(SGTT) – Theo nhận định của Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim và đại diện Cục Kiểm lâm, đám cháy ở Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim không ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của sếu đầu đỏ - loài chim biểu tượng của Vườn quốc gia này.
- Cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được dập tắt
- Loạt giải pháp kéo sếu đầu đỏ về Tràm Chim
- Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 2 năm
Trưa hôm qua, 11-6, VQG Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp xuất hiện đám cháy rừng lớn, thiêu rụi nhiều diện tích cây ăn trái và rừng tràm. Đám cháy đã được dập tắt vào chiều cùng ngày, gây thiệt hại hơn 60 triệu đồng. Song, nhiều cũng người cũng lo ngại đám cháy cũng sẽ ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc VQG Tràm Chim, cho biết khu vực cháy nằm ở phía rừng tràm, hầu như không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và sự sống của đàn sếu đầu đỏ.
Đồng thời, chia sẻ trên Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng nhận định đám cháy không ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm ở VQG này. Cụ thể, nơi có sếu đầu đỏ sinh sống là ở khu vực đồng cỏ năn kim, trong khi khu vực cháy là ở vùng ven, gần khu dân cư.
VQG được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Vườn nằm trong vùng trũng ngập sâu của Đồng Tháp Mười, có khoảng 130 loài thực vật với sáu kiểu quần xã đặc trưng gồm sen, lúa ma, cỏ năn, cỏ ống, mồm mốc và rừng tràm.
Đây là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm; 16 loài nằm trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), trong đó có sếu đầu đỏ - biểu tượng của VQG Tràm Chim.
Hiện, tỉnh Đồng Tháp cũng đang có nhiều giải pháp kéo sếu đầu đỏ về Tràm Chim. Trước đó, vào tháng 3-2024, bốn cá thể sếu đầu đỏ đã về VQG Tràm Chim, bay lượn và đậu lại khoảng nửa giờ.