(SGTT) - Lăng Khải Định (Ứng Lăng) là công trình đặc biệt trong hệ thống lăng vua triều Nguyễn, kết hợp giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và phong cách châu Âu hiện đại. Tọa lạc trên triền núi Châu Chữ, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km, lăng là nơi an nghỉ của vua Khải Định - vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn.
- Lễ hội Điện Huệ Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Vẻ hoài cổ của phố Bạch Đằng giữa lòng xứ Huế
- Khai mạc Năm Du lịch quốc gia Huế 2025: Kinh đô xưa, vận hội mới

Theo Sở Du lịch thành phố Huế, lăng Khải Định có hình khối chữ nhật với 127 bậc tam cấp, trong đó cung Thiên Định là điểm nhấn trung tâm. Vật liệu xây dựng gồm sắt, thép, xi măng và ngói ardoise, được vua Khải Định mua từ Pháp. Riêng đồ sành sứ, thủy tinh màu dùng để trang trí nội thất thì được ông đặt mua từ Trung Hoa và Nhật Bản.

Kiến trúc của lăng Khải Định không tuân theo một trường phái kiến trúc nhất định nào, mà là sự kết hợp của nhiều phong cách, từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothique đến Roman… Các dấu ấn này thể hiện rõ ở những công trình cụ thể như cổng trụ hình tháp (ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ), bảo tháp của nhà Phật, hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu, nhà bia với hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể.

Sự kết hợp độc đáo ấy phản ánh rõ nét những ảnh hưởng mang tính thời cuộc đến tư tưởng của vua Khải Định, khi văn hóa Đông – Tây giao thoa trong thời điểm giao thời của lịch sử. Có lẽ chính vì vậy mà lăng Khải Định mang vẻ khác lạ, độc đáo so với các công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

Công trình trung tâm của lăng Khải Định là cung Thiên Định, nằm ở vị trí cao nhất và gồm năm phần nối liền nhau, hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành với án thờ và chân dung vua; chính giữa là bửu tán, pho tượng đồng đúc tỷ lệ 1:1 và mộ phần phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị. Ba gian giữa của cung được trang trí bằng phù điêu ghép sành sứ và thủy tinh với các họa tiết như tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, khay trà...

Điểm nhấn trang trí nữa là khu vực Chính Tẩm, nơi đặt mộ vua ở dưới, trên có tượng vua và có tán che (bửu tán) được làm bằng bê tông, sắt thép nhưng đường nét hết sức mềm mại, tinh tế. Các mảng trang trí khảm sứ, thủy tinh ở bệ tượng cũng được bố trí theo ô, hộc. Đề tài vẫn là hình rồng, chữ Vạn, hoa lá.

Các mô típ rồng được trang trí trên mặt chiếc tán này. Trên trần là hình tượng rồng đang ngậm chữ, bốn góc có hình tượng con dơi, hàm ý là chúc phúc cho nhà vua. Dơi có tên chữ nho là Biên Phúc, có âm trùng với chữ Phúc là tốt lành. Trong Chính Tẩm còn có các hàng cột trang trí rồng trên thân cột. Tại Hậu Tẩm thờ bài vị, có đến hàng trăm chữ Vạn giản thể, biểu tượng của nhà Phật được khảm bằng thủy tinh màu xanh.

Sau 11 năm xây dựng với sự đầu tư kỹ lưỡng về nguyên vật liệu, Ứng Lăng được xem là một trong những công trình lăng tẩm tốn kém nhất thời bấy giờ. Đặc biệt, lăng Khải Định còn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, với giá trị nghệ thuật và kiến trúc vô cùng độc đáo.

Ngày nay, lăng Khải Định trở thành một địa điểm thu hút đông đảo du khách, là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến tham quan Huế.