Suốt hơn hai năm qua, thế giới quay cuồng, mệt mỏi, bất lực, đau đớn với đại dịch Covid-19. Đã bao lần nhân loại thắp nên niềm hy vọng trở lại cuộc sống bình thường rồi lại thất vọng não nề vì các biến thể chết chóc của virus corona chủng mới. Lần này, với biến chủng Omicron thì sao? Liệu chúng ta có sẽ phải một lần nữa “quay lại từ đầu” với điệp khúc “giãn cách, đóng cửa, phong tỏa”? Câu trả lời vẫn còn nằm ở phía trước, nhưng hy vọng xem ra đã sáng sủa hơn.
- 20 dấu hiệu có thể nhiễm Omicron, có nhiều triệu chứng giống cảm lạnh
- Việt Nam đã ghi nhận 108 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó TPHCM có 68 ca
Cây bút Jen Christensen của kênh truyền hình CNN, Mỹ, dẫn lời TS. Tom Fireden, Giám đốc Trung Tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) nước này dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng trong năm 2022, Covid-19 sẽ không còn khống chế đời sống người Mỹ với mức độ như vừa qua.
Có thể nói gì về Omicron?
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều đồng ý rằng họ không biết chắc chắn điều gì sẽ xãy ra.
Trong quá khứ, nhân loại đã chứng kiến rất nhiều mô hình diễn biến đại dịch và rút ra nhiều bài học từ đó. Nhưng cách thức biến chủng Omicron xuất hiện và hoành hành cho thấy “quả cầu thủy tinh dự đoán tương lai của các nhà khoa học đã bị mờ đi ít nhiều”, nhà báo Christensen viết.
“Không ai trong số chúng ta thực sự dự đoán trước được Omicron,” bài báo của Christensen dẫn lời TS. Yvonne Maldonado, chuyên gia dịch tể học và bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Sanford. “Dĩ nhiên cũng có một số chỉ dấu, nhưng chúng ta không biết trước chính xác con đường đi của nó”, TS. Maldonado nói.
Và đó là một con đường bão táp ở Mỹ. Chỉ riêng tháng rồi, dưới tác động lây nhiễm ghê gớm của Omicron, số ca mắc mới tăng vọt, chiếm đến một phần tư tổng số ca từ khi dịch bùng phát hai năm trước tại nước này.
Đợt lây nhiễm mới nhất do Omicron gây ra có vẻ đã lên đến đỉnh ở một số vùng nơi Omicron xuất hiện đầu tiên ở Mỹ, như Boston và New York, nhưng vẫn đang vượt khỏi tầm kiểm soát ở nhiều nơi khác.
Ví dụ như tại bang Georgia, các bệnh viện vẫn đang quá tải. Vì nhiều nhân viên y tế cũng bị nhiễm, nhân sự của Vệ binh Quốc gia phải trám chỗ.
Tuy vậy, giữa muôn trùng khó khăn với Omicron, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm vẫn đặt niềm hy vọng căn cứ trên những gì xảy ra tại Nam Phi, nơi đầu tiên phát hiện biến thể này.
Sau khi các nhà khoa học Nam Phi xác định biến thể Omicron vào tháng 11 năm ngoái, số ca nhiễm mới tại đó đã nhanh chóng đạt đỉnh rồi giảm xuống nhanh không kém. Câu chuyện ở nước Anh cũng theo kịch bản tương tự. Do vậy, các chuyên gia hy vọng tình hình ở những nơi khác cũng sẽ giống như thế.
John Swartzberg, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và vắc-xin học tại Viện Đai học California, cho rằng từ giữa tháng Hai tình hình sẽ tiến triển tốt hơn, và từ tháng Ba đến mùa hè năm nay, những gì xảy ra sẽ tương tự như năm trước, khi số ca nhiễm giảm. “Chúng ta sẽ có cảm giác lạc quan và sẽ làm được nhiều thứ hơn trong cuộc đời mình”, ông Swartzberg nói với nhà báo Christensen. “Tôi cho rằng tháng Năm hay tháng Sáu sẽ mang lại hy vọng. Tôi rất lạc quan về điều này”.
Một phần hy vọng của vị chuyên gia này xuất phát từ thực tế dân số Mỹ đạt miễn dịch tăng lên khi nhiều người hơn đã chích đủ hai mũi và mũi tăng cường, cũng như số người nhiễm Covid-19 đã khỏi.
