biến rộng rãi những giá trị đặc sắc của dòng gốm Quảng Đức, một dòng gốm cổ ở Phú Yên, một di sản văn hóa tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa của địa phương.
Ngoài sưu tập của bảo tàng, những năm qua, nhiều nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh đã quan tâm đến gốm cổ Quảng Đức và có nhiều hoạt động phát huy giá trị của dòng gốm này. Triển lãm lần này mong muốn công chúng trong và ngoài tỉnh được biết đến một trong những di sản văn hóa tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên.
Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc hàng năm lấy ngày 23-11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Từ đó đến nay, việc tổ chức ngày Di sản Văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, các nhà nghiên cứu, sưu tầm trong việc phát huy giá trị Di sản Văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.
Trần Quang