“Nhìn chung, mức độ miễn dịch ở Mỹ sẽ tăng lên cao hơn nhiều so với khi Omicron bắt đầu tấn công, và điều đó sẽ giúp chúng ta không chỉ với Omicron hay Delta mà còn với bất kỳ chủng mới nào,” TS. Swartzberg cho biết. “Mức độ cụ thể còn phụ thuộc vào các loại dược phẩm chúng ta có được", TS Swartzberg nói.
Sau Omicron sẽ là gì?
Sở dĩ vị chuyên gia này phát biểu như trên là vì virus corona sẽ không biến mất hoàn toàn.
Biến chủng mới sắp tới, chưa biết tên nó là gì, sẽ có tốc độ lây nhiễm cao hơn cả Omicron, và có thể sẽ gây nhiều triệu chứng hơn, hoặc chẳng còn triệu chứng nào cả!
“Ai mà biết điều gì xảy ra sắp tới,” TS. George Rutherford, chuyên gia dịch tể học thuộc Viện Đại học California ở thành phố San Francisco, cho biết. Theo ông, virus corona có khả năng biến đổi từ từ, như trường hợp của biến thể Alpha và Beta, nhưng cũng có khả năng đột biến nhảy vọt, như Delta và Omicron. “Sắp tới ra sao? Ai mà biết được!”.
Lấy ví dụ virus gây bệnh cúm H1N1. Virus này gây ra đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1918 khi lây cho một phần ba dân số thế giới và cướp đi 50 triệu sinh linh. Cuối cùng, đại dịch này cũng qua, nhưng con virus còn tồn tại đến ngày nay.
Đó là ông cố tổ của tất cả các chủng virus H1N1 chúng ta thấy hôm nay, theo TS. Maldonado. Đã có rất nhiều biến chủng nhưng tất cả đều bắt nguồn từ một chủng duy nhất. Và virus corona chủng mới sẽ đi theo cùng một con đường.
Mỗi năm chừng 35.000 người Mỹ mất mạng vì cúm, theo CDC. “Nhưng chúng ta vẫn sống bình thường,” TS. Swartzberg cho biết.
Và đó cũng là kịch bản lạc quan nhất theo TS. Maldonado. Theo kịch bản này, thế giới nên chú trọng bảo vệ những trường hợp dễ bị thương tốn nhất bằng cách bảo đảm họ phải tiêm vắc-xin đầy đủ và có được kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) cũng như các loại thuốc kháng virus. Các công ty dược phẩm phải sản xuất được vắc-xin đặc hiệu với biến chủng mới để mọi người chủng ngừa hàng năm. Công tác xét nghiệm cũng phải tốt hơn.
Trong khi đó, kịch bản trung bình sẽ xảy ra nếu thế giới thiếu dược phẩm kháng khuẩn hữu hiệu hoặc kháng thể đơn dòng để chữa trị người bệnh, và nếu các công ty dược không kịp sản xuất vắc-xin đặc hiệu.
Cuối cùng, kịch bản xấu nhất sẽ đến nếu biến chủng thoát được sự bảo vệ của vắc-xin.
“Nhưng, theo tôi, đó là kịch bản khó xảy ra,” TS. Maldonado cho biết.
Vậy chúng ta nên làm gì?
Theo TS. Panagis Galiatsatos, phó giáo sư y học tai Đai học Y Johns Hopkins, nước Mỹ đã có vũ khí nhằm giới hạn sự lây lan của các biến chủng và chấm dứt sự hoành hành của đại dịch.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta chẳng cần thêm đột phá gì nữa,” ông Galiatsatos nói. “Chúng ta đã biết cách ngăn các ca Covid trầm trọng. Đó là vắc-xin”.
Khẩu trang cũng giúp ích rất nhiều.
Mỗi năm vị phó giáo sư này có hàng trăm buổi nói chuyện trong cộng đồng để khuyến khích mọi người chủng ngừa.
"Chúng ta đã có được vũ khí để biến Covid-19 thành cảm lạnh", ông Galiatsatos cho biết. "Chúng ta phải dựa vào khoa học. Điều cần làm là tiếp cận can thiệp y học, và chúng ta phải tái tạo niềm tin".
Theo CDC, chỉ có một phần tư dân số nước Mỹ đã được tiêm hai mũi vắc-xin và mũi tăng cường. Nếu càng có nhiều người chưa tiêm vắc-xin thì càng nhiều người sẽ phải nhập viện. Và càng nhiều ca lây nhiễm, số lượng biến chủng nguy hiểm sẽ càng nhiều.
Quỳnh Thư
Xem kết quả